Là những người lao động nghèo, những công nhân mắc bụi phổi trong quá trình làm việc khiến nhiều người không khỏi xót xa.
- Chỉ đạo mới của công an Bình Dương về việc phát hiện chiếc túi chứa phần thi thể người phụ nữ bị đốt cháy
- Nhân chứng kể lại giây phút kinh hoàng nơi phát hiện người phụ nữ bị 'đốt xác' cháy xém bỏ trong vali
Thông tin từ Báo VietNamNet, nhiều tháng nay, chị Nguyễn Thị Bình (sinh năm 1977, trú xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc) phải thường xuyên túc trực để chăm chồng Hoàng Văn Sơn (sinh năm 1976) đang điều trị bệnh bụi phổi tại Bệnh viện Phổi Nghệ An.
Anh Sơn là một trong số 8 công nhân bị bụi phổi ở Công ty TNHH Châu Tiến (gọi tắt là Công ty Châu Tiến), đóng tại khu công nghiệp Nam Cấm, huyện Nghi Lộc.
Chị Bình cho biết, chồng chị làm việc tại công ty từ tháng năm 2019, công việc chủ yếu là trộn bột đá, đóng bao bì. Đến tháng 6/2022, sức khỏe anh Sơn yếu dần, khó thở nên đã đến Bệnh viện Phổi Nghệ An thăm khám, được xác định bị bệnh bụi phổi.
“Vừa rồi hai vợ chồng ra Bệnh viện phổi Trung ương kiểm tra, các bác sĩ bảo trong phổi có lớp bụi dày, nặng quá rồi không thể rửa được. Giờ chồng tôi chỉ nằm một chỗ không thể làm gì, gia đình thuộc hộ cận nghèo, mỗi tháng mất hàng chục triệu đồng tiền điều trị, sữa, thuốc thang nên không biết xoay xở ra sao”, chị Bình rưng rưng nước mắt thông tin trên VietNamNet.
Bên cạnh đó, bụi phổi biến chứng sang lao khiến anh Trần Ngọc Hoa (sinh năm 1978, trú xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc) khó thở và đi lại khó khăn. Anh nằm trên giường bệnh với dáng vẻ bơ phờ. Mọi sinh hoạt của anh phải dựa vào người vợ Bùi Thị Hương (sinh năm 1980), 3 người con nhỏ phải nhờ người thân chăm nom.
Chị Hương cho biết, anh Hoa vào làm việc ở Công ty Châu Tiến từ năm 2017. Cuối năm 2021 sau khi đi thăm khám ở một bệnh viện tại TP.HCM, anh phát hiện bị bụi phổi.
Ngay sau đó, gia đình đã đưa ra Hà Nội để rửa phổi nhưng do tình hình nặng nên không thực hiện được.
Vợ chồng anh Hoa có 3 người con, bé mới sinh được 8 tháng bị bệnh Down, gia đình thuộc diện khó khăn ở địa phương. “Anh Hoa là lao động chính trong nhà, giờ anh nằm một chỗ khiến cuộc sống của cả gia đình lao đao, càng thêm khó khăn”, chị Hương gạt nước mắt.
Trong số 8 lao động bị bụi phổi đã mất và đang điều trị thì có 4 người là anh em họ hàng, gồm anh Trần Ngọc Hoa; Bùi Đình Bình (sinh năm 1985, đã rửa phổi lần 1, sức khỏe suy giảm); Bùi Chính Diện (sinh năm 1984, bụi phổi chưa rửa được, khó thở) và Trần Hữu Q. (sinh năm 1985, đã qua đời vào tháng 9/2022).
Trong các lao động bị bụi phổi, anh Phạm Quang Sơn (sinh năm 1995, trú xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc) là người trẻ nhất. Sơn chưa lập gia đình, mẹ bị khuyết tật, cũng đã mất cách đây hơn 3 tháng.
Chị Phạm Thị N. (chị gái Sơn) buồn bã chia sẻ: “Sơn là con trai duy nhất trong gia đình, em còn chưa lấy vợ thì đã mất khi còn quá trẻ. Đại diện chính quyền địa phương, công ty, đã đến thắp hương, chia buồn”.
Thông tin từ Báo Tuổi Trẻ, trước thông tin vụ việc, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo lập đoàn kiểm tra một công ty ở Khu kinh tế Đông Nam - nơi xảy ra vụ việc ba công nhân tử vong nghi do bụi phổi.
Theo báo cáo từ UBND huyện Nghi Lộc, thời gian qua tại công ty này đã có 3 lao động tử vong, 5 người phải nhập viện nghi do bị bụi phổi.
Ba người đã tử vong cùng có thời gian làm việc từ năm 2017 đến năm 2022. Còn 5 người đang được điều trị tại các cơ sở y tế trong tình trạng phải rửa phổi, khó thở, thở oxy, sức khỏe suy giảm.
Đoàn kiểm tra liên ngành do ông Nguyễn Văn Hải - phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam - làm trưởng đoàn. Đoàn kiểm tra sẽ làm việc trong vòng 45 ngày kể từ ngày công bố quyết định.
Ban quản lý KKT Đông Nam cũng đề nghị UBND tỉnh Nghệ An giao Ban quản lý KKT Đông Nam tham mưu thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành: Điều tra bệnh nghề nghiệp, kiểm tra về môi trường lao động, quan trắc môi trường lao động và thực hiện chính sách BHXH cho người lao động tại công ty Châu Tiến.