“Có những cái Tết vừa phải đi làm, vừa nặng trĩu trong lòng việc hương khói cho ông bà, tổ tiên… nên nhiều khi vừa làm vừa khóc”, NSƯT Minh Vượng chia sẻ.
- Cùng cha dượng về quê chúc Tết, con trai riêng của Lê Phương bám Trung Kiên 'như cục hít'
- Vy Oanh kể chuyện Tết của hai con: ‘Xém đánh nhau vì giành ông bà nội’
Tâm sự về kỷ niệm ngày Tết, NSƯT Minh Vượng cho biết, bao kỷ niệm về Tết xưa vẫn sống trong chị. Từ kỷ niệm thời bao cấp hớn hở xếp hàng mua các loại thực phẩm cho đến đêm 30 Tết cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng nóng ấm.
“Nói đến bách hoá tổng hợp thì những ai từ 65 tuổi đến 45 tuổi sẽ rất nhớ về một thời bao cấp. Lúc bấy giờ được vào bách hoá tổng hợp ngày Tết là “Chao ôi, thích vô cùng”. Mặc dù chả mua gì nhưng chỉ cần được ngắm thôi là đã cảm thấy sung sướng lắm rồi.
Tôi còn nhớ hồi 5 - 6 tuổi, được túm áo bố mẹ đi vào bách hoá tổng hợp, quầy mậu dịch lúc đó còn cao hơn cả mình, rồi cứ nghển cổ lên nhìn các cô chú mua hàng bao cấp. Kể cả âm thanh ngày Tết trong đó cũng khác với âm thanh ngày thường.
Đến năm 84 - 85 ở Hà Nội vẫn còn kiểu mua hàng bao cấp. Thời đó mình đã khoảng 18 - 25 tuổi nhưng vẫn đi xếp hàng “tơi bời hoa lá”. Có khi phải xếp hàng 10 chỗ liền để mua nếp, mua đường, mua đậu, mua thịt, mua cá, mua rau… và phải dùng cả gạch lẫn rổ rá để đặt chỗ để giữ chỗ.
Sau nửa ngày chen lấn, hớn hở… mua được ngần đó thứ đồ Tết về thì lòng rạo rực chiến thắng. Thời đó mặc dù nghèo nhưng mọi người yêu nhau thực sự. Ăn miếng thịt có thể đã bị ướp lạnh, ăn miếng cá có thể không còn tươi và ngọn rau có thể đã úa… nhưng vẫn thấy ngon và thắm tình người thế nào đó”, NSƯT Minh Vượng kể.
Theo NSƯT Minh Vượng, bây giờ chiều 30 Tết nào chị cũng lại đi dọc phố Nghi Tàm - Hà Nội để ngắm chợ hoa. Cứ đi dọc con phố, thấy ai bán hết hoa là chị lại mừng cho họ vì đã xong hàng. Nhưng cũng nhiều khi cảm thấy thương cho những người gần chiều tối 30 Tết rồi mà vẫn chưa bán hết. Về đến nhà lòng dạ lại ngổn ngang với đủ các thể loại cảm xúc về kiếp – phận con người.
“Mỗi một cái Tết để lại trong tôi một dư âm khác nhau. Cách đây mấy chục năm, khi còn trẻ, ước mơ của mình trong năm mới cũng khác. Bây giờ ở bên kia chân đèo rồi nên có những cái mình có muốn như thời trẻ cũng không được. Bởi thế mà sự suy nghĩ của mình cũng chững lại, ngẫm ngợi nhiều hơn.
Bây giờ, 3 ngày Tết tôi dành hoàn toàn thời gian để đến thăm thú anh chị em, con cháu, bạn bè… Ngoài ra, tôi có một cái thú đó là trước tết 1 tháng đã chơi hoa. Chơi tất cả các loại hoa. Không phải chỉ chơi đơn thuần mà là rất mê.
Mặc dù biết đời của các loài hoa rất ngắn. Nay vừa “rước” các “nàng” hoa về cắm nhưng mai kia các “nàng” đã rụng rơi lả tả, lại tất bật dọn dẹp rồi lại đi rước càng “nàng” hoa mới về cắm. Cuộc đời cũng vậy thôi, niềm vui và nỗi buồn xen lẫn.
Trong nhà tôi trước Tết có hai loài hoa luôn ngự trị, không thể thiếu, đó là hoa cúc và hoa đào. Màu vàng của hoa cúc kiêu sa lắm, nó khiến tâm hồn mình ngẫm ngợi ra nhiều thứ và văn thơ cứ lai láng tuôn trào.
Còn hoa đào thì tôi thích chơi đào phai vì trong nhà tôi đồ gỗ toàn màu thẫm rồi nên chơi đào bích thì màu đào không nổi bật lên được. Màu phơn phớt hồng của đào phai cũng giúp mình gợi nhớ một thời tuổi trẻ đã qua”, nữ nghệ sĩ chia sẻ thêm.
NSƯT Minh Vượng nói: “Ai cũng mong mùa xuân bởi 365 ngày chỉ có 3 ngày Tết thôi. Đối với nghệ sĩ chúng tôi, một ngày Tết đoàn viên có đầy đủ bố mẹ và anh chị em là rất khó. Bởi vì thời gian và công việc luôn đuổi theo chúng ta, kể cả ngày Tết. Ngày Tết, ngồi ăn được với nhau một bữa cơm tất niên ấm cúng, vui vẻ, sum vầy là rất khó.
