Trong số 8 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm có 3 điểm ở huyện Nhà Bè, 2 ở TP. Thủ Đức, 2 ở huyện Bình Chánh, 1 ở huyện Cần Giờ.
- Tiền Giang: Trang trại nuôi gà bị sạt lở, 10.000 con gà chìm xuống sông
- Liên tiếp xảy ra 3 vụ sạt lở đất trong 2 ngày, chia cắt đường giao thông ở Hậu Giang
Theo thông tin từ VietNamNet, UBND TP.HCM vừa công bố danh mục 32 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm năm 2022 trên địa bàn. Theo đó, 8 vị trí đặc biệt nguy hiểm và 24 vị trí nguy hiểm gây ảnh hưởng khoảng 1.328 hộ dân.
Trong số 8 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm có 3 điểm ở huyện Nhà Bè, 2 ở TP. Thủ Đức, 2 ở huyện Bình Chánh, 1 ở huyện Cần Giờ.
Theo UBND TP.HCM, 20 vị trí sạt lở đã có chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở với kinh phí hơn 3.200 tỷ đồng xây gần 18km bờ kè.
Ngoài ra, vừa qua Sở GTVT TP cũng đề xuất UBND TP trình HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư 3 dự án xây kè chống sạt lở gồm: Dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ phải sông Sài Gòn (phường 25, quận Bình Thạnh), tổng vốn gần 106 tỷ đồng; Dự án nạo vét luồng, xây dựng kè bảo vệ bờ sông Chợ Đệm - Bến Lức (huyện Bình Chánh), tổng vốn hơn 233 tỷ đồng; Dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ phải sông Cần Giuộc (từ cầu Ông Thìn về thượng lưu – huyện Bình Chánh), tổng vốn 274 tỷ đồng.
Hiện nay có 9/32 vị trí sạt lở chưa có chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở gồm 2 vị trí ở TP. Thủ Đức, 1 ở Nhà Bè, 2 ở huyện Bình Chánh, 4 ở huyện Cần Giờ.
UBND TP giao Sở GTVT TP sớm tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Đồng Nai (khu phố 3, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP. Thủ Đức) và dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ phải sông Cần Giuộc (từ cầu Ông Thìn về thượng lưu). Đối với các dự án khác, giao chính quyền TP. Thủ Đức và các quận huyện thông báo, cảnh báo cho người dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở biết để chủ động phòng tránh; khảo sát, đề xuất giải pháp xử lý sạt lở.
Dẫn nguồn tin từ báo Pháp Luật TP.HCM, năm 2023, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, tình hình thời tiết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Chính vì vậy UBND TP yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, lãnh đạo các đơn vị, địa phương triển tổ chức rà soát các kế hoạch, phương án phòng, chống ứng phó thiên tai. Đồng thời điều chỉnh, cập nhật, bổ sung phù hợp với các phương án ứng phó thiên tai của TP và tình hình thực tế địa phương.
Cũng trong nguồn tin này, được biết, trong năm 2022, TP.HCM có 32 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm bao gồm: TP Thủ Đức tám vị trí, huyện Nhà Bè bảy vị trí, huyện Bình Chánh bốn vị trí, huyện Cần Giờ bảy vị trí, quận Bình Thạnh bốn vị trí, huyện Hóc Môn một vị trí và huyện Củ Chi một vị trí.