"Ở đời thường, Minh Vương kiệm lời hơn nhiều so với trên sân khấu, NSND Bạch Tuyết chia sẻ.
- NSND Phùng Há và những bài học đạo đức làm nghề thấm thía với NSND Bạch Tuyết
- NSND Bạch Tuyết hiếm hoi chia sẻ về quý tử độc nhất của mình và tỷ phú người Pháp, tiết lộ cách xưng hô đầy bất ngờ!
Mới đây, tại chương trình Chân dung nghệ sĩ, NSND Bạch Tuyết đã tâm sự về NSND Minh Vương, phân tích tài năng nghệ thuật của ông.
Diễn xuất của Minh Vương đã tạo ra dấu ấn đẳng cấp
Tôi muốn khắc họa chân dung NSND Minh Vương bằng hai gam màu thăng và giáng qua hai bài bản. Bài bản một là Văn Thiên Tường, thuộc bản quán biến thể với chủ âm quan (trong vở Đời cô Lựu). Bài bản hai là Nặng tình xưa (trong vở Tô Ánh Nguyệt), thuộc bản nhỏ, vừa với hơi ai.
Cả hai đều được thể hiện một cách hoàn mỹ bởi NSND Minh Vương. Tôi dám chắc sẽ khó có ai đủ cột hơi đầy, âm vực cao để ca bắn lên như thế. Quan trọng là nó được đặt để đúng tình huống, trúng tâm lý, truyền tải trọn vẹn tâm trạng nhân vật. Nó đã làm nên hai dấu ấn trong cuộc đời làm nghề của NSND Minh Vương.
Qua nhiều lần nghe Minh Vương ca vọng cổ, tôi cảm giác làn hơi ấy như con sông Cần Giuộc quê anh đã bồi tụ lại. Nó vừa là nhánh thượng với lượng phù sa trẻ, khỏe khoắn, vừa là nhánh hạ với biên độ thủy triều lớn nên hòa cả mặn lẫn ngọt trước khi đổ ra biển Đông.
Cái tài ở Minh Vương là sự nhạy bén ít ai tường tận. Một số tình huống cải lương không có trong kịch bản từ trước mà do Minh Vương đề cập đến với soạn giả, đạo diễn.
Ví dụ, cả hai tình huống Võ Minh Luân gặp lại cha và tình huống Minh gặp lại Tô Ánh Nguyệt đều do Minh Vương gợi mở với soạn giả, đạo diễn.
Ở tình huống Võ Minh Luân gặp lại cha (vở Đời cô Lựu), trong kịch bản gốc, nhân vật chỉ kêu một tiếng "Ba" trước khi hai cha con ôm nhau. NSND Minh Vương đã đề nghị soạn giả viết thêm một lớp thoại văn để giải phóng nỗi tủi buồn, niềm khao khát, bất ngờ để bật thành tiếng kêu xé ruột xé gan trong lòng khán giả.
Ở tình huống Minh gặp lại Nguyệt (vở Tô Ánh Nguyệt) là nỗi bất công của lễ giáo gia phong biến tình yêu thành hai nạn nhân bất hạnh. Đó là sự bất lực khi đôi lứa không dám vượt lằn ranh để bước qua lễ giáo xã hội sống cho cá nhân. NSND Minh Vương đã thấu được nội tâm nhân vật và đề nghị đạo diễn để cho anh một khoảng lặng, nơi chỉ có âm nhạc và lời ca để nhân vật được sám hối, bộc lộ nỗi đau đớn. Anh dùng bài Nặng tình xưa nhịp đôi, lấy khí nhạc biểu đạt nội tâm trước khi bật thành lời. Đó là nỗi buồn xen lẫn ân hận. Cảm xúc người xem như vỡ òa, mọi xót thương dành cho nhân vật Nguyệt như được bù đắp.
Diễn xuất của Minh Vương đã tạo ra dấu ấn đẳng cấp, về cả ca lẫn diễn. Đó là vai Ức Trai Nguyễn Trãi trong vở Rạng ngọc Côn Sơn. Từ ánh mắt, bộ điệu tới chất giọng đã hợp lại để tạo nên một Nguyễn Trãi trung quân ái quốc. NSND Minh Vương kỳ tài ở chỗ đã nuôi dưỡng nhân vật với nỗi niềm ưu ái cũ. Từ đó, anh truyền vào công chúng tình yêu nước sâu sắc, nồng nàn muôn đời. Thiên chất nghệ thuật là gì nếu không đem đến lòng cao cả thiêng liêng ấy?
Nghệ sĩ ưu tú Thanh Nga đã nói: "Tôi sẽ diễn theo cách của Minh Vương"
Ở đời thường, Minh Vương kiệm lời hơn nhiều so với trên sân khấu. Bây giờ, Minh Vương có vẻ đã cởi mở, nói nhiều hơn một chút. Nhưng ngay cả khi trở nên hoạt bát, trẻ trung hơn thì vẫn là một Minh Vương nói đủ những điều mình muốn nói, nói thật những điều mình suy nghĩ.
Nhận ơn và trả ơn đã làm nên nhân cách một con người. Cả một đời NSND Minh Vương đã trọn vẹn với lẽ sống đó. Đó là ơn cha mẹ sinh thành đã cho cậu con trai Minh Vương giọng ca thiên bẩm.
Đó là ơn với thầy Bảy Trạch, từ ngày thấy một thằng bé con lấp ló ở cửa lớp dạy ca đã đặc cách cho vô học miễn phí. Sau này, Minh Vương là học trò duy nhất thầy Bảy Trạch đưa đi thi vọng cổ để được quán quân.
Sau đó, ông bầu Long kêu Minh Vương về đoàn Kim Chung. Được ký giao kèo 10 ngàn đồng nhưng Minh Vương đem 5 ngàn về cho má, 5 ngàn tới gửi thầy, trả ơn người đưa đò.
Đó là ơn người đồng hành cùng mình trong những năm tháng lập thân, rồi sau này làm mẹ các con mình. NSND Minh Vương đã chấp nhận những điều trái khoáy, hóa giải nghịch cảnh để đi cùng vợ suốt chặng đường hôn nhân. Tới khi các con đã trưởng thành, người chồng, người cha Minh Vương chọn tay trắng rời đi, để lại toàn bộ tài sản cho người thân, vợ mình.
Đó là ơn với các đồng nghiệp của mình, như Lệ Thủy. Hay là ơn với đoàn hát đã cưu mang mình. Nghệ sĩ ưu tú, huyền thoại Thanh Nga sinh thời đã nói rằng: "Tôi sẽ diễn theo cách của Minh Vương". Một nghệ sĩ lớn như Thanh Nga lại khiêm cung, hòa mình diễn cùng Minh Vương ngày đó, là một phẩm giá làm nghề đức hạnh.