Mới đây, Hoa hậu Việt Nam Kỳ Duyên đã công khai việc "nâng cấp" vòng một để có vẻ đẹp quyến rũ hơn. Nhiều người chợt nhận ra rằng, không ít hoa hậu sau đăng quang thường chỉ được biết đến ở việc "lột xác" về nhan sắc, nghi vấn thẩm mỹ, chạy sô... mà hoạt động cho cộng đồng, xã hội không hề tương xứng với chiếc vương miện.
- Bị tố là người thứ 3, Kỳ Duyên cay cú đáp trả
- Hoa hậu Kỳ Duyên liên tục triết lý ẩn ý, đá xéo sau ồn ào bị tố làm "người thứ ba"
Chuyện một hoa hậu đi "nâng cấp" sắp đẹp để hoàn thiện hơn trong mắt công chúng vốn dĩ không có gì sai, song nếu công chúng chỉ biết đến họ nhiều hơn qua những câu chuyện xoay quanh nhan sắc thì đó còn là nhiệm vụ của một hoa hậu nữa hay không?
Ở những cuộc thi lớn như Hoa hậu Việt Nam, trong quá trình các người đẹp thi đấu để ban giám khảo chọn ra nhan sắc nổi bật nhất, sở hữu vương miện sắc đẹp, khán giả từng chứng kiến biết bao màn "loại thẳng tay" những người đẹp trót can thiệp thẩm mỹ để có vẻ ngoài hoàn hảo.
Thế nhưng, sau cuộc thi, từ người đoạt ngôi vị cao nhất đến những cựu thí sinh khác đều lao vào một cuộc chạy đua để "lột xác" về nhan sắc. Và rồi, sau cuộc chạy đua ấy, họ xuất hiện chăm chỉ ở các sự kiện giải trí, làm đại diện cho những nhãn hàng, quảng cáo... thay vì có hoạt động cộng đồng thật xuất sắc, chạm vào trái tim hàng triệu con người.
Có lẽ, chưa bao giờ ở Việt Nam xuất nhiều các danh hiệu hoa hậu, hoa khôi... đến thế. Dù mỗi cuộc thi sắc đẹp đều có tiêu chí riêng nhưng điểm chung đều hướng đến sứ mệnh, vai trò gắn bó với các hoạt động thiện nguyện, môi trường, xã hội, giáo dục. Thế nên, câu hỏi mà dư luận đặt ra là các hoa hậu đã làm đúng sứ mệnh ấy hay chưa?
Trên thực tế, những thông tin mà công chúng biết đến họ thường chỉ là "bên lề" như: Hoa hậu lộng lẫy tham gia sự kiện, Hoa hậu chấm thi Hoa hậu, Hoa hậu xuất hiện bên "trai lạ"...
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi đăng quang, các hoa hậu đều phải ký cam kết thực hiện nghĩa vụ của mình với BTC trong đó có việc giữ gìn hình ảnh. Tuy nhiên, BTC các cuộc thi hoa hậu đều "giải tán" sau khi hoàn thành nhiệm vụ, vì thế những vấn đề xảy ra với hoa hậu sau khi đăng quang thường không ai chịu trách nhiệm giải quyết.
Đây chính là một trong những khó khăn trong việc xử lý các vấn đề sau đăng quang và việc thiếu định hướng cho các hoa hậu sau cuộc thi.
Tất nhiên, trách nhiệm ấy một phần ở BTC song trách nhiệm cao nhất vẫn thuộc ý thức của các hoa hậu bởi lẽ lâu nay BTC các cuộc thi hoa hậu vẫn làm việc, "giải tán" như thế, tại sao Việt Nam vẫn có những hoa hậu xuất sắc, xây dựng được hình ảnh đẹp trong mắt công chúng ngay cả khi họ đã hết nhiệm kỳ từ rất lâu như: Diệu Hoa, Bùi Bích Phương, Nguyễn Thị Huyền... hay gần nhất là Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh.
Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh bị đánh giá có nhan sắc không mấy nổi trội khi đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2016, cho đến bây giờ, trong danh sách bầu chọn Hoa hậu Việt Nam đẹp nhất của truyền thông, công chúng thì vẫn không có tên Đỗ Mỹ Linh song hành trình của người đẹp 9x sau khi giành vương miện sắc đẹp đến nay đã chứng minh được sức lan tỏa tốt đẹp về tâm hồn.
