Thương cha mẹ phải vất vả chăm sóc mình suốt 17 năm trời, Lương Văn Cường nhiều lần không chịu đi viện dù bệnh tật giày vò. Giờ đây khi máu liên tục chảy trong ổ bụng đứa con trai tội nghiệp, người mẹ cố vẫy vùng trong tuyệt vọng tìm cách lo viện phí.
- Chàng trai để bàn tay 'du lịch' trên người bạn gái trong rạp chiếu phim tối om, thái độ của cô gái mới gây chú ý nhất
- Cô dâu chú rể hôn đắm đuối trên sân khấu, quan khách há hốc mồm vì bàn tay của chú rể đặt ở chỗ khó hiểu
Đồng hồ điểm 12h trưa, bà Châu Ngọc Mai (67 tuổi) vội vã ra hành lang khoa Huyết học, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) nhận suất ăn từ thiện. Phần cơm là vỏn vẹn ít rau, mấy lát thịt kho và một chén canh nhỏ nhưng có ý nghĩa rất nhiều khi cháu bà, em Lương Văn Cường (17 tuổi, ngụ TP.HCM) đang cầm cự chiến đấu với bệnh tật từng ngày.
Hơn 15 năm trời bị căn bệnh ác nghiệt hành hạ
Bác sĩ Thái Minh Trung, khoa Huyết học, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết bệnh nhân Lương Văn Cường mắc căn bệnh hemophilia (máu khó đông). Đây là bệnh có yếu tố di truyền, trong gia đình đã có ông ngoại, cậu và anh họ bệnh nhân mắc phải.
Nguyên nhân do thiếu yếu tố VIII (yếu tố đông máu) trong cơ thể, khiến bệnh nhân rất dễ chảy máu.
Ở thể nhẹ, thông thường bệnh nhân chỉ chảy máu tại khớp tay, khớp chân, nếu mức độ không nhiều thì không cần can thiệp gì.
Nhưng khi bệnh nặng và chảy máu liên tục, bệnh nhân cần được truyền yếu tố VIII để bù đắp vào cơ thể.
Trong lần nhập viện này, Cường đột ngột đau bụng. Sau khi thăm khám và siêu âm, bác sĩ phát hiện tình trạng xuất huyết bên trong ổ bụng. Do ổ bụng là một khoang kín, không thể ước lượng có bao nhiêu máu chảy ra và bệnh nhân có tình trạng rối loạn đông máu nên rất nguy hiểm.
Những ngày qua khi vào viện, chàng trai 17 tuổi được chích yếu tố đông máu và điều trị tích cực nên vấn đề chảy máu có giảm.
Tuy nhiên Cường không có bảo hiểm y tế, mỗi ngày cần truyền tối thiểu 4 lọ thuốc yếu tố 8 với giá rất cao. Cha mẹ em đều nghèo nên phải đi làm mỗi ngày, chỉ còn bà ngoại lớn tuổi túc trực chăm sóc.
"Đây là bệnh lành tính nhưng mang yếu tố di truyền. Việc chảy máu không thể nói trước được, có thể bệnh nhân đi lại nhiều hoặc làm việc nặng, các khớp chịu trọng lực nhiều sẽ trở thành nơi xuất huyết.
Nếu không được truyền yếu tố VIII đủ và liên tục, bệnh nhân có thể chảy máu nặng hơn, xuất huyết nhiều chỗ hơn. Sau này nếu khỏe xuất viện, bệnh nhân cũng không được làm các việc nặng" – bác sĩ Trung nói trong khi liên tục căn dặn người nhà bệnh nhân hãy chú ý để bé không bị va đập vào thành giường.
Đút từng muỗng cơm với khứa cá kho nhỏ cho cháu ngoại, bà Mai lặng lẽ kể, ngày sinh ra Cường cũng lành lặn khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác.
Nhưng khi Cường được 17 tháng, em bất ngờ xuất huyết não nguy kịch.
Tại một BV nhi đồng khi nghe bác sĩ báo thông tin con trai đầu lòng mắc căn bệnh máu khó đông, cả gia đình ngậm ngùi. Kể từ đó, cơ thể Cường giống như một "quả bom máu" nổ chậm.
