Đường dây trên đã cho hơn 30.000 lượt vay với tổng số tiền 70 tỷ đồng, với lãi suất từ 319%/năm đến 629%/năm, cao gấp 15,9 đến 31,4 lần mức lãi cao nhất được phép trong giao dịch dân sự.
- Cảnh báo thủ đoạn giả danh công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
- Bị lừa đảo qua mạng, làm ngay các bước sau để lấy lại tiền
Theo thông tin từ Vietnam+ (VietnamPlus), ngày 7/7, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với 13 đối tượng (là người ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau trong cả nước) về hành vi cho vay nặng lãi trên không gian mạng trong giao dịch dân sự.
Các quyết định khởi tố đã được Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang phê chuẩn. Đường dây trên đã cho hơn 30.000 lượt vay với tổng số tiền 70 tỷ đồng, với lãi suất từ 319%/năm đến 629%/năm, cao gấp 15,9 đến 31,4 lần mức lãi cao nhất được phép trong giao dịch dân sự.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình địa bàn và trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bắc Giang đã phát hiện đường dây hoạt động “tín dụng đen” trên.
Đáng chú ý, người vay chỉ cần thế chấp điện thoại iPhone thông qua cung cấp tài khoản iCloud. Nhóm đối tượng yêu cầu người vay thoát tài khoản iCloud của bản thân rồi đăng nhập tài khoản iCloud do đối tượng cung cấp để đối tượng quản lý thông tin và máy điện thoại của người vay.
Người vay tiền có thể vay được từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng tùy thuộc vào giá trị của điện thoại iPhone.
Ngoài ra, người vay phải cung cấp hình ảnh thẻ căn cước công dân, ảnh chân dung, số điện thoại, danh bạ, địa chỉ thường trú, nghề nghiệp, địa chỉ nơi làm việc, nơi ở hiện tại, họ tên bố, mẹ, vợ, chồng, tên Facebook của người thân, số tài khoản ngân hàng...
Sau khi kiểm tra các thông tin trùng lặp, đối tượng quản lý tiến hành giải ngân khoản vay vào tài khoản ngân hàng của người vay sau khi đã cắt lãi trước khoảng từ 3-10 ngày, phí hồ sơ bằng 5% khoản vay.
Sau đó, hàng ngày, người vay phải trả tiền gốc và lãi bằng cách chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng cho các đối tượng chỉ định. Trường hợp người vay không trả tiền thì đối tượng sẽ khóa tài khoản iCloud của đối tượng và người vay sẽ không sử dụng được điện thoại, buộc người vay phải trả tiền để mở điện thoại.
Khi người vay tất toán khoản vay, đối tượng sẽ thoát tài khoản iCloud đã đăng nhập, khi đó, người vay sẽ sử dụng điện thoại của mình bình thường.
Trước tình hình trên, Đại tá Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang đã khẩn trương chỉ đạo xác lập chuyên án đấu tranh.
Theo thông tin từ báo Tiền Phong, ngày 24/6, ban chuyên án huy động 60 cán bộ, chiến sĩ khám xét khẩn cấp 3 địa điểm, gồm: căn hộ chung cư ở Tòa CT10A, Khu đô thị Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy; căn hộ chung cư Tòa CT10C, Khu đô thị Kim Văn Kim Lũ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội và một địa điểm tại thôn 3, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.
Kết quả khám xét, Công an tỉnh Bắc Giang đã thu giữ nhiều thiết bị, đồ vật, tài liệu liên quan, gồm: 4 bộ máy vi tính, 158 điện thoại iPhone các loại, 5 thiết bị phát sóng Internet và nhiều đồ vật, tài liệu khác có liên quan.
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ, ngày 5/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Bắc Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với 13 đối tượng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Các đối tượng này là người ở nhiều tỉnh, thành khác nhau trong cả nước.
Bước đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Bắc Giang xác định, đây là một đường dây hoạt động “tín dụng đen” cho vay lãi nặng trên không gian mạng có tổ chức, quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, có sự phân công vai trò, nhiệm vụ rõ ràng; bao gồm đối tượng tổ chức cầm đầu đường dây, cung cấp tiền, hệ thống thiết bị để cả nhóm hoạt động.
Đối tượng quản lý nhóm, trực tiếp quản lý nhân viên, thẩm định khách hàng và giải ngân khoản vay; được nhận lương khoảng 12 triệu đồng/tháng. Đối tượng hỗ trợ kỹ thuật thực hiện việc liên lạc với đối tượng cộng tác viên, thẩm định khách hàng, hướng dẫn cài đặt máy, quản lý việc nhắc nợ, đòi nợ, thu nợ, được nhận lương khoảng 8 triệu đồng/tháng. Đối tượng cộng tác viên thực hiện việc đăng bài quảng cáo cho vay trên nền tảng mạng xã hội, tìm kiếm người vay, thu thập thông tin người vay, được hưởng lợi nhuận từ 25% đến 30% khoản vay thành công.
Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, có hơn 30.000 lượt người trong cả nước đã vay của nhóm đối tượng trong đường dây này, với số tiền giải ngân khoảng 70 tỷ đồng.
Các đối tượng cầm đầu các nhóm cho vay tiền trong đường dây này là Đỗ Thành Tôn (SN 2000, ở xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình); Vũ Văn Phong (SN 2004, ở xã Hồng Phong, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương); Đào Văn Thái (SN 1993, ở xã Vụ Bản, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ); Nguyễn Ngọc Linh (SN 1992, ở xã Phú Lộc, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình).