Như tên gọi, "vùng đất tâm linh", An Giang là vùng đất được thần linh gìn giữ, ở đây không thiếu những câu chuyện kỳ bí và các biểu tượng văn hóa là những ngôi chùa có màu sắc rực rỡ của người dân tộc Khmer.
- Cùng travel blogger 'xuyên không' đến Tử Cấm Thành thu nhỏ ngay tại Việt Nam
- Cao Bằng - 'Xứ sở thần tiên' khiến giới 'ưa xê dịch' đã đi là chẳng muốn về
Là một người con của Vùng đất An Giang, Cẩm Tiên luôn muốn mang nét đẹp quê hương mình để chia sẻ với bạn bè khắp nơi. Cô nàng đã lên kế hoạch cho chuyến trải nghiệm văn hóa người Khmer - một dân tộc phổ biến ở An Giang.
Chùa Phi Lộc (chùa Vật Tư) nằm trên đường ĐT948, xã Vĩnh Trung - huyện Tịnh Biên - tỉnh An Giang, do người Khmer xây dựng. Không chỉ là nơi tu hành của các nhà sư theo phái Nam Tông, chùa còn là điểm sinh hoạt văn hóa của đa số bà con dân tộc Khmer trong khu vực.
Cẩm Tiên đã đến và trải nghiệm nét văn hóa tín ngưỡng cũng như văn hóa đời sống của người dân tại nơi đây, cô nàng đã thích thú khi lần đầu được khoác lên người bộ trang phục truyền thống của người dân Khmer.
Tiên hóm hỉnh chia sẻ: "Tiên thấy trang phục của người Khmer thấy vô cùng độc đáo và cầu kỳ với nhiều gam màu rực rỡ, hoa văn trang trí tinh xảo và được điểm bằng những hạt cườm, kim sa lấp lánh. Bộ trang phục này mang một nét độc đáo riêng của người Khmer, không những thế nó còn làm tôn lên vẻ yêu kiều, dịu dàng, thục nữ của Tiên hơn".
Theo số liệu thống kê, người Khmer ở Việt Nam có khoảng hơn 1,3 triệu người, sống tập trung ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ở các tỉnh: Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cần Thơ… Họ hiền hòa, rất nhiệt tình và hào sảng với du khách.
Tuy nhiên, cộng đồng Khmer vẫn có ngôn ngữ và chữ viết riêng, có phong tục tập quán riêng biệt. Một nét đặc trưng dễ thấy nhất của người dân Khmer là đi chân đất, đặc biệt là khi đến những nơi tâm linh như chùa chiền, miếu, đền...
"Kỷ niệm mà Tiên thấy đáng nhớ nhất là khi trải nghiệm trang phục Đồng bào Khmer trên người, đi chân đất không được mang dép và dạo khắp chùa để ngắm nhìn kiến trúc Khmer độc đáo, khám phá kỹ mới thấy chùa vẫn giữ cho mình một nét riêng vốn có, sự khác biệt độc đáo đã tạo nên sự phong phú, đa dạng trong văn hóa đời sống của người vùng Nam Bộ" - Tiên bộc bạch.
Đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào Khmer rất sinh động mang đậm dấu ấn văn hóa riêng, góp phần tạo nên vẻ đẹp tổng thể của bức tranh văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Hy vọng những chia sẻ của cô nàng Cẩm Tiên giúp bạn có thêm nhiều thông tin hơn về văn hóa của dân tộc Khmer cũng như có thêm một địa điểm check-in cực kỳ thú vị trong thời gian tới.