"Tháng nào cũng phải đưa cháu vào BV kiểm tra, phòng ngừa chảy máu bất ngờ. Đến năm 11-12 tuổi, các khớp chân của Cường lại chảy máu liên tục, phải nhập BV Nhi Đồng 1 điều trị.
Số tiền mấy trăm triệu đồng nhận vợ chồng con gái tôi nhận đền bù giải tỏa nhà cũng đã đóng hết cho BV để lo bệnh cho cháu. Lần nhập viện này là lần nặng thứ 3, nhưng con tôi hết tiền rồi" – bà Mai ngậm ngùi.
Chúng tôi cố trò chuyện với Cường, tuy nhiên thứ nhận được từ em đa phần là những cái lắc đầu. Cường quay đi, che đôi mắt đỏ hoe. Em chỉ tiết lộ, bệnh tật khiến mình phải nghỉ học lớp 1 sau mấy ngày đến trường, và ở nhà cho cha mẹ chăm sóc đến giờ.
Có tốn bao nhiêu tiền, mẹ cũng phải cứu con
12h20, chị Trần Thị Ngọc Châu (mẹ Cường) vội vã chạy vào viện. Đoạn, chị lấy khăn, lau thật sạch phần sau lưng Cường, vì sợ con trai ngứa ngáy khó chịu.
Chị Châu tiết lộ trước đây chị làm công việc chăm sóc trẻ mầm non. Nhưng bệnh của Cường ngày một nặng và thất thường, để chăm sóc con chị đã xin nghỉ việc. Hiện, thứ giúp chị có đồng ra đồng vào giúp Cường cầm cự là nghề tắm, massage trẻ "dạo".
"Cha Cường thì đi giao đồ ăn cho nhà hàng. Mỗi tháng ổng đưa cho tôi 5 triệu, gần hết tiền lương. Cường còn đứa em trai 7 tuổi nữa đang học lớp 2. Hồi đó sợ cũng mắc bệnh như anh, bác sĩ khuyên tôi nên ngừng sinh con.
Nhưng đã lỡ có thai rồi, là con mình thì mình không thể bỏ. May mắn là thằng bé khỏe mạnh bình thường" – chị Châu tâm sự.
Nhìn cái cách người mẹ chăm sóc con ân cần, chúng tôi bất giác hỏi, rằng nếu không đủ tiền đóng viện phí thì chị tính sao?
Nước mắt người mẹ bỗng tuôn rơi như chực chờ sẵn. Người phụ nữ tâm sự, rằng thấy mình cứ chạy tiền cực quá, nhiều lần Cường đến đợt kiểm tra, sức khỏe yếu nhưng Cường không chịu vào viện.
"Nó sợ tôi tốn tiền, lần này nặng quá mới chịu vào. Mấy ngày nay tôi luôn nói với Cường dù có tốn bao nhiêu tiền mẹ cũng phải cứu con. Con phải nghe lời mẹ chữa bệnh nghen Cường" – chị Châu đáp lời chúng tôi mà như nói với đứa con đang nằm bên cạnh.
Chào gia đình họ, chúng tôi bước ra khỏi khoa Huyết học, nghĩ về con số 260 triệu đồng/10 ngày điều trị mà phòng Công tác xã hội thống kê về trường hợp của Lương Văn Cường. Phải có tối thiểu số tiền ấy, cậu bé sợ vào viện vì thương mẹ cha vất vả mới còn cơ may sống sót trở về.
Độc giả muốn giúp đỡ hoàn cảnh bệnh nhân Lương Văn Cường vui lòng liên hệ phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy. Số ĐT: 028.38552486
Số tài khoản Bệnh viện Chợ Rẫy: 0071000077458, Ngân hàng Vietcombank, chi nhánh Sài Thành.
Ủng hộ ghi rõ: "Giúp đỡ cho hoàn cảnh bệnh nhân Lương Văn Cường, khoa Huyết học".
Hoặc liên hệ trực tiếp mẹ bệnh nhân (chị Châu) qua số điện thoại: 0933092066
Xin chân thành cảm ơn!
”