"So với những ngày đầu tiên về làm dâu thì giờ các bạn đã nấu ăn rất khéo. Thậm chí chính tôi cũng là người phải học để “hoà nhập” với các bạn ấy", NSND Lan Hương tiết lộ.
- "Em bé Hà Nội" Lan Hương lộ mặt đơ như tượng sáp, nhưng cuối cùng lần này đã thừa nhận "dao kéo"
- Đón Tết ở Mỹ, Hoa hậu Phạm Hương diện áo dài du xuân bên con trai cưng
Gia đình vẫn giữ truyền thống đón Tết xưa
+ Cuộc sống thay đổi, nhiều gia đình không còn giữ truyền thống đón Tết xưa, thậm chí nhiều bạn trẻ không còn mặn mà với Tết cổ truyền. Vậy đối với gia đình NSND Lan Hương thì sao?
- Đến bây giờ, gia đình tôi vẫn giữ truyền thống đón Tết như xưa. Cứ Tết đến là cả nhà quây quần gói bánh chưng. Trong nhà không thể thiếu cành đào, cây quất, lọ hoa lay ơn,…Mùng 1 Tết, mọi người sẽ tập trung đi chúc Tết bên nội, bên ngoại, chúc thọ các các cụ cao niên,… Ông bà vẫn điểm danh xem còn cháu nào chưa đến để hỏi chuyện năm cũ, chúc mừng năm mới… Không biết mọi người bây giờ như thế nào nhưng cả nhà tôi, ai cũng vẫn hào hứng với Tết nguyên đán.
+ Ngày Tết của gia đình "mẹ chồng" Lan Hương thay đổi như thế nào từ khi có những nàng dâu mới trong nhà?
- Các con dâu của tôi cũng rất hào hứng đón Tết cổ truyền. Không khó để các bạn ấy bắt nhịp với những truyền thống đón Tết của đại gia đình. Con dâu cả về nhà tôi thì bắt đầu biết gói bánh chưng. Bạn thứ 2 cũng đang học và rất hào hứng phụ giúp mọi người.
So với những ngày đầu tiên về làm dâu thì giờ các bạn đã nấu ăn rất khéo. Thậm chí chính tôi cũng là người phải học để "hoà nhập" với các bạn ấy. Các bạn ấy mang về nhiều món ăn mới, hấp dẫn như bắp bò ngâm dấm hay lườn ngỗng xông khói,… để phong phú thêm bữa ăn ngày Tết.
Trong những ngày đầu năm, cả nhà cố gắng chuẩn bị bữa cơm ngon nhất, tinh tươm nhất. Chiều 30 Tết, các con giúp mẹ lau chùi bàn thờ sạch sẽ, sắp mâm ngũ quả với đầy đủ các loại quả như chuối, bưởi, cam, táo xanh của Việt Nam, nho, quất, cam canh hoặc trái ớt đỏ.
+ Nhiều gia đình có thói quen đi du lịch, còn nhà nghệ sĩ thì sao?
- Nhà tôi thường không đi du lịch dịp Tết mà thích cảm giác quây quần đầm ấm đón Tết ở nhà. Trước đêm giao thừa, cả nhà sẽ chuẩn bị bày mâm cúng rồi cùng nhau lên Bờ Hồ xem bắn pháo hoa. Sau đó, mọi người về nhà xông đất, thắp hương đêm giao thừa rồi quây quần ông bà, con cháu đông đủ, cùng thưởng thức bữa ăn đầu tiên vào lúc 0h. Mỗi người một chân một tay, người hạ lễ, người chặt gà, người sắp bát đũa,…
Ngày hôm sau cả nhà dậy sớm từ 7h sáng, chuẩn bị mâm cơm thắp hương tổ tiên ngày mùng 1 Tết. Các nàng dâu nhà tôi cũng ý thức dậy sớm phụ giúp mẹ. Các bạn ấy rất thoải mái và tình nguyện. Mọi thứ bây giờ cũng sẵn hơn Tết xưa rất nhiều và có thể chuẩn bị vài món từ trước nên đến bữa cũng không quá tất bật. Không khí đón Tết ở gia đình tôi lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. Chính vì vậy mà con trai tôi có năm phải đi làm từ mùng 3 Tết rất buồn. Cháu công tác trong ngành du lịch nên rất bận rộn những dịp lễ, Tết.
