Trong căn nhà xập xệ, 3 đứa trẻ đã quen với cảnh thiếu trước hụt sau khi bữa cơm chiều chỉ có đĩa rau luộc và mấy con cá nhỏ. Từ lúc chào đời, tụi nhỏ đã không biết mặt bố là ai, lớn lên bên người mẹ khờ khạo, nói chuyện chẳng rành rọt như người ta.
- Phượng ‘Thị Nở’ khoe nhan sắc khác lạ sau 3 năm dao kéo trong đám cưới lần 2, quyết tâm giấu kín chú rể nhưng lại để lộ ‘bí mật’ này
- Estrogen là “gốc rễ” của sắc đẹp và sức khỏe sinh lý nữ: 6 thực phẩm giúp cân bằng nội tiết tố, lấy lại vẻ đẹp đôi mươi
Những đứa trẻ không cha bên người mẹ khờ
Nhiều năm nay, người dân ở xã An Trường A, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh đã không còn xa lạ hình ảnh người mẹ khờ, ăn nói khó khăn hằng ngày dẫn theo 3 đứa trẻ đi nhặt ve chai để kiếm tiền mua gạo về nấu cơm.
Căn nhà tình thương nằm sâu trong cánh đồng lúa là nơi sinh sống của 4 mẹ con chị Nga
Từ lúc cha của mấy đứa nhỏ bỏ đi, một mình chị Nga phải chạy vạy khắp nơi để lo cho các con có cơm ăn, áo mặc
Chị là Lý Thị Thu Nga (38 tuổi), bị bệnh cà lăm bẩm sinh, hiện đang sống cùng 3 đứa con trong căn nhà tình thương ở ấp Trung Thiên, xã An Trường A. Riêng đứa con trai đầu 16 tuổi đã bỏ lên Sài Gòn để kiếm sống, không liên lạc về nhà từ 1 năm nay.
Ngồi một góc trước hiên nhà, chị Nga cho biết vì bản thân bị tật bẩm sinh nên từ nhỏ không được đi học chữ, lớn lên theo gia đình đi làm thuê cuốc mướn để kiếm sống qua ngày. Vì chậm chạp, kém hiểu biết nên chị bị dụ dỗ và mang thai, 2 đứa trẻ lần lượt chào đời trong cảnh không biết mặt bố là ai.
Mắc phải chứng bệnh cà lăm bẩm sinh, chị Nga khó khăn trong việc tìm một công việc ổn định
Đau khổ, bế tắc bởi những lời dị nghị bởi hàng xóm xung quanh, ánh mắt xa lánh khi bản thân chị không chồng mà lại có con, nhiều lúc chị Nga đã nghĩ đến cái chết để giải thoát cho cuộc đời. Nhưng nhờ có sự động viên của gia đình, 2 đứa con khờ vẫn cần tình thương của mẹ, chị Nga cố gắng đi làm mướn để lo cho các con.
3 đứa trẻ hồn nhiên lớn lên bên mẹ, chẳng đứa nào nhớ rõ mặt cha là ai
Tưởng rằng hạnh phúc sẽ đến với chị khi gặp được người đàn ông tốt bụng, chấp nhận 3 mẹ con chị Nga để dọn về sống chung. Nhưng sau khi 2 đứa trẻ Trân (10 tuổi, bị hở hàm ếch), Linh (9 tuổi) chào đời cũng là lúc người đàn ông ra đi không lời từ biệt.
"Mấy người bảo chị khờ, chẳng ai chịu sống chung đâu, chị chỉ muốn có một gia đình thôi mà", chị Nga nghẹn lời.
"Ảnh bỏ đi được một thời gian, chị có dẫn mấy đứa nhỏ đi tìm nhưng ảnh không nhận. Chị còn biết làm gì nữa đâu, dắt con về thôi", giọng chị Nga nói lí nhí một cách khó khăn.
Trong số 3 đứa con, Trân (11 tuổi) bị hở hàm ếch bẩm sinh, em cũng không nó chuyện rành rọt, suốt ngày chỉ biết đi theo mẹ lượm ve chai về bán
Thương mấy đứa nhỏ không cha, bản thân lại không có đất, có vườn, chị Nga chỉ biết đi làm thuê cuốc mướn, lượm ve chai để bán kiếm tiền mua gạo, đồ ăn để nuôi các con.
"Con thích đi học lắm mà mẹ không có tiền"
Sống trong cảnh thiếu trước hụt sau nên dù đã 14 tuổi nhưng Anh Vũ cùng 2 đứa em Linh, Trân đều chưa một ngày được cắp sách đến trường.
