Từ sau tuổi 30, trao đổi chất chậm lại khiến bạn dễ tăng cân, nếp nhăn bắt đầu xuất hiện và tóc sẽ mỏng dần rồi chuyển bạc.
- Cẩm nang chăm sóc toàn diện giúp da 'sáng như gương'
- Chăm chỉ thoa kem dưỡng ẩm nhưng nếu mắc 4 lỗi sau, da dẻ không khá hơn mà còn xấu đi nhiều
Tóc mỏng đi và chuyển bạc
Theo các chuyên gia, phụ nữ có thể bị rụng từ 50 - 100 sợi tóc mỗi ngày, nhưng con số này thậm chí sẽ tăng lên gấp nhiều lần khi bước vào tuổi 30. Thiếu hụt sắt và vitamin D là hai trong số nhiều nguyên nhân gây ra chứng rụng tóc ở nữ giới. Bên cạnh đó, khi bạn già đi, tóc cũng bắt đầu chuyển sang màu bạc.
Nếp nhăn bắt đầu xuất hiện
Ở độ tuổi 30, bạn có thể dễ dàng nhận ra dấu hiệu lão hóa trên da. Các nguyên bào sợi là những cỗ máy sản sinh collagen trong da. Khi còn trẻ, chúng kết hợp chặt chẽ với collagen kéo căng làn da và ngăn nó bị xẹp, chùng. Nhưng khi bước sang tuổi 30, số lượng collagen sụt giảm, khiến da nhanh chùng, nhăn. Ngoài ra, theo thời gian, ánh nắng mặt trời sẽ khiến cấu trúc da trở nên lỏng lẻo hơn, không còn săn chắc như khi chúng ta còn trẻ. Đó là lý do các chuyên gia da liễu luôn khuyến khích sử dụng kem chống nắng hàng ngày để bảo vệ da. Bên cạnh đó, bạn cần có chế độ ăn uống khoa học để cải thiện sức khỏe làn da từ bên trong.
Sự trao đổi chất chậm lại, dễ tăng cân
Dấu mốc tuổi 30 đánh dấu tốc độ trao đổi chất của cơ thể sẽ bị chậm lại, bạn sẽ dễ tăng cân hơn và ngày càng khó giảm cân. Theo lý giải của các chuyên gia, sự mất cân bằng hormone khi phụ nữ bước qua tuổi 30 là lý do khiến bạn khó kiểm soát cân nặng hơn. Để duy trì thân hình thon gọn và khỏe mạnh, bạn cần điều chỉnh chế độ ăn uống và tập luyện thường xuyên hơn.
Xương yếu đi, khớp cứng hơn
Theo thời gian, xương khớp sẽ có dấu hiệu đau, có thể do chấn thương hoặc do tuổi tác. Theo các chuyên gia, khi bước sang tuổi 30, nếu cơ thể không hấp thụ được những thực phẩm giàu canxi và không được vận động nhiều, tình trạng loãng xương, khớp cứng rất dễ xảy ra. Nếu buổi sáng thức dậy bạn thấy khớp cứng hơn, đau mỏi người, khi đi bộ hay lúc uốn người hoặc đứng lên ngồi xuống đều có cảm giác nghe xương kêu răng rắc, lục khục ở các khớp thì đó là dấu hiệu ban đầu của các cơn đau khớp.
Dễ bị stress
Khi ở tuổi 30, người phụ nữ phải đối mặt với nhiều vấn đề cuộc sống như gia đình, hôn nhân, con cái, công việc... Những áp lực đó sẽ khiến bạn cảm thấy stress tăng lên. Căng thẳng sẽ có một số biểu hiện chẳng hạn như chứng đau nửa đầu, mệt mỏi, khó ngủ, trầm cảm, lo âu, rối loạn dạ dày...
Chu kỳ kinh nguyệt có thể thay đổi
Sau tuổi 30, có rất nhiều thay đổi nội tiết tố trong cơ thể. Kinh nguyệt có thể giảm nhẹ theo tuổi tác. Điều này không có nghĩa là bạn đang tiến gần đến thời kỳ mãn kinh bởi đây là sự thay đổi bình thường trong cơ thể sau 30 tuổi.
Cơ hội mang thai giảm
Một trong những mối quan tâm lớn nhất khi bước sang tuổi 30 (đặc biệt là đối với phụ nữ) là vấn đề về khả năng sinh sản. Khả năng sinh sản bắt đầu giảm ở độ tuổi 30, đặc biệt là qua tuổi 35.
Trước 35 tuổi phụ nữ có thể có thai khỏe mạnh và sinh em bé khỏe mạnh nhưng sau mốc này thường hay gặp những rủi ro về sức khỏe. Theo các chuyên gia y tế, khi bạn bước qua ngưỡng tuổi 30, phụ nữ có nhiều nguy cơ bị nhiễm sắc thể bất thường làm giảm chất lượng trứng. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc thụ tinh và cũng là nguyên nhân chính gây sẩy thai.
Dễ mắc bệnh
Tình trạng viêm xảy ra khi chúng ta già đi. Hiện tượng này là nguyên nhân gây ra các bệnh liên quan đến tuổi tác. Các chuyên gia khuyên bạn nên duy trì càng sớm càng tốt những thói quen sau: không hút thuốc, kiểm soát cân nặng, luyện tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc và hạn chế căng thẳng.