Có rất nhiều thói quen về nấu nướng tưởng chừng như vụn vặt và vô hại nhưng lại gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, thậm chí làm tăng nguy cơ ung thư. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý đến 5 thói quen điển hình dưới đây.
- Người mắc bệnh tiểu đường tuyệt đối không nên ăn 3 nhóm rau củ này
- Kéo dài tuổi thọ với 10 thói quen siêu đơn giản, dễ thực hiện hàng ngày
1. Để dầu sôi đến bốc khói
Nhiều người nghĩ rằng, chiên thực phẩm trong một chiếc chảo dầu bốc khói sẽ làm món ăn nóng giòn và đậm vị hơn hẳn. Tuy nhiên, bạn cần biết, nhiệt độ cao không những phá huỷ tác dụng chống oxy hóa của dầu và phá hủy các thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm mà còn sản sinh ra chất peroxide - tác nhân gây ung thư.
Đặc biệt, khi dầu ăn bốc khói tức là nhiệt độ dầu đã trên 200 độ C. Nếu chúng ta nấu thực phẩm với dầu ăn nóng như vậy sẽ tạo ra một lượng lớn các amin dị vòng, tên hóa học là benzopyrene.
Benzopyrene chính là 1 trong những chất nguy hiểm, được WHO cảnh báo là tác nhân gây ung thư mạnh với cơ thể người. Chỉ cần hấp thụ 1 nanogram benzopyrene cũng đủ làm thay đổi cấu trúc, hướng và chức năng của DNA trong cơ thể con người, từ đó gây ra các căn bệnh ung thư dạ dày, ung thư ruột, ung thư gan, ung thư phổi…
Bản thân khói dầu ăn cũng được WHO xếp hạng vào nhóm chất gây ung thư 2A - nhóm các hợp chất "có thể gây ung thư trên người" cùng với thịt đỏ.
2. Dùng quá nhiều muối
Ăn mặn làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp và dẫn tới nguy cơ bị đột quỵ và các bệnh tim mạch, bệnh mạch máu não khác. Ngoài ra, một chế độ ăn nhiều muối còn khiến cơ thể mắc các bệnh về dạ dày, thận, lâu ngày thành sỏi, viêm loét, ung thư dạ dày.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người trưởng thành không nên ăn nhiều hơn 6g muối/ngày và hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chế biến sẵn với nhiều gia vị được tẩm ướp.
3. Dùng dầu chiên lại hoặc dầu tự làm
Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Illinois (Mỹ) cho thấy, dầu ăn được đun nóng nhiều lần sẽ bị phân hủy chất béo trung tính, dẫn đến xảy ra quá trình oxy hóa axit béo tự do và giải phóng chất gây ung thư độc hại cho cơ thể con người gọi là chất acrolein. Đây chính là tác nhân gây bệnh cho con người, nhất là căn bệnh ung thư.
Nhiều người lại thích dùng dầu ăn ép trực tiếp chưa tinh chế và cho rằng rằng đó mới là dầu tự nhiên, an toàn cho sức khỏe hơn. Thực chất các loại dầu chưa tinh chế này còn lẫn rất nhiều tạp chất và dễ dàng tạo ra nhiều khí thải khi đun nấu.
Chưa kể, những loại dầu ăn này có thể chứa chất aflatoxin - là chất gây ung thư loại 1, rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người.
4. Không rửa kỹ nồi chảo khi chuyển món
Xuất phát từ thói quen ngại đánh rửa nồi nên nhiều người có thói quen không rửa hoặc rửa không kỹ khi sử dụng cùng 1 chiếc nồi, chảo để nấu nhiều món ăn khác nhau.
Đây chính là một việc làm nguy hiểm cho sức khỏe của chính bạn. Bởi nếu bạn không rửa nồi hoặc rửa không kĩ, dư lượng thực phẩm và chất béo còn lại trong món ăn trước đó sẽ tiếp tục bị làm nóng ở nhiệt độ cao, tạo ra chất gây ung thư nguy hiểm benzopyrene cho cơ thể con người.
5. Dùng chảo chống dính sai cách
Tất cả những chiếc chảo chống dính đều được phủ bằng polytetrafluoroetylen, còn được gọi là teflon. Đây là chất an toàn với sức khỏe con người. Tuy nhiên, câu chuyện sẽ khác nếu vì tiết kiệm mà bạn vẫn dùng những chiếc chảo chống dính đã bị bong tróc lớp chống dính. Lúc này, các chất độc hại sẽ lẫn vào thức ăn, gây hại cho sức khỏe.
Vì vậy, ngay sau khi chảo hoặc bất cứ vật dụng nấu nướng chống dính nào bị trầy xước, đừng ngại ngần thay mới. Cho dù là chiếc chảo bền nhất cũng chỉ sử dụng được tối đa 5 năm, vì thế đừng vì tiết kiệm mà rước bệnh tật vào người.