Tiết Cương cho rằng gameshow chỉ là nơi nghệ sĩ kiếm tiền để mưu sinh, còn kịch dài mới là nơi họ trưng trổ học thuật, tài năng.
Tốt nghiệp khóa đạo diễn trường Sân khấu Điện ảnh giai đoạn 2000-2003, nhưng phải đợi hơn 14 năm, Tiết Cương mới thử sức trong vai trò đạo diễn cho liveshow của Hoài Linh: Sui gia đại chiến, diễn ra vào đầu năm 2018 ở Đà Nẵng.
Những ngày cuối năm 2017, Tiết Cương tất bật gửi kịch bản cho nghệ sĩ, chốt lịch tập và hàng trăm công việc không tên. Gặp anh trong buổi chiều Giáng sinh, nam diễn viên gốc Long An trải lòng về tâm huyết với kịch dài.
- Học đạo diễn từ lâu, vì sao anh phải đợi 14 năm mới thực hiện liveshow đầu tiên?
- Tính tôi vốn trái khoáy, thích đi ngược với thị hiếu chung. Ngày tôi lấy bằng tốt nghiệp đạo diễn, hài kịch khi đó hưng thịnh nhưng tôi không thích lao vào làm như người ta. Đến khi hài kịch bão hòa, tôi lại lao vào làm.
Tôi nghĩ 14 năm đó mình tích lũy đủ kinh nghiệm, chờ đến ngày chín muồi rồi làm cũng không muộn. Nửa năm trước, Trần Bùm (bạn học của Tiết Cương nay đã trở thành nhà sản xuất chương trình) nói tôi tìm kịch bản để làm liveshow. Tôi nghĩ đã đến lúc mình trưng trổ khả năng.
- Nhưng liệu Tiết Cương có bị chậm so với thị hiếu của đám đông hiện nay?
- Nếu mọi người quan sát sẽ thấy sân khấu hài ở Sài Gòn đã thưa vắng dần. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là thiếu diễn viên ngôi sao vì họ bận tham gia gameshow. Cần một người đủ tâm, đủ tầm để kéo nghệ sĩ về chung một sân khấu.
Khi đã có người đứng ra kêu gọi, việc tập hợp các anh em nghệ sĩ là điều khá dễ dàng. Hơn nữa, nghệ sĩ cũng ý thức được gameshow giờ đang bão hòa. Theo chủ quan của tôi, có lẽ nghệ sĩ họ kiếm tiền từ gameshow đủ rồi.
Giờ đến lúc họ trở về với kịch dài, là cái nôi họ được sinh ra, nơi họ trưng trổ khả năng từ những gì được học từ trường chứ không đơn thuần đưa gương mặt ra để kiếm tiền nữa.
- Kịch dài có gì đặc biệt so với tiểu phẩm ngắn?
- Các em diễn viên trẻ bây giờ chỉ nghe, không cảm nhận được bầu không khí kịch dài của ngày Tết. Từ ngày mùng 1 đến mùng 10 Tết, 9-10h nghệ sĩ đã tập hợp ở sân khấu để diễn 3 suất/ngày. Lúc đó, ăn ngủ trên sân khấu. Nếu có thời gian, chúng tôi lại đến sân khấu khác thăm anh em.
Giờ nghệ sĩ ngày Tết đâu gặp nhau nhiều, ai nấy cũng đều chạy show tỉnh. Sân khấu “chết” phần nào khiến tình nghệ sĩ cũng tan rã theo. Nghệ sĩ diễn kịch dài vì yêu nghề, yêu khán giả chứ không vì cát-xê.
- Nhưng liveshow đầu tiên anh thực hiện lại là của Hoài Linh. Áp lực của anh thế nào khi trước đó mình chưa từng có kinh nghiệm?
- Hoài Linh, tôi và nhiều anh chị em nghệ sĩ khác đều chung tâm huyết muốn lôi kéo mọi người trở lại với kịch dài. Anh Linh muốn có sân khấu để anh chị em nghệ sĩ tập trung lại, dàn dựng và diễn kịch.
