Lấy sở trường của người này để ép sở đoản của người kia mãi mãi là một cuộc chơi không đẹp. Đó cũng là nguồn cơn làm nảy sinh những tranh cãi không hồi kết.
- Lâm Chi Khanh bức xúc vì chia sẻ của Thanh Lam về ca sĩ miền Nam
- Bị tố giật chồng, Vy Oanh tuyên bố đanh thép: 'Không vì một người vô danh tiểu tốt mà làm ảnh hưởng danh dự'
Bằng chứng đây nhé, khi trả lời báo chí, Thanh Lam đã chẳng nói rõ ràng: "Có một số bản Bolero tôi thấy rất hay, tôi cũng muốn hát. Nhưng nếu cho tôi hát theo phong cách của mình thì nó lại công phá quá, mang dấu ấn cá nhân quá, tôi sợ khán giả sẽ không thích nên không hát".
Thanh Lam nói sai ở chỗ nào nhỉ? Trong khi chị đã rất thẳng thắn nói rõ rằng phong cách mới lạ, công phá trong khi thể hiện các bài hát của chị thật sự không phù hợp với dòng nhạc Bolero. Cho dù chị đã nói, có nhiều bài thật sự hay và chị muốn hát. Nhưng chị đã tự từ chối điều ấy. Vì ai ư? Vì khán giả, chị sợ khán giả không thích! Điều đó cho thấy Thanh Lam là người biết rõ mình, rõ cả điều mình mong muốn và cũng rõ luôn tâm lý của người nghe. Điều cốt yếu đối với một người nghệ sĩ khi làm nghề là tôn trọng khán giả. Tôn trọng họ là sự tôn trọng chính mình. Nếu Thanh Lam không tôn trọng những khán giả nghe nhạc nói chung và khán giả yêu mến Bolero nói riêng thì chị đã cắm đầu cắm cổ hát cho bằng được một bản nhạc Bolero nào đó mà chị thích, bất chấp ai khen thì khen, ai chê thì chê. Lúc đó thì có phải là quá đáng không?
Nhiều người còn ngồi tưởng tượng ra cái kiểu Thanh Lam đang phá cách một bài Bolero nào đó và tự cười với nhau. Như thế có phải là đám đông đã đi quá xa trong việc tôn trọng âm nhạc của chính Thanh Lam?
Tất nhiên, Thanh Lam chẳng dại gì mà dấn thân vào một dòng nhạc mà chị không phải không hiểu nó, vì chính chị đã cho rằng đó là cái mỏ trù phú người ta cứ đào mãi để sinh tài, sinh lộc đó sao? Nếu nói Thanh Lam không có kiến thức gì về dòng Bolero là sai. Cũng như nói Tùng Dương không hiểu Bolero cũng là không chuẩn. Chính nhạc sĩ Quốc Trung chẳng từng có bài viết rất sâu viết về Bolero đó sao. Những nghệ sĩ phía Bắc, họ biết họ mạnh ở đâu và tài năng của họ sẽ không thể nở rộ như Đàm Vĩnh Hưng nếu như dấn thân vào Bolero. Sự thận trọng với nghề nghiệp và tôn trọng thẩm mỹ âm nhạc của khán giả là những gì họ đang làm đối với Bolero.
Tôi nghĩ Tùng Dương, Thanh Lam hay Quốc Trung đều có cách nhìn và hiểu Bolero theo cách riêng của họ. Và họ cũng có những nhận định của một nghệ sĩ khi làm nghề, biết được điểm yếu hay điểm mạnh của chính họ.
Cho đến giờ, Thanh Lam chưa bao giờ hát Con đường xưa em đi. Tùng Dương chưa bao giờ hát Sầu tím thiệp hồng. Cũng như Quốc Trung chưa bao giờ phối cho ca sĩ nào hát Duyên phận. Nếu điều đó xảy ra, thử hỏi đám đông ngoài kia sẽ ném cho họ vô vàn lời chê bai hay sẽ nhiệt liệt tán thưởng?
