Hiện nay để loại bỏ mụn cám đáng ghét trên vùng mũi hay da mặt nhiều chị em sử dụng miếng dán lột mụn, kéo theo hàng đống mụn ra ngoài nhìn đã mắt nhưng hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để biết có nên sử dụng miếng dán này hay không.
- Detox cơ thể bằng những loại thức uống này da sẽ đẹp lên trông thấy sau 2 ngày
- Có một vùng "tam giác chết" trên khuôn mặt mà bạn cần thận trọng khi nặn mụn
Hình ảnh bóc miếng dán lột mụn và bao nhiêu sợi bã nhờn được lôi ra hết, để lại vùng mũi sạch bong, mịn mướt luôn đem đến cảm giác thật mãn nhãn cho hội chị em. Tuy nhiên, xung quanh sản phẩm được coi là "thần kỳ" này cũng có rất nhiều tranh cãi, người thì cho rằng miếng dán lột mụn dùng rất thích, rất thỏa mãn; có người lại khuyên không nên tin tưởng vào miếng lột mụn vì sản phẩm này chẳng tốt đẹp gì.
Vậy sự thật ra sao? Hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ da liễu để biết, miếng dán lột mụn có dành cho bạn hay không.
Trước hết, mụn đầu đen xuất hiện là do dầu thừa, bã nhờn, bụi bẩn bị mắc kẹt trong lỗ chân lông, sau một thời gian tiếp xúc với không khí thì bị oxy hóa, trở nên tối màu. Và miếng dán lột mụn sẽ làm nhiệm vụ "lôi cổ" da chết, mụn đầu đen trong da bạn bằng khả năng kết dính siêu mạnh.
Theo lý thuyết thì là vậy nhưng thực tế thì sao?
Nói về hiệu quả của miếng lột mụn, bác sĩ da liễu Adam Friedman, kiêm giáo sư da liễu tại trường đại học Washington cho rằng, khả năng loại bỏ mụn còn phụ thuộc vào cách bạn sử dụng chúng. Ví dụ, nếu bạn dán miếng lột mụn lên làn da khô không khốc hoặc chưa đủ độ ẩm, hay miếng dán chưa ôm hoàn toàn phần mũi, bạn sẽ không nhận được kết quả tốt nhất: "Chị em cần chờ đợi trong 10 – 15 phút để miếng dán dính chặt lấy bã nhờn, như thế, mụn đầu đen sẽ dễ dàng được loại bỏ hơn". Nếu bạn dùng miếng lột mụn đúng cách, sản phẩm này sẽ tạm thời dọn sạch mụn đầu đen và giúp lỗ chân lông trông nhỏ mịn hơn.
Tuy nhiên, dù có khả năng "dọn dẹp" những thứ như dầu thừa, bụi bẩn, mụn đầu đen, thậm chí là lông mặt thì theo bác sĩ da liễu Sejal Shah tại New York, miếng lột mụn "vẫn không thể ngăn tình trạng bít tắc lỗ chân lông và mụn đầu đen quay trở lại".
Bác sĩ da liễu Adam Friedman cũng ủng hộ quan điểm của bác sĩ Shah: "Miếng lột mụn sẽ không thể ngăn việc hình thành của mụn đầu đen và mụn đầu trắng từ trong trứng nước, hay làm thu nhỏ lỗ chân lông. Sản phẩm này chỉ là giải pháp tạm thời".
Bên cạnh đó, miếng dán lột mụn cũng không phải là lựa chọn lý tưởng cho tất cả mọi người, bởi sản phẩm này tiềm tàng nguy cơ gây tổn thương da. Theo bác sĩ da liễu Brian Zelickson tại Minnesota, Mỹ: "Những tổn thương này đặc biệt dễ xảy đến với những ai sở hữu làn da mỏng tự nhiên hay mắc các bệnh về da như rosacea, vẩy nến hoặc viêm da tiết bã nhờn". Còn bác sĩ Craig Kraffert tại California thì cho rằng: "Miếng lột mụn còn có thể khiến da bị kích ứng và gây hại cho da nhạy cảm, cháy nắng hay dễ lên mụn". Vì vậy, nếu bạn phải đối mặt với tình trạng dễ lên mụn hay kích ứng, hãy tránh miếng lột mụn.
Và trong khi miếng dán lột mụn chỉ là giải pháp tạm thời, thì theo bác sĩ da liễu Kraffert và Zelickson, những thành phần như salicylic acid, AHA hay benzoyl peroxide sẽ là cách "diệt" mụn đầu đen nhẹ nhàng nhưng mang đến hiệu quả lâu dài hơn: "Salicylic acid sẽ nhẹ nhàng tái tạo da, thẩm thấu tận sâu và giải phóng lỗ chân lông khỏi bã nhờn".