MC Phan Anh vừa có lời kêu gọi các Phật tử cùng mọi người không sử dụng sừng tê giác, ngà voi, không ăn thịt tê tê, hạn chế xâm hại các động vật hoang dã... để không tạo ra nỗi thống khổ cho muôn loài.
- MC Phan Anh nói về việc bỏ chấm giữa chừng cuộc thi Hoa hậu mà Thư Dung đăng quang
- Mẹ đơn thân livestream bán hàng bị miệt thị 'nhà không có gương soi', MC Phan Anh đáp trả cực sâu cay
Với tư cách là đại sứ của chiến dịch bảo vệ tê giác, MC Phan Anh đã nhiều lần có những hoạt động, lời kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ động vật hoang dã, cụ thể là tê giác và voi trước nguy cơ tuyệt chủng.
Mới đây, nam MC lại tiếp tục kêu gọi các Phật tử cùng mọi người không sử dụng sừng tê giác, ngà voi nhân dịp tham dự Pháp hội Đại Bi Quan Âm 2019 diễn ra tại Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc).
Anh đăng bức ảnh đang chắp tay bên cạnh bức tượng tê giác bị cắt sừng và voi bị cưa ngà được đặt trong khuôn viên Đại Bảo tháp Tây Thiên cùng lời kêu gọi: "Mỗi Phật tử không sử dụng sừng tê giác, không dùng đồ trang trí, trang sức từ ngà voi, không ăn thịt tê tê, hạn chế xâm hại các động vật hoang dã..., đó chính là cứu độ chúng sinh, không tạo ra nỗi thống khổ cho muôn loài!".
MC Phan Anh cũng đề cập đến thực trạng sử dụng ngà voi và sừng tê giác tại Việt Nam. "Mình rất ủng hộ ý tưởng này của #WildAid và #Change trong việc kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ động vật hoang dã. Việt Nam, một quốc gia mà Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn, người người đi chùa, đặt niềm tin nơi cửa Tam bảo nhưng lại cũng là một trong hai nước tiêu thụ sừng tê giác, ngà voi... lớn nhất thế giới, khiến cho các con vật này rơi vào nạn thảm sát. Thật đau lòng khi nhiều quán đặc sản động vật hoang dã lại mọc lên bên cạnh chùa chiền phục vụ khách thập phương", MC Phan Anh chia sẻ.
Được biết, 3 bức tượng tê giác bị cắt sừng, tê tê bị lột vảy, voi bị cưa ngà đã được chuyển từ Tu viện Khánh An, TP.HCM đến Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên trong dịp Pháp hội lần này, nhằm kêu gọi mọi người bảo tồn các loài động vật hoang dã.
Các bức tượng trong tư thế quỳ gối đặt trước Bảo tháp mang ý nghĩa sâu sắc - mong được Đức Phật bảo hộ, che chở. Hình ảnh này đã truyền đi thông điệp của dự án “Đánh thức tình yêu thương” đến mọi người, đặc biệt là tác động đến những người săn bắn, mua bán hoặc tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã.
Pháp hội cũng truyền đi thông điệp thân thiện với môi trường tự nhiên khi Đức Gyalwang Drukpa đã chia lộc Phật là 7.000 phần bánh gato cho các Phật tử trên những chiếc lá mít thay cho hàng nghìn thìa, đĩa nhựa. Một sư ni cho biết: “Để gom được hàng ngàn chiếc lá mít, các Phật tử đã tỏa đi đến nhiều nhà dân xin lá và cẩn thận rửa sạch, đảm bảo vệ sinh khi sử dụng”.
Trong bài giảng, Đức Gyalwang Drukpa chia sẻ: “Hòa bình có nghĩa là con người sống với nhau một cách thân thiện, cởi mở, đoàn kết trong tình tương thân tương ái, hiểu biết lẫn nhau và thân thiện với chính môi trường tự nhiên”. Vì vậy, pháp hội lần này rất chú ý việc sử dụng các vật dụng làm bằng chất liệu thân thiện với môi trường. Không chỉ dùng lá mít thay đĩa nhựa đựng bánh sinh nhật lộc Phật, mà các suất cơm được đựng trong âu nhựa để sử dụng được nhiều lần thay cho những hộp xốp sử dụng 1 lần.