Ở tuổi 83, cuộc sống của vợ chồng nghệ sĩ Hùng Minh rất khó khăn, cơm rau ngày hai bữa, nặng gánh nhất là tiền thuê nhà.
- Vợ chồng Tăng Thanh Hà 'trốn con' đi 'đánh lẻ': Ngọc nữ dành lời cực ngọt cho ông xã doanh nhân đúng ngày ĐẶC BIỆT
- Vy Oanh 'tái ngộ' Đàm Vĩnh Hưng, đăng đàn ẩn ý chúc mừng đàn anh 'thoát vận hạn sao kê'?
"Nhiều năm qua, tôi đã mắc các chứng bệnh tim mạch, huyết áp vô căn, giãn tĩnh mạch, thoái hóa khớp gối. Hồi Sài Gòn trong đỉnh dịch, tôi và bà xã trốn trong nhà nên không bị lây nhiễm.
Nhưng khi thành phố bước vào tình trạng bình thường mới, tôi bị sốt ho và phát hiện dương tính. Với một ông già trên 80 tuổi, nhiều bệnh, mắc covid-19 được xem như án tử treo lơ lửng. Tôi đã rất mệt mỏi và có lúc kiệt sức. May mà tôi đã phục hồi sau hơn 10 ngày điều trị tại bệnh viện dã chiến", NSƯT Hùng Minh đã mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.
Trước năm 1975, nghệ sĩ Hùng Minh được đánh giá là một trong những kép mùi đẹp trai nhất sân khấu cải lương miền Nam. Dẫu vậy, hành trình nghệ thuật cũng thăng trầm cùng cuộc đời ông.
Ông đi qua ba lần đò, có hai người con với người vợ đầu, và hai con với người vợ nổi tiếng là nghệ sĩ Thanh Hương. Hiện tại, ông sống với người vợ thứ ba là nghệ sĩ Hoa Lan. Họ có đời sống vợ chồng đầy tình nghĩa, nhưng bấp bênh về vật chất, không biết ngày mai sẽ ra sao.
Nghệ sĩ ưu tú Hùng Minh và người vợ hiện tại - nghệ sĩ Hoa Lan (ảnh do NVCC).
Tuổi thơ nghèo khó, thiếu tình cha con
Cách đây 30 năm, nghệ sĩ Hùng Minh được phong tặng danh hiệu NSƯT nhưng đến hôm nay, ông mới có tên trong danh sách phong tặng danh hiệu NSND trong đợt xét từ năm 2021- 2023. Ông vui vì được nhà nước xét duyệt nhưng với ông, tình cảm khán giả dành cho nghệ sĩ mới là danh hiệu cao quý nhất.
Để có được thành quả đó, NSƯT Hùng Minh đã đi qua hành trình nghệ thuật rất dài đầy vinh quang và cả nỗi buồn.
Ông nội NSƯT Hùng Minh vốn là một người gốc Anh. Cha của ông làm việc tại bệnh viện Grall ở Đồn Đất – Sài Gòn (nay là bệnh viện Nhi Đồng 2). Không biết vì lý do gì mà mẹ ông, một cô gái Mỹ Tho có thể gặp và yêu người đàn ông ngoại quốc ấy.
Cha và mẹ ông chia tay. Ông cũng chỉ nhớ nét mặt cha loáng thoáng đôi lần hồi còn bé, và về sau không bao giờ gặp lại. Ông lấy họ mẹ với tên đầy đủ là Nguyễn Ngọc Minh, nhưng đã thừa hưởng nét lai Tây rất đẹp của cha, từ nét mặt đến vóc dáng.
Ông sống với mẹ tại quê nhà miền sông nước Tiền Giang, làm lụng kiếm sống bằng cách mò cua, bắt óc, giăng lưới, làm thuê. Nhưng cuộc sống của hai mẹ con vẫn thiếu thốn, vất vả. Một ngày, ông quyết định rời quê để tìm kế mưu sinh.
Trong bước chân lang thang vô định, ông gặp đoàn cải lương Thái Bình của ông bầu Thới. Ông xin vào làm việc vặt như khuân vác, phụ vẽ bảng hiệu.
Đoàn thiếu người, ông bầu cho ông lên làm quân sĩ. Khởi đầu, ông làm công việc này để kiếm hai bữa cơm lót dạ. Ngày qua ngày, ông đứng bên cánh gà sân khấu nghe tiếng đàn và tiếng hát.