Còn khi Đàm Vĩnh Hưng hay Lệ Quyên tổ chức hết đêm nhạc to tới đêm nhạc nhỏ với chủ đề Bolero, cả Sài Gòn lẫn Hà Nội (dù ít hơn) rần rần tán thưởng?
Âm nhạc là một con đường rộng và cũng là con đường hẹp. Người nghệ sĩ đi trên đó, có khi chông chênh, có khi vững vàng. Khi vững vàng thì nắm tay nhau thật chặt, còn khi chông chênh sao nỡ lòng đẩy nhau xuống vực.
Tôi nghĩ cái sai của Thanh Lam là nói đúng chứ không phải nói sai điều chị đã nói. Lỗi tại Bolero đang hay quá đi, đang thịnh hành quá đi, nó như một thứ mốt trong âm nhạc quay trở về thời hoàng kim của chính nó. Mà giữa khi cờ hoa lộng lẫy, Thanh Lam lại thẳng lời phân tích này kia. Khi cả đám đông đang mê mải đắm chìm trong những giai điệu của Bolero, người ta không cần một giảng viên với những lời mô phạm thì Thanh Lam lại mạnh dạn phát ngôn. Người ta chỉ cần một người hết lòng, hết mình, sẵn tâm sẵn tiền bỏ hết công sức cho những đêm nhạc đình đám, xa hoa như Đàm Vĩnh Hưng, Quang Lê hay Lệ Quyên từng làm.
Thanh Lam không phải là đại diện của những người miền Bắc không thích Bolero. Thanh Lam là một ca sĩ không theo dòng nhạc Bolero. Thanh Lam lại càng không phải là minh chứng cho việc người miền Bắc không thích Bolero.
Nhớ những năm chín mươi, ở miền Bắc, nhiều anh chị em vẫn mở cassette nghe Hương Lan, Tuấn Vũ, Chế Linh hát. Có điều, họ không có đủ điều kiện để có thể trở thành những tín đồ của dòng nhạc này mà thôi.
Bolero không phải là mồi lửa châm ngòi cho những cuộc chiến âm nhạc hay những cuộc đại khẩu chiến trên mạng. Bolero là âm nhạc, là cầu nối để người ta hát cho nhau nghe, để chia sẻ nhiều tâm trạng mà lời nói thông thường không thể tải hết.
Những nghệ sĩ có danh tiếng, đời làm nghệ thuật còn dài, âm nhạc của họ, khán giả của họ thời gian sẽ minh chứng cái gì còn - cái gì mất.
Không ai phủ nhận những gì mà Đàm Vĩnh Hưng đã làm được đối với dòng nhạc Bolero. Anh có thể không phải là giọng Bolero hát hay số 1 nhưng nếu ai quá lời chê anh hát Bolero thì hãy nhìn lại vào số lượng khán giả của anh.
Còn Thanh Lam? Chị đã là ngôi sao đình đám cả vài chục năm trước. Tới giờ, dù là ca sĩ có tên tuổi, Thanh Lam vẫn cặm cụi làm nghề, tìm tòi cái mới. Một nghệ sĩ luôn ý thức về sự sáng tạo, tại sao lại cho rằng đó là thứ để chúng ta cố tình giễu cợt, mổ xẻ. Hay bạn muốn Thanh Lam mười năm, hai mươi năm vẫn hát Bên em là biển rộng với một sắc màu giống nhau?
Trở lại Bolero, ai cũng nói Bolero dễ hát. Dễ hát sao tất cả những người hát Bolero không làm ca sĩ hết đi?
Tôi nhớ trong liveshow Quang Lê, ca sĩ Lan Hương khi nói về sự khổ luyện của Quang Lê, chị đã phải thốt lên rằng chẳng ai chịu khó như Quang Lê, để hát được một câu hát khó, anh đã phải nhiều ngày chỉ hát đi hát lại bài hát đó, câu hát đó cho tới khi nào bằng được thì thôi. Quang Lê hát suốt ngày, gặp là thấy hát rồi, hát ngày hát đêm.
Vậy mới biết, Bolero dễ hát dễ nghe nhưng chắc chắn không có đất cho những người dễ dãi.
* Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, một nhà văn nữ sống tại TP.Biên Hòa (Đồng Nai)