Công việc vất vả, bấp bênh của mấy mẹ con chị Nga
Tụi nhỏ tự tìm niềm vui trong đống ve chai mà mỗi ngày chúng nhặt được
Mỗi ngày, 3 đứa trẻ phải thức dậy từ sớm để theo mẹ đi lang thang khắp nơi để lượm ve chai và vỏ dừa khô. Ngày nào may mắn lượm được nhiều chai nhựa, mấy mẹ con đổi được 100 ngàn, bữa cơm chiều cũng sẽ đủ đầy hơn.
"Lúc trước chị còn có công việc, làm mướn cho người ta nhiều tiền hơn, mấy tháng nay ai cũng thất nghiệp hết, nên mẹ con chỉ biết đi lượm ve chai. Bữa cũng tính bán vé số, mà không có tiền lấy vé, giờ chỉ mong đàn vịt con mau lớn để có thêm khoản tiền mà làm vốn", chị Nga cười nghẹn.
Đàn vịt nhỏ là hi vọng của chị Nga để có một số vốn đi nhận vé số về bán
Ngồi trong lòng mẹ, 3 đứa trẻ ngơ ngác nhìn nhau, dù đều đã 9, 10 tuổi nhưng đứa nào cũng ốm tong teo, suy dinh dưỡng nặng nề. Sau khi người anh đầu 16 tuổi bỏ đi, Vũ trở thành anh lớn, gánh vác mọi việc trong nhà khi tuổi chỉ mới 14.
Khác với Linh và Trân, Vũ từ lúc sinh ra đã không có cha, trong tâm thức của một đứa trẻ 14 tuổi, em từng ao ước một ngày nào đó sẽ được gặp lại cha của mình. Nép mình một góc trong căn nhà trống, Vũ tâm sự:
"Con không có cha, con cũng không biết cha của con là ai. Nhìn bạn bè có cha mẹ đầy đủ con ghen tỵ lắm", nói đoạn, Vũ hướng ánh mắt về phía mẹ, thỏ thẻ:
"Con cũng thích đi học lắm nhưng mẹ không có tiền, mỗi ngày con phải đi lượm ve chai, trái dừa khô để phụ mẹ nuôi em. Con biết được mỗi chữ O thôi à!".
Ngồi kế bên Vũ, Linh lấy ra chiếc cặp cũ khoe: "Cặp này là con lượm được lúc con đi nhặt ve chai với mẹ. Trong này có vở nữa, nhiều chữ lắm nhưng tụi con không biết đọc".
Mặc dù sống thiếu tình thương của cha, nhưng đứa trẻ nào cũng ngoan ngoãn, biết vâng lời mẹ. Nhìn 3 đứa con, chị Nga vui vẻ nói:
"Đứa nào cũng biết làm việc nhà hết. Hôm nào thấy chị mệt là đều vây quanh xoa bóp cho chị, tụi nhỏ sợ chị buồn. Chị chỉ mong ngày nào cũng có tiền mua gạo nấu cơm để con mình không phải chịu đói, chịu khổ nữa".
Sống kế bên nhà chị Nga, chú Lý Thành Dân (bố ruột chị Nga) cho biết vì hiện tại bản thân ông cũng đang nuôi một người con khờ (em ruột chị Nga) nên không thể nào đỡ đần được nhiều cho con gái và 3 đứa cháu ngoại.
Dù rất thương 3 đứa cháu ngoại nhưng chú Dân không thể làm gì hơn khi cuộc sống vẫn còn lắm khó khăn, vất vả...
"Mấy năm trước tui còn khỏe, đi làm mướn nhiều nên có tiền cũng cho con, cho cháu mua gạo, giờ ai cũng khổ nên chẳng biết giúp sao. Chỉ mong mấy đứa nhỏ được đi học, con Nga đã không biết chữ rồi, tụi nhỏ mù chữ nữa thì tương lai cũng giống mẹ nó thôi", chú Dân đau xót nói.
Trong căn nhà xập xệ, nhìn 3 đứa trẻ hồn nhiên, thường xuyên rơi vào cảnh thiếu ăn, đói mặt khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Mong rằng cuộc sống của gia đình chị Nga sẽ đỡ nhọc nhằn hơn nhờ vào sự yêu thương, giúp đỡ của tất cả mọi người
Hi vọng quý độc giả gần xa có thể quan tâm, giúp đỡ để tụi nhỏ có điều kiện sống tốt hơn, được cắp sách đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa.
Mọi sự đóng góp xin vui lòng liên hệ số điện thoại chị Nga: 0369570848.
Hoặc thông qua số tài khoản của chú Lý Thành Dân (bố chị Nga), ngân hàng Vietcombank: 1017666097, chi nhánh tỉnh Trà Vinh.
Xin chân thành cảm ơn!
”