Sau vụ việc, dư luận đặt vấn đề về chất lượng và quy chuẩn xây dựng lan can cầu, đường. Nhiều người cũng thắc mắc đơn vị nào chịu trách nhiệm trong tai nạn này và các vụ việc tương tự?
- Tình tiết đau lòng trong vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai: Thi thể nạn nhân vẫn cầm chặt tay lái
- Cuộc gọi cuối cùng của cô gái lái ô tô rơi khỏi cầu Đồng Nai: Mẹ ruột gào khóc khi thấy thi thể nạn nhân
Theo thông tin từ báo Người Lao Động, ngày 14/12, chị T.T.N (22 tuổi, ngụ Đồng Nai) lái ô tô 4 chỗ trên Quốc lộ 1 theo hướng TP HCM về Đồng Nai. Khi qua cầu Đồng Nai được 100 m, xe bất ngờ lao xuống sông. Đến khuya cùng ngày, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể chị N.
Điều tra ban đầu cho thấy vị trí ô tô rơi là khe hở giữa 2 cầu Đồng Nai cũ và mới, rộng khoảng 3 m, độ cao của cầu so với mặt nước gần 20 m. Vị trí xảy ra vụ việc là tại cầu Đồng Nai (cũ); lan can bằng thép hợp kim cao 60 cm bảo đảm đúng thiết kế, tiêu chuẩn và đồng bộ với các cây cầu trên Quốc lộ 1. Ngoài ra, 2 bên cầu còn có gờ lan can cao khoảng 25 cm, gờ chắn lề cho người đi bộ cao 30 cm, rộng 1,5 m.
Từ vụ việc trên, dư luận đặt vấn đề về chất lượng và quy chuẩn xây dựng lan can cầu, đường. Nhiều người cũng thắc mắc đơn vị nào chịu trách nhiệm trong tai nạn nêu trên và các vụ việc tương tự?
Luật sư Đào Thị Bích Liên, Văn phòng Luật sư Hà Hải và Cộng sự, nhìn nhận với tai nạn nêu trên, cần xem xét nhiều yếu tố để xác định trách nhiệm, bao gồm từ phía đơn vị thiết kế, thi công, chủ đầu tư, cơ quan giám sát an toàn giao thông và cả nạn nhân.
Về phía nạn nhân, cần xác minh chị T.T.N có tuân thủ đúng làn đường dành cho ô tô hay đã lấn sang hành lang đi bộ, dẫn đến việc đâm vào lan can? Ngoài ra, cần kiểm tra dữ liệu từ hộp đen hoặc camera giao thông để xác định chị N. có chạy đúng tốc độ cho phép hay không.
Nếu chị T.T.N có lỗi - như không có giấy phép lái xe, chạy vượt tốc độ, phương tiện không đạt chuẩn - thì nạn nhân có thể phải chịu một phần hoặc toàn bộ trách nhiệm.
Trong khi đó, luật sư Phùng Huyền, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+, cho biết mọi cây cầu khi đưa vào sử dụng đều được nghiệm thu, đánh giá an toàn. Vì vậy, khó có thể cho rằng lỗi thuộc về đơn vị thiết kế, thi công hay chủ đầu tư.
Trường hợp cơ quan chức năng tiếp tục xác minh nguyên nhân xảy ra vụ việc, nếu ai khác có hành vi vi phạm dẫn đến tai nạn thì có thể khởi tố vụ án và tiếp tục tiến hành điều tra. Với trường hợp này, người liên quan tai nạn có thể bị xử lý.
Theo luật sư Đào Thị Bích Liên, nếu cơ quan giám sát giao thông không thực hiện kiểm tra định kỳ hoặc không xử lý tình trạng xuống cấp của cầu, dẫn đến tai nạn xảy ra, cơ quan này có thể bị truy cứu theo điều 360 Bộ Luật Hình sự năm 2015 về thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, trao đổi thêm với Tuổi Trẻ Online, Khu quản lý giao thông 4 (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết vị trí xảy ra tai nạn tại cầu Đồng Nai (cũ), lan can được gia công bằng thép hợp kim cao 60cm đảm bảo đúng thiết kế, tiêu chuẩn và đồng bộ với các cây cầu trên quốc lộ 1.
Bên cạnh đó, còn có gờ lan can cao 25cm, gờ chắn bánh lề bộ hành cao 30cm, rộng 150cm. Sau vụ tai nạn, Khu quản lý giao thông 4 đã sửa chữa, gia công và lắp đặt lại lan can để đảm bảo an toàn cho người và xe. Hiện nguyên nhân vụ tai nạn vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra.
Cầu Đồng Nai là một cây cầu đường bộ quan trọng nằm trên quốc lộ 1, bắc qua sông Đồng Nai, nối TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) và TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Cầu dài 453,9m, được thiết kế phần xe chạy 16m với 4 làn xe.