Sáng nay (11/11), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn về thị trường vàng.
- Giá vàng hôm nay 10/11/2024, giảm mạnh chưa từng có: Vàng miếng SJC mất mốc 86 triệu/lượng, người mua lỗ nặng chỉ sau 1 tuần
- Giá vàng hôm nay 9/11/2024: Thị trường biến động liên tục, vàng miếng SJC giảm liên tiếp, mất mốc 86 triệu đồng
Theo thông tin từ báo Tiền Phong, sáng 11/11, tại phiên chất vấn Thống đốc NHNN, một số đại biểu Quốc hội, đặt câu hỏi liên quan đến thị trường vàng.
Nêu chất vấn, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết trong thời gian tới cần tập trung những giải pháp như thế nào để vàng trở thành nguồn lực của nền kinh tế?
Trả lời câu hỏi, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, người dân khi đầu tư vào vàng, tài sản sẽ “nằm chết” ở đó. Bà Hồng nhấn mạnh, khi thực hiện chống vàng hóa và chống đô la hóa, thì “không khuyến khích người dân nắm giữ vàng”. Bởi theo Thống đốc, khi nắm giữ vàng, có thể giá trị vàng rất lớn, cũng đồng nghĩa với việc số tiền đó người dân không sử dụng được.
Nhưng nếu chuyển hóa tài sản này ra Việt Nam đồng, lúc đó sẽ có cơ hội kinh doanh, đầu tư vào lĩnh vực khác, như gửi tiền vào ngân hàng, để ngân hàng dùng tiền đó cho vay sản xuất, kinh doanh, hay đầu tư vào cổ phần, cổ phiếu, thị trường chứng khoán phục vụ sản xuất kinh doanh.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, tinh thần của Nghị định 24 cũng là chống vàng hóa, không khuyến khích người dân nắm giữ, đặc biệt với vàng miếng, vì có giá trị cao. Chính vì như vậy, mới có chính sách Nhà nước phải độc quyền sản xuất và xuất nhập khẩu vàng miếng, và quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng.
Theo thông tin từ báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh, với câu hỏi khi giá vàng SJC thay đổi kéo giá vàng xuống, bà Hồng nhớ lại Kỳ họp thứ 3 khi chất vấn Thống đốc, đại biểu Quốc hội cũng có đề cập đến vấn đề này.
Thống đốc giải thích: Người dân mua vàng giá cao thì bán cũng cao, khi mua thấp thì bán cũng thấp hơn. Tuy nhiên cái lợi của người này thì người kia bị mất. Bản thân các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng họ cũng tính toán để tránh bị rủi ro.
“Họ chỉ là trung gian mua và bán. Với các doanh nghiệp mua để đấy, sau đó bán thì phải chịu rủi ro vì vốn của doanh nghiệp là VNĐ, vốn không phải có nhiều, chỉ có vốn điều lệ.
Khi cần mua vàng thì có thể doanh nghiệp phải chịu rủi ro vì quy định hiện hành không được đi vay để mua vàng. Cho nên các doanh nghiệp họ cũng rất thận trọng đối với nguồn vốn của mình khi mua vàng” - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng giải thích và nói: “NHNN khi mua vàng về để bán thì cũng có biện pháp phòng ngừa rủi ro khi giá vàng lên xuống thất thường”.
Theo Thống đốc, sau khi can thiệp trên thị trường thì NHNN cũng có biện pháp mua ngay vàng trên thị trường thế giới, tránh để khoảng trống. Chính vì vậy, mặt hàng giá trị cao, giá cả lên xuống thất thường nên NHNN và các cơ quan cũng cảnh báo khi đầu tư vào vàng thì cần thận trọng, tính toán cho phù hợp.
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật Lê Thanh Hoàn đặt câu hỏi hiện tại đã phải là thời điểm thích hợp để thay đổi tư duy quản lý thị trường vàng hay chưa? NHNN đã có nghiên cứu, dự báo hình thức giao dịch vàng phi vật chất như sàn vàng do Nhà nước quản lý, đảm bảo sự liên thông giữa trong nước và quốc tế, khuyến khích người dân đầu tư vào các kênh khác, tránh vàng hóa thị trường, thay cho đô la hóa thị trường như vừa qua?
Thống đốc cho biết NHNN đang đánh giá, tổng kết Nghị định 24 và đề xuất cách thức giải quyết những tồn tại thời gian qua. Trong đó, NHNN đang nghiên cứu để báo cáo về sàn vàng có thuận lợi gì, đến lúc thực hiện hay chưa hoặc đề xuất thời điểm phù hợp.
"Khảo sát ở Trung Quốc, chúng tôi thấy thời gian đầu, Ngân hàng Trung ương độc quyền vấn đề mua bán vàng miếng. Nhưng sau đó họ trao lại cho các ngân hàng thương mại rồi thành lập sàn vàng. Nhưng đặc thù họ có điều kiện kinh tế khác biệt, vì vậy cần cân nhắc để hoàn thiện đề án" - Thống đốc nói.