Ngày Tết thích nhất được đi chúc Tết
+ Trước đây, đã bao giờ hai vợ chồng nghệ sĩ phải đóng phim xa nhà dịp giáp Tết chưa?
- Tôi còn nhớ, đó là những ngày giáp Tết dương lịch, khi con trai lớn của chúng tôi mới được khoảng 2 tuổi, cả hai vợ chồng tôi đều phải quay phim ở xa để kịp chiếu vào giáp Tết nguyên đán. Cảm giác nhớ con cồn cào. Ngay khi về đến Hà Nội, hai vợ chồng đã ra phố Lương Văn Can mua một món quà cho con.
Một kỉ niệm khác, không phải dịp Tết mà là ngày sinh nhật con trai thứ 2, tôi phải đi diễn trong Quy Nhơn, chỉ có 3 bố con ở nhà với nhau. Cảm giác khi đó thương con khó diễn tả bằng lời. Chính vì vậy, tôi rất đồng cảm với các cháu là con nghệ sĩ, rất thiệt thòi, ít khi được bố mẹ đưa đi chơi vào các dịp Lễ, Tết,… Chỉ cần một chút thời gian hiếm hoi được ở bên gia đình những ngày đặc biệt đó cũng quý giá biết nhường nào.
+ Đối với chị, kí ức ngày Tết xưa và bây giờ có sự khác biệt thế nào?
- Trong kí ức tuổi thơ của tôi, ngày Tết khi xưa, cuộc sống khó khăn nhưng tình cảm mọi người dành cho nhau lại vô cùng nồng hậu, ấm áp. Tết luôn là sự háo hức mong chờ với tất cả mọi người, đặc biệt là tụi trẻ con chúng tôi. Tết trong hình dung của con trẻ là sẽ được ăn ngon, mặc đẹp. Ông bà, bố mẹ để dành phiếu vải đến gần Tết mới may quần áo mới cho con, cho cháu.
Mẹ tôi thường nói: "Cúng giỗ cả năm cũng không bằng lo 3 ngày Tết", tất cả đều phải thực hiện một cách chuẩn chỉ. Tết xưa, dù nghèo khó nhưng nhà nào cũng cố gắng gói bánh chưng.
Thời bao cấp, tất cả được phân phối theo chế độ tem phiếu, mỗi người được cấp 1 lạng thịt/tháng. Cán bộ công chức được phân phối 5 lạng thịt/tháng. Những công nhân lao động ngành nghề độc hại thì được 1kg thịt/tháng. Cả nhà sẽ gom hết tem phiếu: nước mắm, đậu phụ, cá, thịt để dành lo cho cái Tết tinh tươm tất, dành dụm phiếu đường để làm mứt khoai tây, mứt bí, cà rốt, mứt quất, mứt cà chua…
Ngày ấy, niềm vui giản đơn của lũ trẻ chúng tôi là nhà này nếm thử mứt, bánh chưng của nhà kia. Các bà, các mẹ chia sẻ bí quyết, kinh nghiệm để năm sau làm ngon hơn năm trước. Trong nhà của người Hà Nội ngày Tết, bao giờ cũng có hoa lay ơn, violet, thược dược. Mọi người thường đạp xe lên làng Ngọc Hà mua hoa, lên Nghi Tàm mua cành đào Nhật Tân,…
+ Ngày Tết chị thường thích làm gì nhất?
- Ngày Tết tôi rất thích đi chúc Tết. Chuyện lì xì không giống như bây giờ, đôi khi chỉ là những đồng xu lẻ nhưng lũ trẻ con chúng tôi đều kính cẩn nhận từ người lớn. Điều quan trọng nhất trong những ngày Tết là ai nấy đều dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất, những lời nói cũng ngọt ngào hơn.
Anh em họ mạc quây quần, đoàn viên ấm cúng. Trẻ con có sai mấy thì người lớn cũng nhẹ nhàng vì mọi người kiêng kị có tiếng quấy khóc vào mùng 1 Tết. Xong 3 ngày Tết thì các nhà hạ cây nêu, làm lễ hoá vàng tiễn ông bà, tổ tiên.