"Vì bà thương con gái của bà nên bà cũng thương tôi. Bà thương tôi nên tôi mới có ngày hôm nay. Bà coi tôi như con chứ không phải rể", nghệ sĩ Huỳnh Kiến An chia sẻ.
- Diễn viên Huỳnh Kiến An phân trần: ‘Tôi chưa bao giờ nói Hoài Linh vô tội'
- Vụ bà Nguyễn Phương Hằng, 'trùm giang hồ' Huỳnh Kiến An chỉ ra bất thường: Bà Hằng chỉ 'chiến' với các nghệ sĩ TP.HCM, nghệ sĩ miền Bắc và hải ngoại bất ngờ được 'tha bổng'
Nghệ sĩ Huỳnh Kiến An là diễn viên có thể đóng nhiều loại vai từ chính diện đến phản diện. Vài năm gần đây, Huỳnh Kiến An liên tục xuất hiện trong các dự án điện ảnh chiếu rạp và gây chú ý cho khán giả dù là những vai rất nhỏ.
Song, trái ngược hoàn toàn với các vai ác trên màn ảnh, Huỳnh Kiến An ngoài đời là một người cực gần gũi, vui vẻ, niềm nở và dễ gần. Điều này không chỉ là cách ứng xử của anh với truyền thông, đồng nghiệp, bạn bè mà còn với tất cả những người anh gặp "trên đường đời".
Đặc biệt nhất, Huỳnh Kiến An được nhiều người nể phục, ngưỡng mộ khi có cách ứng xử rất hiếu thảo với mẹ vợ. Anh cũng hết mực yêu thương vợ con, gia đình. Trong cuộc gặp mới đây, nghệ sĩ Huỳnh Kiến An đã dành cho chúng tôi những chia sẻ chân tình về cả nghề và đời.
"Sống khỏe" dù chỉ đóng phim điện ảnh
Không một diễn viên nào không nhận, họ mê nghề và nghiêm túc với nghề. Anh cũng từng có chia sẻ tương tự. Vậy anh thể hiện điều này như thế nào trong công việc?
Bằng sự chuẩn bị của mình mỗi khi tôi nhận một vai diễn, một dự án. Không phải mình đến phim trường rồi mới chuẩn bị cho vai diễn đó mà phải có sự chuẩn bị từ nhà. Trước hết là phải thuộc thoại và biết mình sẽ làm việc với những ai để công việc diễn ra thuận lợi và tốt nhất có thể.
Chính cách lao động của mình sẽ nói lên hiệu quả công việc. Chẳng hạn, tôi không bao giờ đi muộn. Tôi luôn đến sớm từ 5 đến 10 phút so với yêu cầu của đoàn phim.
Theo tôi biết, trên hiện trường các đoàn làm phim hiện nay đều có người nhắc thoại. Diễn viên gần như chỉ việc "nhép theo"?
Đó chính là lý do mấy năm nay, tôi không tham gia phim truyền hình mà chỉ đóng phim điện ảnh. Ngoài ra, đóng phim điện ảnh, thù lao cũng cao hơn. Cát-xê phim truyền hình hiện nay, chẳng những không tăng mà còn giảm, thấp hơn 10 năm trước.
Tuy nhiên, những anh em diễn viên buộc phải làm vì không làm thì cũng không biết làm gì. Không phải ai cũng có năng khiếu bán hàng online. Tôi là một ví dụ. Bảo tôi livestream bán hàng online là tôi chịu. Nhiều diễn viên khác cũng thế. Điều đó buộc diễn viên phải làm dù lương thấp vì họ chỉ còn con đường đó.
Chung quy cũng vì kinh phí thấp. Tất cả đều bị áp lực về tiến độ. Phim kết thúc sớm thì tiết kiệm được tiền. Vì kinh phí ít nên đạo diễn "lùa" cho nhanh. Thậm chí, mình cảm thấy diễn chưa tốt, xin diễn lại nhưng đạo diễn cũng bảo được rồi.
Hơn nữa, phim truyền hình có làm dở vẫn được chiếu vì không bán vé. Cứ giờ đó là chiếu, ai coi thì coi, ai không coi thì thôi.
