Quan điểm của các luật sư liên quan về việc nữ ca sỹ Thủy Tiên đã vận động ủng hộ miền Trung lũ lụt và đã nhận được hơn 100 tỷ từ người dân cả nước.
- Thủy Tiên sẽ không giao lại tiền quyên góp cho 1 tổ chức nào vì lời hứa với cộng đồng
- Thức trắng đêm cứu trợ người dân miền Trung, Hòa Minzy kiệt sức ngủ thiếp tại sân bay
Như Gia Đình Mới đưa tin, trước những thiệt hại nặng nề của người dân một số tỉnh miền Trung do bị mưa lũ lớn những ngày qua, nữ ca sỹ Thủy Tiên chỉ trong 1 tuần đã vận động được hơn 100 tỷ đồng, đích thân cô cũng vào tới một số tỉnh miền Trung, tới từng nhà dân để trao quà cho các hộ gia đình khó khăn, bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Tuy nhiên, bên cạnh sự ngưỡng mộ đối với việc làm thiện nguyện của nữ ca sỹ, không ít ý kiến cho rằng, Thủy Tiên đã vi phạm Nghị định 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Ca sỹ Thủy Tiên không phạm luật
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính pháp - Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, hiện nay, hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp trợ giúp xã hội được quy định bởi Nghị định số 64/2018/NĐ-CP, và Thông tư số 72/2008/NĐ-CP ngày 31/7/2008 của Bộ tài chính.
Theo đó, các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ gồm UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban MTTQ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.
Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25/9/2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho phép; Các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép. Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.
Với cá nhân, nếu là cá nhân muốn nhận tiền, hàng cứu trợ một cách hợp pháp cần thành lập quỹ từ thiện. Đây là quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích chính nhằm hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và các đối tượng khác thuộc diện khó khăn cần sự trợ giúp của xã hội, không vì mục đích lợi nhuận.
Những quy định nêu trên nhằm ngăn chặn một số cá nhân, tổ chức lợi dụng danh nghĩa từ thiện để tư lợi cho mình. Thực tế cho thấy, không ít những trường hợp cá nhân, tổ chức mượn danh nghĩa từ thiện, huy động người khác góp tiền để từ thiện một cách tự phát nhưng không thực hiện hoạt động từ thiện theo đúng cam kết biển thủ, ăn bớt dẫn đến ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, làm giảm đi lòng tin của người hảo tâm gây ra những nghi ngờ, hoài nghi trong hoạt động từ thiện.
Thậm chí, có thể xảy ra những trường hợp cán bộ, tổ chức được giao phân công nhiệm vụ thực hiện hoạt động từ thiện nhưng không làm hết chức trách nhiệm vụ và vi phạm trong việc quản lý, sử dụng tiền, tài sản từ thiện. Bởi vậy nghị định trên và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có những quy định nhằm khắc phục những hiện tượng này.
Tuy nhiên, những văn bản pháp luật nêu trên ban hành đến nay đã hơn 10 năm, điều kiện kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi, vấn đề đạo đức xã hội cũng có những chuyển biến trên cơ sở sự phát triển của kinh tế, xã hội. Bởi vậy, cần phải có những sửa đổi bổ sung cho phù hợp để những quy định pháp luật trên không trở thành rào cản cho các tổ chức, cá nhân khởi tâm, động lòng giúp đỡ người khác.
Thực tế có những trường hợp người dân vì yêu mến thần tượng của mình, tin tưởng vào những ca sỹ, nghệ sĩ, người nổi tiếng mà sẵn sàng quyên góp tiền, tài sản hoặc chuyển giao tiền tài sản cho họ thực hiện hoạt động từ thiện. Thậm chí, việc kêu gọi của họ có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng rãi hơn nhiều tổ chức, cơ quan nhà nước. Những ca sỹ, nghệ sĩ, những người có danh tiếng cũng không vì số tài sản đó mà làm mất đi uy tín, thanh danh của mình.
Nhiều ca sĩ như Thủy Tiên, Mỹ Tâm, MC Phan Anh... đã tự bỏ tiền ra để cứu trợ và đứng ra kêu gọi quyên góp với mục đích cứu trợ, từ thiện trên danh nghĩa của mình chứ không giả mạo, mượn danh nghĩa của cơ quan, tổ chức khác. Tài sản họ tiếp nhận, sau đó được phân phối đúng mục đích thì hành vi này của họ là không vi phạm pháp luật.
Quan điểm của cá nhân tôi, đối với hoạt động từ thiện, kêu gọi từ thiện tự phát của cá nhân, tổ chức thì không cần quy định cấm đoán, cản trở, hạn chế mà cho phép hoạt động theo các quy định của bộ luật dân sự, phù hợp với đạo đức xã hội.
