Phi Thanh Vân đang là cái tên gây tranh cãi khi đăng quang Hoa hậu.
Tối 3/12 (giờ địa phương), Phi Thanh Vân đăng quang cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Thế giới người Việt tại Mỹ 2017. Nữ diễn viên chưa xin giấy của Cục Nghệ thuật biểu diễn, đồng thời chưa có danh hiệu sắc đẹp trước đó ở Việt Nam.
Hoa hậu Doanh nhân Thế giới người Việt tại Mỹ tổ chức lần đầu năm 2016. Chung kết năm nay có khoảng 20 thí sinh tham dự. Trưởng ban tổ chức cuộc thi là bà Uyên Huỳnh - Á hậu Phu nhân Việt Nam toàn cầu 2016.
Theo quy định hiện hành, người đẹp ra nước ngoài dự thi nhan sắc là thí sinh đã đạt danh hiệu tại một cuộc thi sắc đẹp trong nước. Đồng thời, thí sinh cần được một tổ chức trong nước có chức năng hoạt động văn hóa, nghệ thuật làm đại diện, thực hiện thủ tục giấy phép dự thi.
Đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) đã chính thức lên tiếng giải đáp một số câu hỏi xung quanh những ồn ào các thí sinh Việt dự thi Hoa hậu quốc tế mới đây khi dư luận một lần nữa "nổi sóng" trước tin Phi Thanh Vân đăng quang Hoa hậu.
- Phi Thanh Vân khiến công chúng nghi ngờ rằng đã "thi chui" và đăng quang Hoa hậu Doanh nhân Thế giới người Việt tại Mỹ 2017, anh có thể cho biết mức phạt nếu cô vi phạm quy định?
Với trường hợp của Phi Thanh Vân, chúng tôi đang có trong quá trình xác định và làm rõ thông tin và sẽ có câu trả lời sớm và rõ ràng nhất. Nếu thật sự vi phạm quy định mà Cục Biểu diễn nghệ thuật đã ban hành, mức phạt cao nhất mà cô Phi Thanh Vân phải nhận là 30 triệu.
- Nhiều người đẹp hoặc công khai hoặc tỏ ra ngây thơ không biết quy định xin cấp phép (đa phần họ đều không có đủ tư cách dự thi). Sau khi đi thi về họ sẵn sàng nộp phạt và hào hứng với việc truyền thông đưa tin về việc nộp phạt vì đây cũng là cách PR miễn phí cho họ. Anh đánh giá sao về việc này?
Về mặt xử lý vi phạm, các cơ quan quản lý phải căn cứ vào quy định pháp luật đề ban hành các quyết định xử phạt, mức phạt và không thể vượt ra ngoài quy định pháp luật được. Còn về truyền thông, vấn đề này đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn khuyến nghị rất nhiều lần là rất mong các cơ quan truyền thông cân nhắc khi đưa tin về những cá nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đưa thông tin sao cho công chúng, khán giả nhận biết và có thái độ rõ ràng đối với những cá nhân này. Không nên đưa thông tin theo chiều hướng PR cho những cá nhân vi phạm và điều này phụ thuộc hoàn toàn vào cách làm tin, bài của các cơ quan truyền thông.
- Hình thức phạt 15-30 triệu không đủ sức răn đe, dẫn đến tình trang loạn hoa hậu thi quốc tế và phần đa là các cuộc thi "Ao làng". Thời gian tới Cục có hình thức tham mưu cho Bộ để thay đổi khung xử lý phù hợp hơn với thực tiễn?
Hiện nay, việc các cá nhân ra nước ngoài dự thi các cuộc thi người đẹp quốc tế cũng đã được đưa ra để trao đổi, thảo luận tại các cuộc Hội thảo, Hội nghị và cũng có 2 quan điểm: Thứ nhất là đề nghị không cần cấp phép đối với hoạt động này, tức là "mở" cho các cá nhân thoải mái đi tham dự các cuộc thi sắc đẹp tại nước ngoài.
Quan điểm thứ 2 là vẫn duy trì xem xét, cấp phép nhưng mở rộng đối tượng và không giới hạn chỉ những cá nhân đạt danh hiệu nhất, nhì, ba tại các cuộc thi ở trong nước mới được tham dự. Nội dung này các cơ quan quản lý sẽ tiếp tục nghiên cứu để thể chế vào văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới trên cơ sở phương án có ý kiến đồng thuận cao nhất và đảm bảo được nội dung quản lý nhà nước. Phương án tăng nặng mức xử phạt cũng là một hướng nghiên cứu thêm.
Với mức phạt như hiện tại, nhiều người cho rằng quá thấp dẫn tới tình trạng ngày càng nhiều người "bất chấp" đi thi và "vui vẻ" đi nộp phạt. Với trường hợp của Phi Thanh Vân, không thể phủ định được sau ồn ào danh hiệu Hoa hậu, tên tuổi của cô được hâm nóng rất nhiều. Mức phạt tối đa mà cô phải chịu nếu vi phạm là 30 triệu đồng khiến nhiều người cho rằng không thỏa đáng!.