Anh Linh và tôi đã quá thân thiết. Những ngày đầu anh về Việt Nam, tôi có diễn với anh ở rạp Công Nhân của thầy Trần Ngọc Giàu. Ngày đó còn có Hữu Lộc, Long Đẹp trai, Hoàng Mèo… Sau này, Hữu Lộc mở sân khấu Nụ cười mới, Hoài Linh về cộng tác còn tôi về kịch Sài Gòn của Phước Sang nên mấy anh em ít gặp nhau.
Hôm họp báo, anh Linh có nói với mọi người rằng anh không kén chọn đạo diễn, hơn nữa Tiết Cương lại quá thân thiết với anh rồi. Nếu làm với bậc cha chú, anh Linh còn lo lắng, với tôi anh sẽ thoải mái hơn. Nhưng anh Linh vốn rất lịch sự, không vì thân thiết mà chèn ép đạo diễn, anh tôn trọng đường dây kịch bản.
Nói thật, cảm giác của tôi bây giờ là hồi hộp chờ đợi đến ngày công diễn và đo lường phản ứng của khán giả. Người miền Nam dễ tính lắm, nếu vở diễn không thu hút, họ đứng dậy bỏ về. Còn khán giả miền Bắc và Trung có phần khó tính hơn, nên nếu không đủ uy tín, mình không có cơ hội làm tiếp.
- Tại sao liveshow của Hoài Linh diễn ra ở Đà Nẵng chứ không phải TP. HCM?
- Vì anh Linh muốn làm gì đó cho quê hương của mình. Anh muốn được tổ chức liveshow ở Đà Nẵng hoặc các tỉnh miền Trung để phục vụ khán giả nơi mình sinh ra.
Nói thật, việc tập hợp các nghệ sĩ tên tuổi trong 2 ngày không phải điều dễ dàng, nhất là thời điểm đầu năm 2018 khi ai cũng bận chạy show kín mít. Cát-xê trong vở kịch dài không bao nhiêu so với việc họ quay gameshow.
Nhà hát ở Đà Nẵng có sức chứa không lớn, giá vé lại không thể cao, chi phí cho bộ phận sân khấu đã tiêu tốn phân nửa, còn lại cát-xê cho nghệ sĩ chỉ mang tính tượng trưng. Thế nhưng, ai cũng háo hức để chờ ngày công diễn.
- Nhiều người tò mò tại sao Trường Giang không xuất hiện trong liveshow của Hoài Linh mà lại là Trấn Thành?
- Tôi không rõ tình hình. Nhưng khi nhận kịch bản từ chị Phi Nga, vợ của Long Đẹp trai, tôi và Trần Bùm đã nhắm đến Trấn Thành vì cậu ấy có lối diễn thông minh, ứng biến linh hoạt.
Ngày tôi còn cộng tác cho Phước Sang, đêm nào Trấn Thành khi đó đang là sinh viên cũng đến sân khấu xem chúng tôi luyện tập. Thành thích diễn kịch dài lắm, chỉ là không có cơ hội trưng trổ.
Việc sắp xếp để Hoài Linh – Trấn Thành đối kháng ra sao, tôi cũng đã dự tính sẵn. Anh em nghệ sĩ đều là chỗ quen biết nên làm việc dễ dàng. Tất nhiên, tôi không thể cứng nhắc vì làm vậy mọi người căng thẳng, không thoải mái được. Nhưng tôi cũng không thể nhún nhường vì như vậy vai trò của mình sẽ mờ nhạt.
- Vậy liveshow của Hoài Linh lần này có gì khác biệt so với trước đây?
-Nhiều người đã thử nghiệm phong cách của Hoài Linh trong nhiều hình ảnh, nhưng khán giả vẫn chỉ yêu mến anh bằng vai diễn ông già quê mộc mạc. Tôi xuất thân từ hài kịch nên vẫn trung thành với hài, không có ý định làm vở bi. Đỉnh cao của hài kịch là bi kịch.
Tôi lấy đề tài gần gũi là mối quan hệ của người thân trong gia đình. Dù yêu thương, đùm bọc lẫn nhau nhưng cách họ quan tâm, chăm sóc không đúng tạo nên những bất đồng, mâu thuẫn. Tôi chỉ muốn khắc họa cuộc sống thường nhật, để khán giả xem sẽ bắt gặp mình trong đó. Anh Linh cũng thích đề tài bình dị, gần gũi với người dân.