Câu chuyện của Phan Ngọc Luân không phải cá biệt nhưng đã đẩy mọi thứ lên đến đỉnh điểm: sự chịu đựng của công chúng, lòng tự trọng của những nghệ sĩ làm nghề chân chính và niềm tin vào truyền thông.
- Nhạc sĩ Phú Quang: 'Mỹ Tâm hát không hay như Thu Phương - Đàm Vĩnh Hưng thì không bằng Tấn Minh'
- Hé lộ người em gái duy nhất còn lại của Đàm Vĩnh Hưng và thân thế đặc biệt của cô con nuôi 18 tuổi
Níu lấy ánh sao bằng sự ăn bám, đạp đổ tình nghĩa thầy trò bạn bè, số phận trôi về đâu?
Ai cũng có những giấc mơ riêng và luôn khao khát biến nó thành sự thật. Giấc mơ của một ngôi sao càng mãnh liệt hơn. Khi đã bước chân vào showbiz, ai chẳng muốn được tung hô, được săn đón, được chiếm sóng trên mọi mặt báo. Thế nhưng, có bao nhiêu người chạm tới được đỉnh vinh quang? Có người miệt mài hoạt động nghệ thuật 10 năm 20 năm, thậm chí cả đời cũng không ai nhớ đến. Cũng có người chỉ một đêm đã nổi như cồn, không phải vì tài năng mà là thời đến và chiêu trò cũng hợp gu số đông. Cái gì mau đến cũng sẽ mau đi. Áp lực đó càng thôi thúc họ phải càng vận động đầu óc trí tuệ nhưng không phải làm nghề chân chính mà là để nghĩ ra chiêu thức giật tít, câu view. Quả thật đây là một câu chuyện dài kì và không hồi kết của những ánh sao le lói không tìm được chỗ đứng trong làng giải trí.
Ngày hôm qua, một biến tướng mới nhưng không lạ của câu chuyện ấy đã gây bão toàn showbiz. Phan Ngọc Luân bất ngờ mạnh dạn ngồi vào ghế khách mời một talkshow. Thay vì kể câu chuyện của mình, anh lại lôi người thầy Đàm Vĩnh Hưng và người anh Dương Triệu Vũ vào câu chuyện để drama và sốc hơn. Anh ấm ức chia sẻ chuyện từng ngủ chung giường và có tình cảm song phương với Đàm Vĩnh Hưng. Anh bày tỏ nỗi buồn vì có lúc ghen cùng Dương Triệu Vũ. Công chúng nghe anh nói, nghe kĩ từng lời nhưng không cảm thấy hay chia sẻ mà là một sự khinh miệt tột cùng. Tất nhiên, phản ứng của hai nhân vật bất đắc dĩ bị lôi vào câu chuyện là không thể “nhẹ nhàng”. Dương Triệu Vũ lịch sự nói thẳng vào mặt Phan Ngọc Luân rằng, thất đức và thiếu nhân cách. Còn Đàm Vĩnh Hưng “sâu cay” hơn khi tung hết bằng chứng tin nhắn của cả hai kèm lời tha thứ cho học trò. Drama kết thúc sớm hơn dự đoán, mọi mánh khoé của Phan Ngọc Luân bị chính người thầy của mình phơi bày vì anh ảo tưởng mình chơi chiêu và sẽ được chiều. Cái sai của anh là đánh giá quá cao sức nặng của mình trong lòng “người đại ca ấy”. Cái sai tiếp theo của anh là nghĩ bản thân là thợ săn còn công chúng là những con nai vàng ngơ ngác dễ bị bẫy.
Vài người nhủ lòng thương bênh vực rằng, Phan Ngọc Luân đang kể câu chuyện thật và công chúng nên chấp nhận sự thật. Ai xác nhận được đây có phải là sự thật? Bởi ngay sau đó chính Phan Ngọc Luân đã tự tát vào mặt mình rằng, anh tưởng tượng hơi quá và muốn chương trình của mình có nhiều người xem. Giả chăng câu chuyện này có là thật nhưng thời điểm kể là sao, hoàn cảnh kể cũng sai và người kể cũng thiếu tư cách nốt. Một câu chuyện tình cảm người nghệ sĩ quyết định kể khi nó không gây ảnh hưởng cho ai hoặc không vụ lợi. Đằng này người liên can lại là người thầy, người từng nâng đỡ Phan Ngọc Luân hết lòng, sao anh nỡ cầm dao đâm thầy mình một nhát chí mạng?