Giai điệu ngũ cung trầm buồn đã ngấm vào tâm hồn chàng trai trẻ hồi nào không rõ. Đến một lúc ông nhận ra mình đã mê nghệ thuật cải lương, vậy là xin các thầy đờn và thầy tuồng trong đoàn dạy thêm bài bản. Chính cố nghệ sĩ Trường Xuân đã đặt cho ông nghệ danh Hùng Minh.
Yêu vợ đồng nghiệp, mối tình gây sóng gió dư luận
Nhờ kiên trì và đam mê, tiếng hát Hùng Minh ngày càng hay và kỹ năng diễn xuất thêm điêu luyện. Cộng với ngoại hình đẹp, sáng nên từ vai nhỏ, ông được ông bà bầu đôn lên đóng vai chính.
Năm 1959, với vai Hoa Lộc Trung trong vở "Nó là con tôi" của soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng, ông đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm, giải thưởng danh giá của bộ môn cải lương hồi ấy.
Trong thời gian này, ông yêu nghệ sĩ Thanh Hương, người được khán giả xem là đệ nhất danh ca nữ. Lúc ấy, cả ông và bà đều đã có gia đình. Bà là vợ nghệ sĩ Văn Chung nên tình yêu này gây sóng gió dư luận.
Nhiều năm sau, vào tuổi gần 90, cố nghệ sĩ Văn Chung vẫn còn nhắc lại sự kiện này một cách trào lộng. Tất cả xem như đó là định mệnh và tôn trọng quá khứ.
Tình yêu của nghệ sĩ Hùng Minh và Thanh Hương mãnh liệt nên họ vượt qua tất cả sóng gió. Hai người thành hôn và sau đó thành lập đoàn cải lương Thanh Hương – Hùng Minh thu hút rất nhiều soạn giả và nghệ sĩ tên tuổi.
Hùng Minh – Thanh Hương vừa là chủ đoàn, vừa hát đào kép chính. Đại bang này đã chinh phục khán giả mộ điệu cải lương khắp mọi nơi trong suốt hàng chục năm. Hùng Minh có tất cả từ danh tiếng, tiền tài và tình yêu.
Năm 1974, nghệ sĩ Thanh Hương qua đời, để lại cho Hùng Minh hai người con. Đoàn cải lương Thanh Hương – Hùng Minh rã gánh.
Trong thời kỳ mới, sau năm 1975, Hùng Minh về hát cho đoàn Thanh Minh – Thanh Nga. Ông được giao vai công tử Hiếu Danh, một vai hề trong vở "Bên cầu dệt lụa". Ông đã rũ bỏ chất kép mùi, hóa thân sống động vào vai hài, khiến khán giả từng yêu mến ông bất ngờ.
Nhưng đến khi ông hóa thân vào vai Mã Tắc vở "Tiếng Trống Mê Linh", với điệu bộ ngang tàng, nét mặt sắc sảo, lối thoại gằn từng chữ, ông được báo giới đặt cho biệt danh "vua kép độc". Đến giờ, ấn tượng kép độc của ông in sâu vào tâm trí của khán giả.
Nhận mức lương quần chúng, trầm cảm vì thất nghiệp
Vào thập niên 1990, cải lương suy yếu. Cuộc sống của NSƯT Hùng Minh bắt đầu khó khăn vì ông không biết làm gì khác ngoài ca diễn. Ông bắt đầu chuyển sang đóng phim, thi thoảng đóng kịch.
Tất cả những bộ phim mà NSƯT Hùng Minh tham gia, ông đều nhận được sự tán thưởng của khán giả. Bản thân ông biết điều tiết cách diễn để phù hợp với điện ảnh và các đạo diễn luôn tỏ lòng kính trọng tiền bối say nghề.
Dẫu vậy, từ một ngôi sao lừng lẫy chìm đắm trong hào quang danh vọng, giờ chỉ được đảm nhận các vai phụ cũng khiến ông có chút chạnh lòng.
Thế nhưng ông vẫn cảm thấy vui vì được sống với nghề diễn. Ông luôn cho rằng vai chính hay phụ không quan trọng, mà một người nghệ sĩ phải biết làm cho một vai nhỏ trở nên sống động trong mắt người xem.
