"Xưa nay, chuyện thân gia quyến thuộc tranh giành gia sản cũng không phải là chuyện hiếm hoi gì, nhưng mang nhau ra thiên hạ đấu tố đến mức độ ấy thì họa chăng chỉ có trong tiểu thuyết hay phim ảnh mà thôi..."
- Thấy gì từ 'sóng gió gia tộc’ của gia đình ông hoàng Hồ Quảng: Giới mộ điệu xót xa 'hãy để cố NSƯT Vũ Linh được yên nghỉ'
- Con gái cố NSƯT Vũ Linh 'gặp biến', bức xúc vì bị mạo danh nhằm mưu lợi cá nhân, CĐM sốt sắng yêu cầu làm ngay một việc
Đó là lời nhận định đáng để suy ngẫm trong một bài viết được con gái cố NS Vũ Linh - Hồng Loan, chia sẻ trên trang cá nhân.
Hơn 3 tháng sau khi ông hoàng Hồ Quảng từ giã cõi tạm vì bệnh tật, tên ông vẫn được nhắc tới hàng ngày trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trên mạng xã hội. Thay vì được khán giả nhớ đến như một nghệ sĩ cải lương có tâm - có tầm. Thì những gì đã và đang xuất hiện xung quanh cái tên "NSƯT Vũ Linh" họa chăng chỉ là ồn ào phân chia gia sản của chính những người thân mà thuở sinh thời ông yêu quý nhất - một bên là con gái, một bên là em gái.
Chia sẻ bài viết mang tựa đề "Đến Vũ Trọng Phụng cũng... chào thua", Hồng Loan khiến khán giả xót xa bởi có lẽ, con gái cố NS cũng đang "cười ra nước mắt" cho chính tấn bi hài của gia đình sau khi cha qua đời.
"Cái tấn bi hài ấy, nếu như cụ Vũ Trọng Phụng có hồi sinh thì có lẽ cụ cũng chào thua bởi những gì cụ hình dung trong tiểu thuyết lừng danh "Số đỏ" (chương "Hạnh phúc của một tang gia") cũng chẳng thể đạt tới tầm. Xưa nay, chuyện thân gia quyến thuộc tranh giành gia sản cũng không phải là chuyện hiếm hoi gì, nhưng mang nhau ra thiên hạ đấu tố đến mức độ ấy thì họa chăng chỉ có trong tiểu thuyết hay phim ảnh mà thôi", nội dung bài viết mà Hồng Loan chia sẻ vô tình nhắn tới "bi kịch văn học" năm nào.
"Hạnh phúc của một tang gia" là câu chuyện xoay quanh câu chuyện của một người chết là cụ Cố tổ đã ngoài 80 tuổi. Sự ra đi của cụ Cố tổ là niềm hạnh phúc của đại gia đình, từ vợ chồng ông Văn Minh, ông Phán, cậu Tú Tân đến cô Tuyết cùng với một đám con cháu, ai ai cũng vui mừng vì cái chết của cụ Cố tổ.
Từ giây phút ông cụ mất, đám con cháu của cụ được dịp khoe mẽ với hàng xóm xung quanh. Đám ma được cử hành theo nghi thức hiện đại của xã hội thượng lưu phương Tây. Những thế hệ con cháu mang danh hiếu thảo trong đám tang của cụ đã mặc những bộ trang phục Âu hóa nửa tây nửa ta, những trò "mèo mả gà đồng" của dâu con những người xung quanh đó. Người đi đưa tang ai cũng làm ra vẻ mặt nghiêm chỉnh buồn rầu nhưng lại bàn bạc đủ chuyện trên đời: chuyện vợ con,nhà cửa... Trong cảnh hạ huyệt, cậu Tú Tân hướng dẫn mọi người chi tiết trong cách bố trí chụp từng bức hình.
Đám ma của cụ Cố tổ chính là cuộc diễu hành được sử dụng mọi trò hề của tầng lớp thượng lưu. Qua đoạn trích này tác giả đã phơi bày những trò lố lăng, phi đạo đức lẫn truyền thống của kẻ sống núp dưới gót giày của bọn thực dân xâm lược, một bức tranh toàn cảnh của xã hội đương thời mục rữa, thối nát.
Điều đầu tiên mà chúng ta cảm nhận được ngay đó chính là tiêu đề của tác phẩm "Hạnh phúc của một tang gia". Đây chính là mâu thuẫn và nực cười của câu chuyện. Trong nhà có tang, đám đang luôn gắn liền với sự mất mát, đau thương nhưng trong đoạn trích này sự đau thương đã được thay thế bằng niềm hạnh phúc, cảm giác như đây là điều mà họ mong chờ, khao khát từ lâu và nay đã trở thành hiện thực.
Không thực sự tương đồng toàn bộ, song để nói về "sóng gió" gia đình nhà NS Vũ Linh, cũng ồn ào và "bi hài" không kém. Mọi cớ sự phải bắt đầu từ sự phủ nhận mối quan hệ huyết thống cha con của Hồng Loan và cố nghệ sĩ Vũ Linh từ phía gia đình. Tang lễ - thay vì chu toàn cho người đã khuất, thay vì đau thương tiếc nuối thì gia đình cố NS Vũ Linh đem chuyện huyết thống, con nuôi - con đẻ để nói với báo giới. Mầm mống "phân chia tài sản" có lẽ cũng bắt đầu nhen nhóm từ đây.
