Lễ hội Đền Hùng là dịp lễ lớn nhằm tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng. Hãy cùng tìm hiểu lịch sử, ý nghĩa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương qua bài viết sau.
- Đúng giữa tháng 3 âm lịch, các con giáp sau mở mắt đã thấy tiền bên cạnh, số dư tài khoản tăng lên vù vù
- Những tuổi vừa bước chân ra khỏi cửa là ‘ĐẠP TRÚNG HỐ VÀNG’, may mắn kéo đến ầm ầm trong nửa đầu tháng 3 âm
Ý nghĩa ngày Giỗ tổ Hùng Vương là chủ đề được nhiều người quan tâm khi cả nước chuẩn bị bước vào ngày nghỉ lễ mùng 10 tháng 3 âm lịch. Dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, cứ đến ngày Giỗ tổ Vua Hùng là hàng triệu trái tim mang dòng máu Việt lại cùng nhau hành hương hoặc hướng về miền đất Tổ Phú Thọ, thắp nén tâm hương để tưởng nhớ về nguồn cội, tri ân tổ tiên với tất cả lòng thành kính.
Nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay vẫn còn giữ các nghi lễ thờ cúng tổ tiên hay các nhân vật khai sáng dân tộc. Tuy nhiên, hiếm có đất nước nào mà người dân sinh sống trên mọi miền Tổ quốc cũng như kiều bào đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài lại cùng hướng về một ngày Quốc Tổ, hướng về cội nguồn như dân tộc Việt Nam.
Ngày Lễ hội Đền Hùng hay còn gọi là Giỗ tổ Hùng Vương là một ngày quốc lễ của Việt Nam, là ngày truyền thống của dân tộc Kinh tưởng nhớ công lao dựng và giữ nước của các Vua Hùng. Lễ được tổ chức đều đặn mỗi năm vào mùng 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Từ ngày 2/4/2007, Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho phép người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Và từ đó, mùng 10/3 âm lịch hằng năm đã trở thành một trong những ngày lễ lớn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Nguồn gốc của lễ Giỗ tổ Hùng Vương
Truyền thuyết kể lại rằng Tổ Phụ Lạc Long Quân lấy Tổ Mẫu Âu Cơ và sinh được 100 người con, 50 người theo Cha xuống biển, 50 người theo Mẹ lên núi và con cả được truyền ngôi lấy hiệu là Hùng Vương. Thường thì nói đến giỗ Tổ là chúng ta hay nói đến giỗ Tổ Hùng Vương, nhưng niên hiệu lập quốc là năm 2879 TCN, thời Kinh Dương Vương, người sáng lập ra họ Hồng Bàng.
Kinh Dương Vương đã lấy Long Nữ và sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân thì lấy Âu Cơ sinh ra Hùng Vương. Vì thế, Hùng Vương là cháu đích tôn của Kinh Dương Vương. Giỗ Tổ vì thế phải là giỗ Tổ Kinh Dương Vương. Trong thời kỳ khai quốc thì Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương đều là những Tổ Phụ quan trọng của nòi giống Lạc Hồng. Do đó, ngày Giỗ Tổ thì nên tưởng nhớ đến các Tổ Phụ Tổ Mẫu thời khai quốc, không nên chỉ nhớ đến mỗi vua Hùng Vương.
Vậy thì ngày Giỗ tổ Hùng Vương lần đầu xuất hiện từ khi nào?
Dựa vào các tài liệu còn lưu truyền lại thì hình thức sơ khai của Ngày Giỗ Tổ đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử, có niên đại cách đây hơn 2000 năm.
Dưới thời Thục Phán – An Dương Vương, người ta đã dựng cột đá thề trên núi Nghĩa Lĩnh, ghi rõ: “Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu nhạt hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập”.
Và trong suốt hàng ngàn năm lịch sử dân tộc Việt Nam, nhiều vị vua có tên tuổi của các triều đại phong kiến Việt Nam ngay khi lên ngôi đã từng bước xác lập “ngọc phả” về thời đại Hùng Vương, nhằm khẳng định vai trò lớn lao của các Vua Hùng đối với non sông đất nước.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày gì?
Theo truyền thuyết thì có tổng cộng 18 đời vua Hùng, mỗi đời vua là 1 triều đại. Truyền thuyết ghi 18 đời Hùng vương có tổng cộng 180 vua. Nhưng tại sao lại chọn ngày Giỗ tổ vua Hùng là ngày trọng đại như ngày khai sinh đất nước mà không chọn ngày sinh hay ngày lên ngôi của các vị vua?