Cách đây không quá lâu, cũng một câu chuyện tương tự, một câu chuyện do nam ca sĩ Đào Bá Lộc kể. Đó là chuyện tình của anh và một nam MC danh hài nổi tiếng. Đào Bá Lộc cũng sụt sùi kể chuyện người cũ thế này, chia tay thế nọ, đau khổ thế kia. Tuy nhiên, chẳng ai quan tâm chuyện khổ sở gì của anh, người ta cũng chỉ thấy anh đớn hèn vì bấu víu cái danh người cũ để nổi tiếng, để PR cho bản thân, cho sản phẩm âm nhạc của mình sau đó. Sự thật mà Đào Bá Lộc kể lể ấy giờ có lợi ích gì hay chỉ làm phiền cuộc sống của người khác khi họ đã êm ấm với gia đình nhỏ và thời điểm đó nam ca sĩ cũng đã có tình mới.
Phan Ngọc Luân hay Đào Bá Lộc, hoặc nhiều cái tên nữa, họ có thể có tài năng nhưng chưa vụt sáng, họ có thể đam mê hào quang và muốn chinh phục nó nhưng cái cách họ làm thực sự bất nhẫn. Đúng là người mạnh chỉ thực sự mạnh khi cho kẻ yếu đứng trên vai mình nhưng với điều kiện người mạnh ấy tình nguyện và muốn trả nợ ân tình. Khi người ta không có sự vui vẻ đồng thuận thì đó là sự ăn bám, mặt dày. Tình nghĩa bạn bè, thầy trò trong showbiz không hiếm nhưng lại khó duy trì bền vững. Khi bạn đã sở hữu những tình cảm đẹp đẽ đó sao nó đạp đổ bằng tham vọng và sự ích kỉ của bản thân. Chiêu của bạn hút đấy, tên của bạn sẽ hot đấy. Vấn đề là thời gian, hạn sử dụng là bao lâu? Cả đời hay chỉ le lói rồi vụt tắt không để lại chút ấn tượng nào trong công chúng.
Nhìn đi, scandal của Phan Ngọc Luân chỉ kéo dài vỏn vẹn một ngày. Anh chơi chiêu “đâm đổ” thầy mình thì cũng bị chính người thầy ấy dạy cho anh phải biết điều, chơi dao có ngày đứt tay. Chính anh phải thừa nhận mình sai, phải bẽ bàng xin lỗi từng người một trong câu chuyện. Giờ đây công chúng cũng chỉ nhớ đến anh ở chữ “dơ” và “thảm”. Và những cái tên cũng từng chơi trò chơi tình cảm để tung hoả mù với dư luận thì giờ cũng có được ngồi hàng sao hạng A đâu. Họ cứ vật vờ trong showbiz như những cái bóng vì có họ thì có trò vui để nghe để xem và bớt nhạt. “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt” của những con người ấy là cái kết ê chề này sao.
Cái bẫy truyền thông ngọt ngào dập tắt giấc mộng ngôi sao
Một bàn tay không bao giờ vỗ thành nhịp, tương tự một người nghệ sĩ không tự mình gieo gió tạo bão nếu như không có sự tư vấn của ê kíp truyền thông. Có cầu thì có cung mà đã có cung thì cũng có cầu. Quy luật tự nhiên là thế. Người nghệ sĩ cần truyền thông để PR tên tuổi, PR cho sản phẩm của họ đến với công chúng. Tất nhiên, không phải người làm truyền thông nào cũng tư vấn cho người nghệ sĩ con đường chính đạo. Bởi đường thẳng đi rất lâu và không phải ai cũng chạm được đích thành công. Sự nôn nóng được nổi tiếng của nghệ sĩ cộng với sự tham lam của người hỗ trợ truyền thông cộng hưởng sẽ vẽ ra những con đường tà đạo nhằm rút ngắn mọi thứ.
Phan Ngọc Luân chỉ cần lên kể lể mấp mé chuyện tình cảm với người thầy Đàm Vĩnh Hưng là hot. Đào Bá Lộc cũng chỉ úp mở mối quan hệ với MC danh hài nổi tiếng nọ là nổi tiếng. An Nguy – Cát Phượng – Kiều Minh Tuấn chỉ cần nói qua nói lại chuyện say nắng, giật chồng, yêu dại cũng đủ chiếm sóng. Nghệ sĩ đạt được mục đích họ muốn, ê kíp truyền thông phía sau cũng nở mày nở mặt, thậm chí còn kiếm được nhiều hợp đồng PR cho các nghệ sĩ khác hơn vì hiệu quả công việc trước mắt là bằng chứng sống động nhất. Nào ai biết, người nghệ sĩ lúc này lại là chính là những nạn nhân lọt vào chính cái bẫy của bản thân giăng ra.
