Trong những ngày nhiệt độ giảm sau, các bà bầu cần chú ý giữ ấm khi ra ngoài để tránh bị nhiễm lạnh hay cảm cúm.
- Bị bệnh có triệu chứng không khác gì bệnh cúm, bác sĩ đã chẩn đoán nhầm khiến cô bé 12 tuổi tử vong
- Mách bạn làm nước quất đường phèn phòng chống cảm cúm
Mùa đông nhiệt độ giảm sâu và hay thay đổi thất thường nên là thời điểm cao điểm của virus lây nhiễm bệnh. Khi mang bầu, sức đề kháng của phụ nữ kém hơn hẳn so với bình thường, do đó bà bầu rất dễ bị nhiễm lạnh hay cảm cúm. Vì vậy, các mẹ cần hết sức chú ý bảo vệ đường hô hấp của mình
Luôn giữ ấm cho cơ thể khi ra ngoài
Trong những ngày này, nhiệt độ ở Miền Bắc liên tục giảm sâu, có những thời điểm xuống dưới 10°C. Điều kiện thời tiết ảnh hưởng khá nhiều đến sinh hoạt các bà bầu, rất nhiều người lo lắng khi ra ngoài sợ cảm lạnh sẽ ảnh hưởng đến em bé trong bụng.
Tuy nhiên, Bác sĩ chuyên khoa II Diêm Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa khám sản tự nguyện, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho rằng: “Trong thời tiết này các bà bầu quan trọng nhất là cần giữ ấm, chứ không cần phải kiêng khem quá nhiều”.
Nếu các mẹ bầu phải ra ngoài trong thời tiết quá lạnh nên mặc áo đủ ấm, đeo bao tay và đeo khăn quàng cổ, vì quan trọng nhất là giữ ấm phần cổ và ngực. Các mẹ cũng cần đeo khẩu trang để giữ ấm cho mũi, tránh để khí lạnh bay vào mũi sẽ dễ gây cảm cúm.
Bên cạnh đó, phòng ở cần chú ý tránh gió lùa và không khí ẩm ướt vì hệ miễn dịch của bà bầu khá kém, dễ bị cảm lạnh. Tuy nhiên, cũng phải đảm bảo thoáng mát, tạo điều kiện cho không khí lưu thông sẽ tốt cho hệ hô hấp của bà bầu và sự phát triển của thai nhi.
Uống đủ nước ấm mỗi ngày
Thời tiết khô hanh của mùa đông khiến cơ thể dễ bị mất nước. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ nước vào mùa đông lại giảm đi. Điều đó không tốt cho cơ thể. Vì thế, bác sĩ Diêm Thị Thanh Thủy khuyên các bà bầu nên thường xuyên uống nước, đặc biệt là nước ấm để cung cấp đủ nước cho cơ thể và tránh bị cảm lạnh; và không nên uống nước lạnh.
Nên ăn những món ấm và ăn nhiều rau, củ, quả
Bên cạnh đó, các mẹ cũng nên chú ý đến vấn đề ăn uống, nên ăn những món ấm, tránh những món ăn lạnh, và nên ăn nhiều rau, củ quả. Nên hạn chế các loại hải sản sống, các loại thịt cá chưa chín, các loại sữa chưa tiệt trùng, bởi chúng còn chứa rất nhiều vi khuẩn, dễ gây ảnh hưởng cho thai nhi.
Đặc biệt, bác sĩ Thủy cũng khuyến cáo cần giành thời gian nghỉ ngơi, khi bà bầu có các dấu hiệu như đau họng, ho, nghẹt mũi, đau đầu, sốt nhẹ… thì nên đến các cơ sở uy tín để khám và điều trị, không được tự ý điều trị ở nhà để đảm bào sức khỏe cho cả mẹ và con.