Cả ngày 30 đã tất bật chợ búa, cơm nước…. đến tôi vẫn phải đi diễn ở điểm này đến điểm kia. Mang tiếng là giao thừa nhưng về đến nhà thì đã qua ngày mới. Và xong xuôi mọi việc gà cũng đã vừa gáy sang canh mới, trời chuẩn bị sáng.
Có những lần, tối 30 vừa diễn xong thì họ đã rải tờ rơi luôn để tối mồng 1 tôi lại phải diễn tiếp. Khi mẹ tôi còn sống, mẹ tôi rất phiền lòng. Mẹ tôi bảo: “Mày quần quật cả năm rồi giờ đến ngày mồng 1 mày không ở nhà được với mẹ cả ngày à?”. Lại phải trấn an mẹ: “Người ta lỡ rải tờ rơi rồi mà con không thể phụ lòng khán giả được”. Vậy lại tối mồng 1 cũng phải đi diễn.
Đã là nghệ sĩ thì luôn phải làm cho khán giả của mình vui, càng Tết càng phải mang đến nhiều niềm vui. Diễn xong rồi tối về lại nằm nghĩ ngợi “Ơ, kể cũng lạ nhỉ. Có những người Tết người ta đi chơi xả láng còn nghệ sĩ vẫn phải đi làm quần quật”.
Nói là nói vậy thôi chứ đã trót mang kiếp “con tằm”, khi đã nhận lời là chúng tôi toàn tâm toàn ý, như ngọn nến cháy hết mới thôi. Bởi lí do đó mà ngày Tết cứ thèm được ở nhà dù chỉ ăn một ngọn rau muống luộc thôi cũng được.
Có những cái Tết vừa phải đi làm, vừa nặng trĩu trong lòng việc hương khói cho ông bà. Cho nên nhiều khi vừa làm vừa khóc”.
NSƯT Minh Vượng tâm sự, chị đã có một tuổi trẻ đáng sống và luôn thầm cảm ơn cuộc đời đã cho chị những thăng trầm, những bước ngoặt trong nghề. Có những lúc vỗ cánh bay lên đến không trung nhưng cũng có lúc đánh bịch rơi xuống đất. Tuy nhiên, chị không bao giờ hối hận về một điều gì.
“Để nói không mệt mỏi thì không đúng bởi mình là người có phải máy đâu. Máy còn có khi hỏng hóc nữa là con người. Nhưng có nhiều khi mình cũng phải cảm ơn cuộc đời đã cho mình được làm nghệ thuật. Tiêu chí của sân khấu – điện ảnh đó là mang thông điệp gửi gắm đến cuộc sống để cuộc sống hoàn thiện, gắn quyện và nhân từ hơn.
Nhiều khi ngẫm thấy mình còn may mắn hơn nhiều người bởi bên cạnh mình còn có rất nhiều tình yêu thương nên không có lí gì mình phải bi quan. Nhiều khi cũng muốn buông bỏ nhưng sau lại chẹp miệng “Trời sinh ra thế biết là tại đâu” rồi lại vui vẻ và tự tìm ra việc cho mình vui lên. Tìm một lí do để mình mạnh mẽ lên.
Nhiều người hay gọi tôi là “người lính”. Người lính nhìn “cồng kềnh” vậy thôi nhưng rất dễ đổ vỡ, nhạy cảm và dễ tổn thương”, nữ nghệ sĩ nói.
Theo NSƯT Minh Vượng, niềm vui lớn nhất mà chị nhận được bây giờ chính là mỗi tuần đều có một giờ dạy các con ở trường mẫu giáo.
“Trong một tuần, niềm vui và tiếng cười tôi nhận được nhiều nhất đó là khi có một giờ lên lớp với các con ở trường mẫu giáo. Gần 1000 con từ 2 tuổi đến 5 tuổi, trong giờ biểu cảm ngôn ngữ và kỹ năng sống rất chi là đáng yêu.
Không ai có thể tưởng tượng được 1000 con trẻ ra cầm tay mình áp lên má, vòng đôi tay bé xíu quanh bụng mình, nở nụ cười trong trẻo kèm đôi mắt trong veo… dễ thương thế nào đâu. Mình cảm thấy, trong cuộc đời của một người nghệ sĩ mà có được những khán giả như thế chẳng khác gì có một liều thuốc giúp nghệ sĩ cứ muốn “rút ruột nhả tơ” mãi.
Có lẽ là thiếu cái gì người ta cần cái đấy. Tôi không có gia đình nên tôi rất thích trẻ con. Tôi không hiểu cao sợi dây tình cảm giữa tôi với trẻ con rất gần – cận. Có lẽ vì nhà tôi nhiều con nhiều cháu ở nhiều lứa tuổi khác nhau nên tôi nắm được những cung bậc tâm lý tình cảm của chúng nó.
Năm nay là tròn 20 năm tôi diễn cho trẻ con, vừa viết kịch bản, vừa dựng kịch, vừa đi diễn. Mà trẻ con không nghĩ mình là người lớn tuổi đâu. Cứ ra sân khấu lại reo lên “Minh Vượng… Minh Vượng ơi”. Nhiều khi mình cũng không nghĩ mình già vì toàn đóng trẻ con hư…”, NSƯT Minh Vượng bộc bạch thêm.