Khán giả bây giờ khôn lắm. Họ quá tinh tường để bản thân không bị lừa liên tục. Xu hướng truyền thông cũng đã thay đổi. Chiêu trò tình ái đã cũ và nhàm khi được dùng quá dài và dai. Cái cách dư luận phản ứng với mỗi scandal chính là thước đo hiệu quả nhất của các chiêu trò. Hẳn Phan Ngọc Luân phải mong làn sóng yêu thương, đồng cảm từ khán giả nhưng cư dân mạng và các đồng nghiệp ném vào mặt anh những câu đầy miệt thị như: vô ơn, thiếu nhân cách, vô đạo đức, ăn cháo đá bát... Cát Phượng – Kiều Minh Tuấn – An Nguy cũng lãnh đủ trong cái bẫy họ cài cắm công chúng. Từ hình ảnh người phụ nữ thẳng thắn, bộc trực, bản lĩnh và thông minh, Cát Phượng lại trở thành người mưu mô, lươn lẹo và dùng nước mắt xoa dịu những lỗi lầm. Một An Nguy đáng yêu, hồn nhiên và không mưu toan lại trở thành cô gái yêu cuồng sống vội, một kẻ thứ ba trơ trẽn nói với toàn thế giới mình yêu chồng người ta. Một Kiều Minh Tuấn “soái ca” đĩnh đạc, điềm đạm, chung thuỷ lại tuột dốc không phanh trong lòng khán gỉa khi chỉ còn là gã đàn ông lăng nhăng, vô trách nhiệm... Cũng là truyền thông đang viết bài, đang nói về họ mỗi ngày đấy nhưng toàn từ ngữ, nội dung đầy tiêu cực và đắng ngắt. Công chúng đọc về họ mỗi ngày đấy nhưng lại là những cái lắc đầu ngao ngán.
Vẫn may thay, đây là Việt Nam, một đất nước của sự hiện lành và tử tế. Công chúng Việt Nam cũng lành tính và mau quên hơn nhiều nước khác. Nếu ở Hàn Quốc, hẳn một người nghệ sĩ nói dối, chiều trò đặt bẫy công chúng thì không thể còn đường sống và làm nghề bởi sự tẩy chay khắc nghiệt của khán giả. Khán giả Việt Nam và chính người làm truyền thông cũng luôn ca mãi bài ca: “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”. Công chúng mất niềm tin thật đấy nhưng vẫn tha thứ. Người đặt bẫy bị bẫy nhưng vẫn thoát một cách ngoạn mục. Cứ yên trí với chiêu bài lặn vài tháng rồi sau đó lựa sự kiện hay chương trình để xuất hiện lại, đảm bảo vẫn hot, vẫn gây chú ý với những cái tít đại loại như: “Sau scandal với nghệ sĩ A, anh B đã trở lại đầy ngoạn mục”, “Ở ẩn một thời gian vì scandal, lầm đầu anh C hay chị D tái xuất”... Họ vẫn tiếp tục hoạt động nghệ thuật dù không bao giờ trèo lên đỉnh vinh quang. Ít ra, vẫn có đất kiếm cơm đã là vui.
Truyền thông, những người định hướng truyền thông luôn trong tâm thế đợi người nghệ sĩ tạo chiêu trò. Bởi lợi nhiều hơn hại. Showbiz có tin hot để viết bài đưa tin, drama càng nhiều view càng cao... Người nghệ sĩ cũng thích được tung hô bằng những lời hứa hẹn, vẽ vời từ ếp kíp của mình nên sẵn sàng bắt tay “chơi dại”. Vì lỡ có bị vạch mặt thì ráng dày mặt xin lỗi, nhận lỗi và xin sửa lỗi. Thế là chối bay biến một scandal động trời. Showbiz vẫn vui, ai nấy đều vui và truyền thông vẫn rộn ràng. Có sao đâu khi sức chịu đựng của công chúng vẫn còn giới hạn, lòng tự trọng của những người làm nghề chân chính vẫn tổn thương nhưng chưa chết và niềm tin đập đi vẫn chắp vá lại được mảnh nào hay mảnh nấy ấy mà.