Hoàng Phúc Dzĩ - nghệ sĩ kịch câm hàng đầu Việt Nam qua đời

Hậu trường 13/12/2023 09:31

Lễ viếng và lễ truy điệu nghệ sĩ Hoàng Phúc Dzĩ được tổ chức bắt đầu từ 7h30 ngày 15/12 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Hữu Nghị.

Chia sẻ với báo Dân trí, NSƯT Sĩ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ cho biết, nghệ sĩ kịch câm hàng đầu Việt Nam Hoàng Phúc Dzĩ vừa qua đời ở tuổi 79. Lễ viếng và lễ truy điệu nghệ sĩ Hoàng Phúc Dzĩ được tổ chức bắt đầu từ 7h30 ngày 15/12 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Hữu Nghị.

Nghệ sĩ kịch câm Hoàng Tùng chia sẻ, từ nhỏ, anh đã rất thích được xem nghệ sĩ Hoàng Phúc Dzĩ biểu diễn ở Nhà hát Tuổi Trẻ. Sau này, khi về làm việc ở nhà hát, anh may mắn được nghệ sĩ Hoàng Phúc Dzĩ dạy kịch câm. Khi theo chuyên sâu về bộ môn này, anh được nghệ sĩ Hoàng Phúc Dzĩ theo dõi, hỗ trợ nhiều về kiến thức, kỹ năng... Anh thường gọi nam nghệ sĩ là "bác".

"Tôi thấy bác rất vui khi có thế hệ nối tiếp nghề. Bác có video biểu diễn ở đâu đều gửi cho tôi xem. Mỗi lần gặp bác, tôi đều tranh thủ hỏi về kịch câm Việt Nam thời kỳ bác làm. Bác chính là "nhân chứng sống" cho kịch câm ở Việt Nam. Lần gặp gần đây nhất, tôi cũng nửa đùa nửa thật bảo "bác có tài liệu nào bác chuyển giao cho cháu nốt" và bác đã chuyển cho tôi vài quyển sách...", nghệ sĩ Hoàng Tùng chia sẻ.

Hoàng Phúc Dzĩ - nghệ sĩ kịch câm hàng đầu Việt Nam qua đời - Ảnh 1
Ông Phúc Dzĩ và tiếp theo là các nghệ sĩ như Kế Đoàn, Đặng Dũng, Bích Ngọc… được xem là những người có công gây dựng nên kịch câm và là những nghệ sĩ biểu diễn kịch câm xuất sắc của Việt Nam

Hoàng Tùng nói thêm, ngoài đời nghệ sĩ Hoàng Phúc Dzĩ là người hiền lành, ít nói. Đặc biệt khi dạy học trò, Hoàng Phúc Dzĩ luôn nhẹ nhàng uốn nắn chứ không "đao to búa lớn" nên học trò rất quý ông.

Nghệ sĩ Hoàng Phúc Dzĩ (tức Hoàng Phúc Dỹ) sinh năm 1944, được xem là một trong những nghệ sĩ đầu tiên có công gây dựng nên kịch câm ở Việt Nam. Theo thông tin từ Nhà hát Tuổi Trẻ, nghệ sĩ Hoàng Phúc Dzĩ từng được đi học Đại học Văn hóa tại Liên Xô năm 1978.

Ông Phúc Dzĩ và tiếp theo là các nghệ sĩ như Kế Đoàn, Đặng Dũng, Bích Ngọc… được xem là những người có công gây dựng nên kịch câm và là những nghệ sĩ biểu diễn kịch câm xuất sắc của Việt Nam.

Chia sẻ với báo Tuổi trẻ, đạo diễn Giang Mạnh Hà - phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết, trong những năm 1980, ông Phúc Dzĩ đã được cử đi đào tạo ở Pháp về bộ môn kịch câm. Khi đó, kịch câm rất được yêu thích ở châu Âu, châu Mỹ.

"Tốt nghiệp về nước, anh chính là một trong những người đầu tiên gây dựng, tạo ra loại hình mới như một cơn sốt ở Việt Nam, đó là kịch câm. Nhiều bạn trẻ yêu thích và đua nhau đi học vì thú vị và là bộ môn hình thể dẻo dai" - ông Giang Mạnh Hà nhấn mạnh.

Hoàng Phúc Dzĩ - nghệ sĩ kịch câm hàng đầu Việt Nam qua đời - Ảnh 2
Ngoài đời nghệ sĩ Hoàng Phúc Dzĩ là người hiền lành, ít nói. Đặc biệt khi dạy học trò, Hoàng Phúc Dzĩ luôn nhẹ nhàng uốn nắn chứ không "đao to búa lớn" nên học trò rất quý ông.

Đạo diễn Sĩ Tiến chia sẻ ông Phúc Dzĩ là người có năng khiếu và cực kỳ đam mê bộ môn kịch câm. Nam đạo diễn bày tỏ sự kính trọng với tiền bối: "Xem chú diễn cực kỳ thú vị và độc đáo. Chú không chỉ biểu diễn mà còn là một người thầy tận tụy đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ kịch câm ở Nhà hát Tuổi Trẻ. Chú đã miệt mài cống hiến và công tác ở nhà hát chúng tôi đến tận ngày về hưu".

Tuy nhiên, rất tiếc đến hiện tại kịch câm gần như biến mất ở Việt Nam. Những nghệ sĩ yêu kịch câm chỉ ráng nắm níu và thỉnh thoảng có vài ba suất diễn để đỡ nhớ nghề. Ông Giang Mạnh Hà cho biết, sau này nghệ sĩ Hoàng Phúc Dzĩ còn làm biên đạo múa cho một số vở kịch, cải lương, chèo…

Đạo diễn Sĩ Tiến nói thời gian qua nghệ sĩ Phúc Dzĩ lâm bệnh nặng. Hôm qua các nghệ sĩ nhà hát còn đến thăm ông trong bệnh viện mà không ngờ hôm nay ông đã ra đi…

'Kép lẳng' Hương Huyền - cha của nghệ sĩ Thanh Hằng qua đời tại Mỹ, ước mơ lớn nhất của ông được về Việt Nam biểu diễn

Nghệ sĩ Hương Huyền bền bỉ yêu nghề và luôn dốc sức chăm lo cho thế hệ nghệ sĩ hậu bối, gìn giữ và bảo tồn sân khấu cải lương

TIN MỚI NHẤT