Theo nghiên cứu cổ sử Trung Hoa mà Sử thuyết họ Hùng ghi chép lại trong Bách Việt sử là: vua Hạ Vũ được tôn là tổ của nhà Hạ nhưng ông Khải mới chính là vua đầu tiên của nhà Hạ, ông Cơ xương vẫn được coi là tổ nhà Chu nhưng thực ra con ông là Cơ Phát mới là vua đầu của nhà Chu. Vì lý do đó mà ngày giỗ của vua tổ cũng chính là ngày lên ngôi của vua đầu khai sáng triều đại.
Tương tự, quốc gia của người họ Hùng cũng như thế, trước khi một vùng đất trở thành một vương quốc thì bao giờ cũng có thời lập quốc, ngày kết thúc thời lập quốc cũng chính là ngày bắt đầu của thời vương quốc. Cả thời gian lập quốc cũng được người Việt ‘siêu nhiên hóa’ thành thời trị vì của vua tổ, ngày vua tổ mất chính là ngày lên ngôi của vua đầu tiên, tức mốc thời gian bắt đầu có quốc gia dân tộc hay là ngày khởi đầu của lịch sử quốc gia.
Ý nghĩa của ngày Giỗ tổ Hùng Vương
Tại sao các tiền nhân lại chọn ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch làm ngày giỗ tổ chứ không phải là một ngày khác?
Theo Dịch học có ghi chép:
- Số 3 trong tháng 3 giỗ tổ là số của Địa chỉ
- Số 10 trong ngày 10 là số của Thiên can.
Theo lịch nhà Hạ thì tháng 3 âm lịch là tháng Thìn, Thìn là con rồng, Hoa ngữ đọc là LUNG, âm Hán Việt là LONG, Lung và Long là đồng âm của LANG, chính vì điều này mà con Rồng được dùng tượng trưng cho Vua.
Năm là số trung cung của Hà-Lạc, cũng là nơi điều hòa ngũ hành nên được dùng chỉ thủ lãnh, vua, người cầm đầu. Trong tiếng Việt: năm hay lăm → lang
Ngôn ngữ Thái và Mường hiện nay từ lang cũng có nghĩa là Thủ lãnh, người cầm đầu.
Tóm lại thì ý nghĩa của số 3 - Thìn chính là Lang hay vua. Số 10 là can KỶ; đi hết 1 vòng sẽ trở về khởi đầu, nên ngày KỶ cũng là Kỵ, ngày KỴ tức ngày Giỗ. Số 10 và số 3 căn cứ trên 2 hệ Can - Chi theo Dịch học họ HÙNG giải mã ra là: KỴ LONG, hiểu theo nghĩa rõ ràng là ngày GIỖ VUA.
Vua ở đây là vua tổ như đã trình bày ở trên, ngày giỗ của vua tổ cũng chính là ngày lên ngôi của vua đầu tiên, ngày khởi đầu của vương triều thứ nhất, cũng là ngày bắt đầu của Lịch sử quốc gia.
Với những ý nghĩa kể trên thì ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, người người đến trẩy hội Đền Hùng - tìm về nguồn cội của mình. Đây cũng là dịp để con Lạc, cháu Hồng hành hương về nơi đã sinh ra một dân tộc Việt Nam anh hùng, chưa biết cúi đầu khuất phục bất kỳ một thế lực ngoại xâm nào, kể cả những đế chế hùng mạnh nhất trên thế giới như Pháp và Mỹ.
Đó không chỉ là niềm tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi người dân Việt Nam mà còn trở thành niềm kiêu hãnh đối với các dân tộc đã, đang đấu tranh vì hòa bình, tự do, độc lập và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới; bạn bè năm châu càng cảm phục và thêm phần kính nể dân tộc Việt Nam anh hùng.
Không chỉ riêng người Việt tự hào về Đền Hùng, mà tìm về những dòng lưu bút của các đoàn đại biểu quốc tế và bạn bè khắp năm châu bốn biển đã từng đến thăm viếng Đền Hùng, chúng ta có quyền tự hào khi biết được Đền Hùng và các di tích trên Nghĩa Lĩnh đã làm cho cả thế giới phải cúi đầu vị nể trước ý thức cội nguồn dân tộc vô cùng cao đẹp.
Nhiều dòng lưu bút đã ghi lại: "Đền Hùng là nơi đặt nền móng cho lịch sử Việt Nam. Đây là một di tích vô giá của nhân dân Việt Nam, là biểu tượng của tổ tiên dân tộc Việt Nam - một dân tộc đã có truyền thống dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm".
Hy vọng với những thông tin mà chúng tôi cung cấp, độc giả đã phần nào hiểu thêm về lịch sử và ý nghĩa ngày Giỗ tổ Hùng Vương, ngày lễ lớn vô cùng quan trọng của dân tộc. Năm nay, ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch rơi vào thứ Tư, 21/4/2021 dương lịch. Vì ngày lễ rơi vào giữa tuần nên người dân cả nước sẽ được nghỉ một ngày duy nhất, không hoán đổi ngày nghỉ hay nghỉ kèm ngày nghỉ cuối tuần.