Đạo diễn Lê Hoàng lại một lần nữa gắn liền với những phát ngôn "chấn động" mạng xã hội.
- Việt Anh nghẹn ngào tri ân cố NSND Hoàng Dũng: 'Con nhớ bố, nhớ người truyền lửa!'
- Vợ cũ Bằng Kiều lần đầu tiết lộ ảnh hiếm của con gái Phi Nhung lúc mang bầu
Trong chương trình truyền hình có sự góp mặt của đạo diễn Lê Hoàng và khách mời Thanh Thuỷ, họ cùng bàn luận về chủ đề "Đàn ông nghĩ gì khi thấy phụ nữ khóc". Tại đây, cả hai đều có luồng ý kiến trái chiều nhau.
Đối với đạo diễn Lê Hoàng, anh cho rằng phụ nữ có rất nhiều lý do để khóc, nhưng nếu họ cố tình rơi nước mắt để chồng hoặc người yêu thấy thì đó là vũ khí đấu tranh. Anh chia sẻ: "Đứng trước một người phụ nữ đang khóc thì chúng ta thương cảm trước rồi mới hỏi lý lẽ sau. Đôi khi người ta sai đấy, nhưng vì họ đang khóc nên mình lại tha thứ".
Theo quan điểm của nam đạo diễn, nước mắt của phụ nữ là một vũ khí lợi hại nhưng nếu họ quá lạm dụng để giải quyết vấn đề sẽ làm cho cảm xúc của người đàn ông chai sạn, không còn thương cảm như trước. Lê Hoàng đưa ra kết luận: "Phương pháp đấu tranh bằng nước mắt là phương pháp dễ áp dụng nhất nhưng nó là con dao hai lưỡi và không phù hợp với cuộc sống hiện đại".
Song, nghệ sĩ Thanh Thuỷ lại không đồng tình với quan điểm của đàn anh. Cô lên tiếng: "Mình tưởng rằng khi nước mắt đổ ra thì đó là sự đổ vỡ nhưng không phải, đôi khi nước mắt sẽ hàn gắn được nỗi đau". Nữ diễn viên cho rằng giọt nước mắt của người phụ nữ là một loại vũ khí rất nguy hiểm bởi vì người đàn ông có cứng cỏi cỡ nào, dữ dội hay sắt đá cỡ nào thì họ cũng phải yếu mềm trước giọt nước mắt của người phụ nữ.
Bên cạnh đó, cô cũng nêu lên quan điểm là nước mắt rất cần thiết trong cuộc sống vì nó là cảm xúc thật. Song, cô nghĩ nếu lạm dụng nước mắt và biến nó thành một vũ khí tiêu cực thì không nên.
Vẫn giữ quan điểm của mình, Lê Hoàng phản bác rằng với cuộc sống hiện đại thì dù phụ nữ hay đàn ông thì vẫn nên “tiết kiệm” nước mắt. Nam đạo diễn nói thêm: "Cuộc sống gia đình mà có quá nhiều nước mắt thì đúng hay sai vẫn quá khủng khiếp. Và phụ nữ càng có học thức thì họ càng ít khóc vì họ nghĩ mọi việc sẽ phải giải quyết bằng lý lẽ chứ không phải giải quyết bằng việc cầu xin sự thương cảm".