Cái đáng suy ngẫm ở đám tang hot nhất nhì tháng 3 cũng không thể bỏ qua "hợp đồng truyền thông", những lời kêu gọi hảo tâm từ khán giả để hỗ trợ cho việc tang ma. Trong khi ngoài xã hội, nhiều gia đình vẫn thông báo "miễn chấp điếu" vì không muốn thân nhân của mình còn vướng lại nợ nần gì cõi trần này thì một số người thân của ông hoàng Hồ Quảng lại sử dụng tên tuổi ông cho một lần "lĩnh cát sê cuối cùng".
Tiếp theo, Hồng Loan cho rằng Hồng Phượng, cô Hồng Nhung và chú Tiểu Linh đã tự ý kêu gọi quyên góp trục lợi sau khi ba chị qua đời. Hồng Loan cũng cho biết thêm, những vấn đề liên quan đến ngôi mộ của cố nghệ sĩ, tất cả đều do cô và em họ chị quyết định, chị không hề được bất cứ một thông tin nào.
Tuy nhiên, sau đó, Hồng Loan đã quyết liệt sẽ trả lại các nhà hảo tâm những gì mà họ chuyển tới gia quyến để hỗ trợ tổ chức đám ma, đồng thời khẳng định sẽ làm đến cùng để người cha đã khuất không vướng chút "bụi trần" méo mó nào.
Tấn bi hài bị đẩy lên đỉnh điểm khi người thân trong gia đình Vũ Linh đưa nhau ra tòa chỉ với mục đích "chia lại" khối tài sản mà cố nghệ sĩ để lại.
Ngày 7/6, TAND quận Phú Nhuận, TP.HCM cho biết đang thụ lý vụ kiện tranh chấp thừa kế đối với di sản của cố NSƯT Vũ Linh. Theo thông tin từ toà, nguyên đơn là bà Võ Thị Hồng Nhung (em gái của cố NSƯT Vũ Linh) và bị đơn là bà Võ Thị Hồng Loan (con gái của cố NSƯT Vũ Linh). Những người có quyền lợi liên quan còn có bà Lê Thị Hồng Phượng (cháu gái Vũ Linh), ông Võ Thành Nhiêu (em trai Vũ Linh).
Theo đơn kiện, bà Nhung đề nghị Tòa án nhân dân quận Phú Nhuận hủy văn bản khai nhận tài sản thừa kế do Võ Thị Hồng Loan lập ngày 7/4 tại Văn phòng công chứng Huỳnh Thị Ngọc Yến đối với tài sản của cố NSƯT Vũ Linh. Trong đó, nhà ở và quyền sử dụng đất tại số 5 Đoàn Thị Điểm, phường 1, quận Phú Nhuận, theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND quận cấp ngày 23/1/2015, đã được sang tên cho bà Võ Thị Hồng Loan. Quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 87, 88 cùng tờ bản đồ số 8 tại phường Linh Đông, TP Thủ Đức, theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND quận Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức) cấp ngày 19/12/1998 và một ô tô đều đã được sang tên cho bà Võ Thị Hồng Loan.
Trong đơn kiện, bà Nhung đề nghị hủy phần cập nhật với nội dung sang tên nói trên trong các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và yêu cầu chia thừa kế đối với 2 thửa đất tại phường Linh Đông, TP Thủ Đức cho bà và ông Võ Thành Nhiêu, em trai nghệ sĩ Vũ Linh. Ngoài ra, bà Nhung yêu cầu chia di sản thừa kế của cố NSƯT Vũ Linh đối với quyền sử dụng thửa đất số 87, 88 cùng tờ bản đồ số 8 tại phường Linh Đông, TP. Thủ Đức cho bà Võ Thị Hồng Nhung và ông Võ Thành Nhiêu. Bà Nhung cũng yêu cầu hưởng một nửa tài sản sau khi trừ phần giá trị mà nghệ sĩ Vũ Linh đã lập di chúc miệng cho Lê Thị Hồng Phượng. Giá tạm tính mà bà Nhung yêu cầu được hưởng là 1,5 tỷ đồng.
Xoay quanh "sóng gió gia tộc" nhà NS Vũ Linh, những tranh cãi từ phía dư luận, những ý kiến trái chiều được nổ ra thành những tranh luận gay gắt trên các trang mạng xã hội cũng như bên ngoài cộng đồng.
Tất nhiên, người trong cuộc ai nấy cũng đều ra sức bày tỏ bản thân đang làm đúng và tranh giành phần phải cho mình. Nội tình như thế nào chỉ có họ mới biết, mới phân định được đúng sai. Tuy nhiên, qua những gì đã và đang xảy ra giữa 2 phía, dư luận có lẽ cũng phần nào nhận ra trong câu chuyện phảng phất ý đồ tranh chấp tài sản. Và có lẽ câu chuyện chắc chắn sẽ còn lâu nữa mới được ngã ngũ. Kể cả khi họ cùng nhau ngồi lại giải quyết vấn đề bằng tình hay nhờ pháp luật phân xử cho đúng lý thì sự việc đã là ly nước đổ đi không lấy lại được.