Việc anh chỉ đóng phim điện ảnh có bị hạn chế công việc cũng như thu nhập không?
Không. Dù chỉ đóng phim điện ảnh nhưng tôi vẫn đủ sống. Dù vai tôi không lớn nhưng thù lao phim điện ảnh gấp 10 lần, thậm chí hơn 10 lần so với phim truyền hình. Chưa kể, với phim điện ảnh, mình có thời gian để thăng hoa làm nghề. Còn phim truyền hình, muốn làm tốt cũng không có thời gian.
Không thuộc thoại thì có người nhắc, diễn viên không cần phải học. Diễn viên đọc thoại như một con vẹt nên tâm lý bị hời hợt. Phim điện ảnh thường có độ dài từ 90 đến 120 phút, thời gian quay không quá lâu. Phim truyền hình thường 30, 40 tập, thời gian làm việc quá dài và rất cực.
Như tôi nói, tất cả đều vì tiền. Ngày xưa quay 3 ngày 1 tập phim. Sau này, 1 ngày quay một tập rưỡi. Đạo diễn giỏi mà làm chậm thì lần sau nhà sản xuất cũng không mời. Đạo diễn phải đáp ứng được tiến độ thì nhà sản xuất mới mời tiếp vì khi đó, họ làm lợi cho công ty.
Các vai diễn của anh thường chỉ là vai phụ, thậm chí là vai khách mời, rất ít phân đoạn. Nhiều người họ sẽ không nhận. Vậy lý do gì khiến anh nhận những vai đó?
Tôi quan niệm, đóng vai khách mời là ủng hộ đạo diễn. Vai khách mời chỉ có chút tẹo nhưng người ta đã mời, sao mình từ chối được.
Đúng như bạn nói, nhiều người không đóng vai khách mời vì sợ mất giá nhưng tôi không ngại điều đó. Tôi rất vui vẻ. Thậm chí, năm nào tôi cũng đi đóng phim miễn phí cho sinh viên làm phim tốt nghiệp.
Các cháu là sinh viên, không có tiền, làm gì mướn được khách sạn. Tôi đi theo, ăn bờ ngủ bụi với các cháu. Tôi chỉ có một yêu cầu duy nhất là kịch bản ok hợp vai mình. Bởi tôi quan niệm, mình làm việc đó là để trả ơn Tổ nghiệp.
"Má vợ rất tự hào về tôi"
Anh được khán giả nhớ tới nhiều nhất là dạng phản diện, ông trùm, già dê. Vậy khi ra ngoài, anh có gặp tình huống nào đặc biệt với khán giả vì đóng dạng vai này không?
Vai phản diện là dạng vai thế mạnh của tôi. Tôi đã chứng kiến nhiều đồng nghiệp vì đóng vai phản diện mà bị khán giả chửi nhưng tôi đặc biệt không rơi vào tình huống như vậy.
Tôi đóng được nhiều loại vai từ chính diện đến phản diện. Khi tôi ra đường, khán giả không kêu tên nhân vật phản diện mà tôi đóng dù tôi đóng vai đểu rất xuất sắc. Họ thường nhớ và gọi tôi là "Bảy rắn", một nhân vật thiện lành tôi từng thủ diễn, dù vai đó khá lâu rồi.
Hơn nữa, tôi tâm niệm, bất cứ khi nào gặp khán giả, tôi cũng cởi mở, vui vẻ, gần gũi. Khi gặp tôi, họ giống như gặp lại một người quen cũ. Bản thân tôi cũng vui vẻ, tay bắt mặt mừng, cùng chụp hình. Chụp hình với khán giả là niềm vui của tôi.
Tôi hay dẫn má vợ đi chơi. Má tôi ngạc nhiên vì thấy con rể được nhiều người biết. Lâu lâu má dặn: "đó là phước đức, không phải ai cũng có. Con đừng có kiêu căng mà phải biết trân trọng".