Giữa đợt mưa lũ cao điểm năm 2017, khi showbiz Việt vẫn rầm rộ hình ảnh hoa hậu, hoa khôi lộng lẫy váy áo hàng hiệu dự sự kiện với cát-xê cao ngất ngưởng, được cả ê-kíp từ gia đình đến trợ lý tháp tùng, chăm sóc kỹ lưỡng đến từng đôi giầy, túi xách... thì Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh miệt mài với dự án thiện nguyện ở vùng cao, cùng đồng bào dân tộc thiểu số quây quần bên bữa cơm nghèo khó.
Kết thúc dự án này, cô sang Trung Quốc dự thi Miss World mà không có thời gian để nghỉ ngơi. Ban giám khảo cuộc thi Miss World đã chấm cho Đỗ Mỹ Linh giải Người đẹp nhân ái, đó là kết quả rất xứng đáng, công bằng.
Trong thời gian vừa qua, Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cùng một số người đẹp khác như Hoa hậu Ngọc Hân, Á hậu Ngô Thanh Thanh Tú đã hợp tác với chương trình "Câu chuyện trái tim" chuyên về từ thiện, hỗ trợ các ca phẫu thuật tim bẩm sinh cho trẻ nhỏ. Dù có một lịch trình công việc dày đặc nhưng những người đẹp này vẫn nhận lời tham gia một chương trình mất nhiều thời gian ghi hình, không cát-sê, đòi hỏi tinh thần, trách nhiệm cao.
NTK Sỹ Hoàng từng bày tỏ: "Mỗi cô Hoa hậu đăng quang chỉ giữ được vương miện trong một vài năm và sau đó sẽ có người kế nhiệm. Như vậy cái cốt lõi ở đâu để Hoa hậu còn lại mãi, giá trị lâu dài chính là tâm - tầm - tài của người đó. Họ phải được rèn luyện toàn diện từ nhỏ chứ không phải một vài tháng. Điều này lại quay lại vấn đề cốt lõi về giáo dục, văn hóa.
Từ xưa đã có câu cái đẹp cứu rỗi thế giới. Cái đẹp không cần chứng minh, đứng trước cái đẹp lòng nhân ái sẽ xuất hiện. Thực tế, ai cũng hướng tới chân - thiện - mỹ. Vì thế mọi người đừng từ chối cái đẹp mà hãy tôn vinh cái đẹp. Nhưng vấn đề là sử dụng cái đẹp thế nào. Nếu dùng cái đẹp để phục vụ xã hội, xoa dịu nỗi đau thì quá hay, để tư lợi cá nhân mới đáng lên án".
Có những người đẹp bước ra từ các cuộc thi sắc đẹp đã thẳng thắn chia sẻ, sở dĩ sức cạnh tranh qua các cuộc thi này ngày càng cao là bởi ít có nghề nào dễ giàu có, nhiều cơ hội như "nghề" làm hoa hậu. Cứ nhìn vào tài sản "khủng" của một số hoa hậu sau đăng quang sẽ biết.
Nếu không chạy sô, quảng cáo, làm sự kiện... thì sao họ có thể tậu nhà sang, xế xịn, trở thành những tay chơi hàng hiệu "siêu khủng" với xuất phát điểm chỉ là một cô sinh viên ngồi trên ghế nhà trường như thời điểm dự thi?
Điểm lại, không có nhiều Hoa hậu Việt Nam gây ấn tượng mạnh mẽ, dài lâu qua hoạt động cộng đồng. Đa số họ vẫn chỉ là được biết đến qua nhan sắc, lùm xùm bên lề xoay quanh scandal, tài sản, tình cảm hoặc hôn nhân dở dang mà thôi.
Sau đăng quang ngôi vị, không ít Hoa hậu Việt Nam nếu không "siêng" thẩm mỹ, kiếm tiền thì sẽ "theo chồng bỏ cuộc chơi". Thỉnh thoảng, họ vẫn xuất hiện ở những chuyến từ thiện nhỏ lẻ, như vậy cũng đáng quý, đáng ghi nhận nhưng khó để nói rằng điều đó là xứng đáng với ngôi vị cũng như nhiều quyền lợi mà chiếc vương miện sắc đẹp mang lại cho họ.