Trong trường hợp ai đó lợi dụng hoạt động này để trục lợi, lừa đảo thì đã có những chế tài hành chính hoặc hình sự để xử lý, trong đó không loại trừ trường hợp có thể áp dụng các quy định như tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điều 175 và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 bộ luật hình sự năm 2015.
Những quy định về việc tổ chức, hoạt động của quỹ từ thiện theo các văn bản pháp luật trên đều phải căn cứ Bộ luật Dân sự và phải phù hợp với đạo đức xã hội, giải quyết được vấn đề cấp bách trong xã hội.
Cần sửa đổi Nghị định cho phù hợp
Thực tế hiện nay Bộ luật dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác không có quy định nào cấm hoạt động cứu trợ tự phát của công dân hay truy cứu trách nhiệm với cá nhân, tổ chức vận động quyên góp làm từ thiện, giúp đỡ người khác.
Vì việc cứu trợ nhân dân khi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn… không chỉ là việc của nhà nước hay tổ chức, đoàn thể nào mà cần huy động mọi nguồn lực trong dân, khuyến khích mỗi cá nhân phát huy tinh thần tương thân tương ái.
Bởi vậy, Chính phủ nên có những dự thảo sửa đổi bổ sung văn bản pháp luật này hoặc có những văn bản dạng thông tư, quyết định, chỉ thị để bổ sung làm rõ những trường hợp hoạt động từ thiện như Thủy Tiên để tránh gây tranh cãi trong dư luận xã hội, đồng thời phát huy được những giá trị nhân văn, khơi gợi được tình yêu thương, đạo đức xã hội và huy động được các nguồn lực trong xã hội để ủng hộ đồng bào đang gặp khó khăn, thiên tai.
Thông tin về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cũng cho rằng, Nghị định 64 ra đời đã hơn 10 năm, hiện Chính phủ phải đánh giá lại thời gian thực hiện Nghị định 64 xem tác động của nó đến xã hội như thế nào, mặt được, mặt chưa được, thậm chí phải xem xét lại tính tương thích, phù hợp của nó đối với thực tiễn cuộc sống.
"Nói về mặt pháp lý thì hành vi tặng cho, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn so với hành vi huy động tài chính, huy động nguồn lực có những điểm khó phân biệt. Cho nên, để rạch ròi hành vi này trong bối cảnh cụ thể thì phải phân tích những tình huống cụ thể. Trên thực tế thì nhiều năm qua, vẫn có nhiều cá nhân đứng ra quyên góp vật chất và cả tinh thần để động viên, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Hành động này của các cá nhân luôn nhận được sự đồng tình của xã hội. Điều đó chứng tỏ văn bản pháp lý ở cấp độ Nghị định đã không còn phù hợp với bối cảnh tình hình hiện tại".
Thủy Tiên phải chịu trách nhiệm với các khoản nhận - giao
Luật sư Trần Thị Ánh, Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương, trong thực tế việc các cá nhân, tổ chức chuyển tiền/hàng cứu trợ thông qua người của công chúng, cụ thể là ca sỹ Thủy Tiên và ca sỹ này đã thay mặt họ chuyển số tiền/hàng tới bà con miền Trung là một hình thức ủy thác, thay họ thực hiện hoạt động từ thiện.
Nếu ca sỹ Thủy Tiên không thực hiện đúng sự ủy thác của người “nhờ chuyển” thì có chế tài khác do pháp luật quy định.
Bởi lẽ tại điều 3 Nghị định 64/2008/NĐ-CP có quy định các hành vi bị nghiêm cấm như sau: “Cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo; Báo cáo sai sự thật, gian lận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng do các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước ủng hộ, đóng góp; Lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi”. Hiện nay không có văn bản pháp luật nào cấm cá nhân nhận sự ủy thác chuyển tiền (trừ trường hợp tiền không rõ nguồn gốc, hoặc hoạt động phi pháp).
Tóm lại đây là một quan hệ dân sự. Ca sỹ Thủy Tiên tự chịu trách nhiệm với các khoản giao - nhận, và công khai tài chính nếu những người ủy thác có yêu cầu.
“Bản thân tôi ủng hộ những hoạt động thiện nguyện chân chính, lên án những hành vi lợi dụng danh nghĩa từ thiện để mưu cầu lợi ích cá nhân. Bởi lẽ tục ngữ có câu: Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Vì vậy rất mong ngày càng có nhiều tấm lòng nhân ái “Lá lành đùm lá rách” cứu giúp bà con miền Trung qua cơn hoạn nạn”, luật sư Trần Thị Ánh, nói.