Má rất tự hào về tôi. Trong 3 người con rể, má khoái người con rể này nhất vì tôi tình cảm, hay về thăm má, hay dắt má đi chơi. Đi đâu, tôi cũng luôn luôn là người dìu má.
Đợt vừa rồi, tôi về Nha Trang và dẫn má đi coi phim "Đêm tối rực rỡ". Xem phim, má nói "con rể đóng ác quá trời, hung dữ quá".
Kết thúc phim, đèn bật sáng, khán giả phát hiện ra tôi. Rất nhanh, cả khán phòng quay qua vỗ tay. Tôi biết, họ không vỗ tay vì tôi mà vì xúc động với bộ phim. Phim đã chạm tới trái tim của họ. Tôi đóng vai dữ quá mà, họ phải ghét chứ! Sau đó, mọi người vây quanh, chụp ảnh với tôi.
Tôi bị cảm động. Má xúc động và rất tự hào vì thấy con rể được mọi người quý mến. Còn tôi, tôi rất hạnh phúc khi làm cho má vui.
Tôi biết anh đã từ chối vài dự án phim chỉ vì muốn dành nhiều thời gian về với mẹ vợ tại Nha Trang. Hiếm có một người con rể nào hiếu thảo như anh. Xã hội có không ít người con rể cấm vợ về nhà ngoại, cấm vợ biếu tiền cho bố mẹ đẻ. Anh có suy nghĩ gì không?
Cuộc sống mà, đôi khi việc này với mình là bình thường nhưng lại là việc khó với người khác. Tôi thấy những gì mình làm với má vợ đều bình thường.
Mình cũng sinh con, nuôi con, mình hiểu công sức của cha mẹ thế nào. Vì bà thương con gái của bà nên bà cũng thương tôi. Bà thương tôi nên tôi mới có ngày hôm nay. Bà coi tôi như con chứ không phải rể. Bà hy sinh cho tôi nhiều lắm.
Tôi cảm thấy mình hạnh phúc khi làm những điều đó. Đó là phước phần của tôi. Tôi còn có má để được về thăm, để được đưa đi chơi. Bây giờ bà gần 90 tuổi rồi, biết được mấy năm nữa. Tới lúc bà mất, mình muốn làm cũng không được nên giờ phải tranh thủ.
Đặc biệt khi trải qua dịch bệnh, chứng kiến cuộc sống vô thường quá, sống nay chết mai, suy nghĩ về ở với bà của tôi mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cho nên cứ rảnh là vợ chồng tôi "dọt" về Nha Trang. Vợ chồng tôi về để bà vui.
Ở Nha Trang, bà ở với chị vợ tôi. Chị không lấy chồng. Nhà chỉ có hai người phụ nữ, một người 60 tuổi, một người 90 tuổi. Trong nhà có một người đàn ông thì cũng đỡ lo. Quan trọng, bà thấy mình là bà vui.
Tôi thích dẫn bà đi ăn, đi uống cà phê. Thỉnh thoảng con cháu biếu bà tiền, bà để dành, không tiêu. Mỗi lần tôi về, quý rể nên cứ đòi bao rể ăn. Từ trước đến nay, bà chưa bao giờ đòi hỏi cái gì. Còn tôi, bà vui là mình vui rồi. Thời gian này, tôi ở Sài Gòn hơi lâu vì đi phim liên tục. Tôi biết bà nhớ nhưng không kêu vì hiểu tôi đi làm.
Tôi nghĩ, vợ anh rất may mắn khi có chồng hiếu thảo với mẹ như vậy?
Không, ngược lại, tôi thấy mình may mắn được lọt vào cái gia đình không chê bai mình. Tôi đến với bà xã khi tôi tay trắng, không có gì, cù bơ cù bất, lại làm nghề nhạy cảm, không có tương lai nhưng má vẫn chấp nhận tôi và cho con gái bà đi theo tôi.
Khi tôi sinh con đầu lòng, bà cũng vào chăm, nuôi cháu cả năm trời, không lấy một đồng xu nào, không đòi hỏi một cái gì. Chỉ sợ mình không có điều kiện thôi. Có điều kiện, tôi có thể làm hơn nữa cho bà.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!