Cát-xê đóng phim và đóng kịch, giúp ông đủ sống qua ngày. Về sau này, phim truyền hình phía Nam khủng hoảng, nhà sản xuất trả tiền quá thấp nên đạo diễn muốn mời NSƯT Hùng Minh vào phim có ít phân đoạn, phải cân nhắc.
Bởi vì, họ rơi vào thế, phải trả lương cho ông bằng với diễn viên quần chúng. Điều này là một sự xúc phạm với nghệ sĩ tiền bối lừng danh.
Thế là ông ngày càng ít show! Ông tâm sự, thất nghiệp ở nhà lâu ngày, ông buồn đến mức bị trầm cảm. Không có show đồng nghĩa không có thu nhập. Cũng may mà nhiều khán giả yêu thương biết hoàn cảnh của ông, đã ủng hộ và chia sẻ từ tinh thần đến vật chất. Nhờ vậy, ông vẫn có thể sống qua ngày.
Không chỉ nghèo, càng lớn tuổi, ông càng có nhiều bệnh tật mà bệnh viêm khớp, hành hạ đau nhức, đã khiến ông khó di chuyển. Cũng may, ông có người bạn đời nhanh lẹ, hoạt bát nên cuộc sống của ông bớt khó khăn.
Show của ông rất ít, dù nhận mức lương bằng với diễn viên quần chúng. Dẫu cuộc sống đầy rẫy khó khăn, không có tiền nhưng vào các dịp giỗ Tổ nghề, nghệ sĩ Hùng Minh làm rất trang nghiêm. (ảnh do NVCC)
Tuổi 83 vẫn ở trọ, cơm rau ngày 2 bữa
Người vợ hiện tại của NSƯT Hùng Minh là nghệ sĩ Hoa Lan. Bà là con gái của soạn giả Nguyễn Huỳnh lừng danh với kịch bản "Tướng cướp Bạch Hải Đường".
Mẹ ruột của nghệ sĩ Hoa Lan từng đóng chung với NSƯT Hùng Minh thời ở đoàn Thanh Hương – Hùng Minh. Lúc NSƯT Hùng Minh đã qua tuổi 60, ông sống một mình, còn bà thì ly dị vào tuổi 40. Bà đã chấp nhận lấy ông bất chấp khoảng cách tuổi tác.
Bà đã chăm sóc ông tận tụy từ viên thuốc, bữa ăn và giấc ngủ. Họ đã sống bên nhau hơn 20 năm. Hiện tại, bà làm trợ lý đạo diễn tại sân khấu IDECAF và đóng phim. Bà cũng chính là người quản lý của ông. Tất cả các kịch bản gửi tới ông, bà đều xem và quyết định ông có nên tham gia hay không.
Sinh thời NSƯT Hùng Minh rất giàu có. Vì tính hào phóng, không dành dụm cho bản thân, khi bà về với ông, ông rất nghèo. Hai vợ chồng ở nhà thuê, nhiều lúc thiếu thốn. Họ sống nhờ vào tiền cát-xê đi diễn, tiền của hội nghệ sĩ hỗ trợ và chế độ người cao tuổi của ông, cũng như những công việc lặt vặt khác của bà.
Ở tuổi 83, cuộc sống của vợ chồng nghệ sĩ Hùng Minh rất khó khăn, cơm rau ngày hai bữa, nặng gánh nhất là tiền thuê nhà. May mắn chủ nhà yêu mến nghệ sĩ nên vẫn thường xuyên cho nợ.
Gần đây, sau khi Sài Gòn bước vào tình trạng bình thường mới, ông phát hiện mình dương tính covid-19. Địa phương khuyến khích ông vào khu cách ly điều trị. Lúc ấy, bệnh đau khớp hành hạ ông dữ dội, tim mạch và huyết áp không ổn.
Người con trai của ông và cố nghệ sĩ Thanh Hương tình nguyện vào bệnh viện dã chiến chăm sóc cha. Sau hơn 10 ngày, ông vượt qua nguy hiểm, còn con trai bị nhiễm, phải ở lại chữa trị.
Sau khi xuất viện, ông và bà lại đèo nhau đi đóng phim, bởi vì, họ đã quá nhớ nghề và luôn ở tình trạng làm ngày nào ăn ngày đó. Nếu nghỉ làm việc lâu thêm, có thể họ sẽ lâm vào bế tắc. Dẫu vậy, trong tâm trí họ luôn hướng về những gì tươi đẹp nhất.