Quên ngay 5 khái niệm làm đẹp được 'thần thánh hóa'

Rất nhiều khái niệm, quan điểm về làm đẹp, lựa chọn mỹ phẩm vô lý đã được “thần thánh hóa”. Nhiều người hoàn toàn tin tưởng mà không biết mình đang mất tiền và mất thời gian cho những điều không thật sự có lợi.

Quên ngay 5 khái niệm làm đẹp được 'thần thánh hóa' - Ảnh 1

1. Mỹ phẩm tự nhiên là an toàn

Khái niệm mỹ phẩm tự nhiên hay mỹ phẩm thiên nhiên không đồng nghĩa đây là mỹ phẩm tuyệt đối an toàn cho bạn. Trước tiên, nếu dùng nguyên liệu tự nhiên làm đẹp, bạn cần chú ý hạn dùng của loại nguyên liệu ấy vì khả năng chúng bị nấm mốc, nhiễm khuẩn là rất cao trong điều kiện khí hậu nóng ẩm. Nếu không cẩn thận, bạn có thể bị nhiễm độc từ các loại nguyên liệu tự nhiên chưa qua xử lý an toàn vệ sinh cần thiết.

Quên ngay 5 khái niệm làm đẹp được 'thần thánh hóa' - Ảnh 2

Thứ hai, việc sử dụng nhãn mác mỹ phẩm tự nhiên hay mỹ phẩm thiên nhiên cũng là một cách tiếp thị sản phẩm giúp người dùng đỡ lo sợ ảnh hưởng của hóa chất độc hại. Tuy nhiên, trong ngành công nghiệp mỹ phẩm, không phải mọi hóa chất đều độc hại. Phần lớn các hợp chất đúng chuẩn chất lượng là sản phẩm có được từ chuỗi phản ứng, tổng hợp qua quá trình xử lý nghiêm ngặt từ chất vô cơ hoặc hữu cơ có thành phần tự nhiên. 

Tự nhiên, thiên nhiên hay hóa chất, bấy nhiêu chưa đủ quyết định chất lượng sản phẩm mà nó chỉ có thể đánh vào cảm xúc người tiêu dùng khi quyết định lựa chọn sản phẩm làm đẹp. Hãy tìm hiểu kỹ thành phần sản phẩm trước khi tin tuyệt đối một sản phẩm nào đó là an toàn chỉ vì sản phẩm đó được quảng cáo là sản phẩm tự nhiên.

2. Mỹ phẩm không gây kích ứng cho da

Nhà sản xuất có thể ghi chú ít/không gây kích ứng da trên bao bì. Trên thực tế, cơ địa mỗi người có khả năng kích ứng với những thành phần khác nhau hoặc chẳng bao giờ bị kích ứng.

Một người có thể nổi mẩn ngứa ngay khi ăn các loại hạt; da bị đỏ nổi mẩn lớn sau khi ăn hải sản; kích ứng khi dùng sản phẩm chứa nha đam/bạc hà…

Quên ngay 5 khái niệm làm đẹp được 'thần thánh hóa' - Ảnh 3

Trong mỹ phẩm cũng sẽ có thành phần bất kỳ gây kích ứng cho ai đó. Đây là chuyện bình thường và không phải mỹ phẩm gây kích ứng da là mỹ phẩm độc hại. Trước khi chọn sử dụng loại mỹ phẩm hoặc cách làm đẹp nào đó, bạn cần hiểu về cơ thể của mình. Nên chọn mỹ phẩm có thành phần không quá phức tạp để nếu có kích ứng xảy ra, bạn dễ dàng khoanh vùng và xác định được những chất gây kích ứng. 

3. Dược mỹ phẩm tốt hơn mỹ phẩm

Những năm gần đây, "dược mỹ phẩm" là cụm từ đi kèm một dòng sản phẩm, một thương hiệu mỹ phẩm được “mặc định” là cao cấp hơn những loại mỹ phẩm thông thường.

Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), một trong những cơ quan quản lý ngành dược phẩm uy tín nhất trên thế giới, cho biết họ không ủng hộ khái niệm gọi một sản phẩm mỹ phẩm là "dược mỹ phẩm" vì mỹ phẩm và dược phẩm là hai khái niệm riêng biệt.

Quên ngay 5 khái niệm làm đẹp được 'thần thánh hóa' - Ảnh 4

Với các nhà khoa học, đây là một khái niệm lập lờ, “dược mỹ phẩm” chính xác chỉ là một tên gọi chứ không phải là khái niệm chỉ một dòng mỹ phẩm cụ thể. Việc đánh tráo khái niệm, gây sự nhầm lẫn ở đây được cho là một cách thức tiếp thị sản phẩm, “cài” vào tư duy người tiêu dùng một khái niệm mới, khiến họ tin rằng "dược mỹ phẩm" đương nhiên tốt hơn mỹ phẩm. 

4. Bổ sung collagen là liệu pháp thần kỳ

Các sản phẩm được quảng cáo bổ sung collagen ở dạng viên, dạng nước, dạng bột, thạch hay kẹo đã và đang “làm mưa làm gió” trên thị trường mặt hàng chăm sóc da. Liệu những sản phẩm ấy có thật sự hiệu quả ấn tượng như quảng cáo?

Quên ngay 5 khái niệm làm đẹp được 'thần thánh hóa' - Ảnh 5

Câu trả lời là không có nghiên cứu khoa học nào chứng minh collagen được bổ sung vào cơ thể thông qua các sản phẩm trên là có ích cho làn da. Khi ăn/uống sản phẩm có hàm lượng collagen cao, trong quá trình hệ tiêu hóa làm việc, lượng collagen này sẽ được chia thành các a-xít amin, biến thành một dạng năng lượng cung cấp cho cơ thể.

Bổ sung collagen bằng con đường này hoàn toàn không đi vào máu, nghĩa là collagen sẽ không đến được làn da. Với các loại kem được ghi là bổ sung collagen thì lượng collagen ấy chỉ tiếp cận bề mặt da và sẽ trôi đi khi bạn rửa mặt.

5. Càng nhiều thành phần càng tốt

Danh sách dài dằng dặc thành phần có mặt trong một loại mỹ phẩm khiến bạn yên tâm hơn về chất lượng mỹ phẩm ấy? Đây là một trong những lầm tưởng mà hầu hết người dùng mắc phải.

Quên ngay 5 khái niệm làm đẹp được 'thần thánh hóa' - Ảnh 6

Trong công thức một loại mỹ phẩm, tỷ lệ dầu, tỷ lệ hoạt chất… luôn phải ở trong phạm vi an toàn. Càng nhiều thành phần “chen chúc” nhau thì tỷ lệ của từng thành phần sẽ càng bị chia nhỏ. Việc có nhiều thành phần được liệt kê trong công thức có thể mang đến cho người dùng sự yên tâm nhưng chưa chắc đã tốt. 

Nhiều thành phần có công dụng giống nhau cùng được đưa vào công thức là thừa. Hơn nữa, quá nhiều thành phần khiến bạn không xác định được đúng thành phần gây kích ứng cho bạn nếu có xảy ra. 

1 chiếc ghế, 7 động tác - phương pháp giảm cân hữu hiệu cho người lười

Nếu không có thời gian và động lực để giảm cân, bạn có thể tham khảo một số động tác thú vị dưới đây sẽ vẫn sở hữu vóc dáng mơ ước mà không tốn quá nhiều thời gian.

TIN MỚI NHẤT