Trao đổi với Phụ nữ & Gia đình, Ths.BS Lê Thị Kiều Dung cho biết bà đẻ không nên hơ bụng bằng bếp than sau sinh để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.
- Tác dụng thần kỳ của nước ép củ dền đối với bà bầu khiến chị em ‘tròn xoe mắt’ kinh ngạc
- Bà bầu đi chơi Tết cần lưu ý những gì?
Thưa bác sĩ, em năm nay 27 tuổi và đang mang thai con gái đầu lòng. Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến ngày dự sinh nhưng em vẫn băn khoăn về việc ở cữ sau sinh thế nào cho phù hợp, từ việc tắm rửa, đọc sách báo đến chuyện ăn uống. Đặc biệt là kinh nghiệm cho bà đẻ nằm bếp than sau sinh để để tử cung và cửa mình co lại. Tuy nhiên, theo em tìm hiểu, một số bài báo có đề cập đến việc không nên nằm bếp than.
Gia đình em sống ở vùng Nam Trung Bộ khí hậu quanh năm nắng nóng. Nghĩ đến việc nằm bếp than trong những ngày ở cữ làm em không thể chịu nổi. Vậy bác sĩ vui lòng cho em biết cách làm này có đúng không?
Em cảm ơn bác sĩ!
(tuyetanhduongthi@gmail.com)
Trả lời:
Bà đẻ có nên hơ bụng bằng bếp than sau khi sinh?
Chào em! Chúc mừng em vì sắp sửa hoàn thành chặng đường mang thai 9 tháng 10 ngày nhiều vất vả. Hơn 30 năm làm bác sĩ sản khoa, cô nhận được rất nhiều câu hỏi tương tự của các chị em phụ nữ.
Như em cũng biết, kinh nghiệm cho bà đẻ hơ bụng bằng bếp than nóng sau sinh vốn là thói quen từ xa xưa của các bà các mẹ. Tuy nhiên, cô xin khẳng định cách làm này hoàn toàn phản khoa học và gây ra nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và con.
Thứ nhất, theo nguyên lý “chất rắn nở ra khi nóng lên, co lại khi lạnh đi” thì không có chuyện tử cung sẽ co lại khi dùng bếp than nóng. Ở đây, nếu em hơ bụng bằng phương pháp này sau sinh thì chẳng những tử cung của em không thu nhỏ lại mà còn nở và nhão ra.
Cửa mình cũng không vì ảnh hưởng hơi nóng từ bếp than mà thu hẹp lại. Việc tử cung và cửa mình thu nhỏ về trạng thái ban đầu hoàn toàn phụ thuộc vào cơ địa và sức khỏe của thai phụ sau sinh.
Thứ hai, sau khi về nhà, mẹ và bé thường được bố trí nằm ở những phòng kín, tránh gió. Trong khi đó, bếp than khi đốt nóng sẽ thải ra nhiều khí cac-bo-nic (CO2). Lượng khí này tràn ra khắp phòng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp của cả mẹ và bé.
Trẻ sơ sinh khi hít phải nhiều khí CO2 có thể gây ngạt ngở, viêm phổi và nguy cơ cao dẫn đến tử vong. Ngoài ra, làn da non nớt, nhạy cảm của bé có thể bị bỏng hoặc nổi rôm sảy. Nghiêm trọng hơn, với những em bé sinh bằng phương pháp mổ, đặt bếp than hơ nóng trong phòng sẽ khiến chất đờm trong cổ họng con bị đọng lại, không thể thoát ra ngoài. Hậu quả là con có thể mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Bản thân cô khi sinh em bé cũng hoàn toàn không áp dụng các cách ở cữ theo kinh nghiệm dân gian: Không nằm than, không chườm bụng bằng rượu gừng và vẫn duy trì thói quen đọc sách báo một cách hợp lý.
Như vậy, lời khuyên của cô là sau khi sinh, em không nên để dưới giường một chiếc bếp than như thói quen thông thường. Thay vào đó, em chỉ cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tinh thần thoải mái để cơ thể sớm phục hồi sau sinh. Đó là cách làm khoa học nhất.
Ths.Bs Lê Thị Kiều Dung
(Khoa sản – Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM)