Ba anh em Kỳ Long (13 tuổi), Thiên Kim và Mỹ Kim (4 tuổi) có mái tóc, làn da trắng muốt, đôi mắt màu xanh lá tuyệt đẹp.
- Kết quả giám định hé lộ nguyên nhân học sinh lớp 4 ở Hải Dương tử vong sau buổi văn nghệ
- Vụ clip 4 ngư dân bị đánh đập dã man trên tàu cá ở Kiên Giang: Nạn nhân nói gì?
Theo thông tin từ báo Phụ nữ số, mỗi buổi chiều, chị Nguyễn Thị Rồng (36 tuổi, ở Sóc Trăng) và anh Đặng Mây (34 tuổi) sẽ đón 2 con gái sinh đôi từ trường mẫu giáo về rồi cho chúng ra đường chơi đùa với các bé trong xóm. Anh cả Kỳ Long (13 tuổi) sẽ phụ trông 2 em Thiên Kim - Mỹ Kim (4 tuổi) để cha mẹ lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa.
Cả 3 anh em rất ngoan ngoãn, lễ phép, gặp ai trong xóm cũng đều cúi người chào hỏi. Đặc biệt cặp sinh đôi trông như búp bê, đi đến đâu cũng khiến người đi đường hiếu kỳ, lại hỏi thăm bắt chuyện.
Trái ngược với sự sôi nổi, hoạt bát của 2 bé gái song sinh, Kỳ Long có phần trầm tính, nhút nhát hơn. Long năm nay lên lớp 7, cậu bé sở hữu ngoại hình đầy đặn, dễ thương. Ngoài những đặc điểm bệnh lý dễ trông thấy bằng mắt thường, chứng bệnh bạch tạng còn ảnh hưởng tới thị giác của 3 anh em. Cặp song sinh được đeo một chiếc kính râm đen, còn Long được cha mẹ cho đi cắt một loại kính đặc biệt hơn, có thể nhìn xa.
Ngoại hình đặc biệt khiến anh cả Kỳ Long cũng nhận được sự chú đặc biệt mỗi khi tới trường. Trước đây chị Rồng từng thử nhuộm tóc đen cho Long, nhưng tới hôm sau, thuốc nhuộm lại trôi tuột hết.
Vì mắt kém, cậu bé bạch tạng luôn được các thầy cô ưu tiên hơn, cho ngồi bàn đầu hoặc thậm chí lên sát trên bảng để nhìn. Long kể, có lần em còn được cô dẫn lên hẳn bàn giáo viên ngồi. Sự ưu ái đặc biệt khiến cậu cảm thấy vừa vui vừa ngại. Là anh cả nên Long rất hiểu chuyện. Tự ti, mặc cảm về ngoại hình khác biệt nên cậu bé chẳng bao giờ nói to, lúc nào cũng dạ thưa lí nhí mỗi khi có ai bắt chuyện.
“Hai đứa song sinh dễ thương, được nhiều người biết đến nên vẫn may mắn hơn anh hai. Bé đầu tiên vẫn chịu nhiều điều tiếng nhất, sau này khi người ta biết rồi thì không nhìn điểm tiêu cực nữa mà giờ chỉ nhìn điểm tích cực thôi”, chị Rồng vui mừng kể .
Theo thông tin từ báo Thể thao văn hóa, quen nhau qua sự giới thiệu của bạn bè, chị Rồng - anh Mây khiến người làng có ấn tượng đặc biệt bởi sự kết hợp giữa hai cái tên độc, lạ. Một năm sau khi cưới, chị Rồng mang bầu bé Long, lạ thay, khi sinh ra Long có làn da trắng muốt, tóc bạch kim. Cặp vợ chồng hoang mang bởi cả gia đình hai bên nội ngoại không có ai mắc căn bệnh bạch tạng như vậy.
Bé Kỳ Long chào đời trong sự dị nghị của xóm làng. Gần 10 năm trời, chị Rồng không dám sinh tiếp, sợ con mang gen di truyền. Đến khi bầu cặp sinh đôi, chị thấp thỏm hy vọng để rồi lại thất vọng lần nữa khi biết hai bé gái mắc chứng bệnh tương tự.
Họ hàng, ông bà nội ngoại động viên, dặn hai vợ chồng bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, cố gắng nuôi con lớn khôn, khỏe mạnh.
Cách đây 1 năm, vợ chồng chị Rồng bồng cặp sinh đôi lên Bình Dương thuê trọ, xin làm công nhân. Bé Kỳ Long gửi gắm lại cho bà nội dưới Sóc Trăng chăm sóc. Đồng lương ít ỏi, bà mẹ phải chắt chiu, tiết kiệm hàng tháng nuôi cùng lúc 3 đứa con.
Ở cùng ông bà nội, Long rất ngoan, được ông bà yêu thương, chỉ bảo từng thứ. Bà không cho Long chạy xe đạp một mình vì sợ tầm nhìn hạn chế, dễ xảy ra tai nạn. Hàng ngày, ông bà đưa cậu bé tới trường rồi lại đón em về nhà. Long rất tự giác trong học tập, gặp ai, bà nội cũng tự hào khoe đứa cháu nhận giấy khen học sinh xuất sắc. Cậu bé 13 tuổi hát hay, học rất giỏi môn tin học và âm nhạc.
Hiện chị Rồng, anh Mây đã nghỉ làm công nhân, về Sóc Trăng xây dựng cuộc sống mới. Cặp vợ chồng mở một tiệm nước nhỏ, bán thêm đồ dùng học tập. Bé Kỳ Long được cha mẹ đón về đoàn tụ cùng 2 em. Kênh Youtube của ba anh em đón nhận vô vàn tình yêu mến của các khán giả, có nhiều nhà hảo tâm còn đến tận nhà trọ của vợ chồng chị Rồng để giúp đỡ.
Nguồn thu nhập từ mạng xã hội giúp kinh tế gia đình được trang trải phần nào. Bà mẹ miền Tây cho biết tương lai dù có ra sao, chỉ mong gia đình vẫn hạnh phúc, các con có tuổi thơ thật bình yên, vui vẻ như bao đứa trẻ khác.