Người đàn ông 50 tuổi ở Hà Nội bị chó nhà hàng xóm cắn nát "của quý" và phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng bị tổn thương nghiêm trọng.
- Không khí lạnh rất mạnh tràn về, Hà Nội giảm nhiệt sâu, trời chuyển mưa rét
- Hải Dương: Bị tạ đè trong lúc tập gym, người đàn ông tử vong thương tâm
Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức vừa cấp cứu một trường hợp bệnh nhân bị chó dữ tấn công vào "vùng kín" gây tổn thương nghiêm trọng.
Trước đó, ông T.V.M. (50 tuổi, ở Hà Nội) trong lúc sang nhà hàng xóm chơi đã bị chó nhà hàng xóm cắn vào “vùng kín”, gây chấn thương tinh hoàn và phải nhập viện trong tình trạng vết thương bìu kích thước lớn, bờ nham nhở, đáy bẩn, nhiều vết xước ở đùi phải.
Sau khi vào viện, bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt lọc, làm sạch vết thương và tư vấn đi tiêm phòng dại. Hiện tại sức khỏe bệnh nhân ổn định, vết thương tiến triển tốt, dự kiến ra viện trong vài ngày tới.
PGS.TS Nguyễn Quang – Giám đốc Trung tâm Nam học Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Chủ tịch Hội Y học Giới tính Việt Nam cho biết, vết thương động vật cắn là 1 tổn thương không hiếm, rất hay xảy ra ở những người nuôi và chăm sóc động vật, thậm chí là bác sĩ thú y.
Những động vật có thể thay đổi tính tình vào mùa sinh sản, thậm chí là thay đổi thời tiết, hoặc thay đổi môi trường sống. Những vết thương do động vật cắn (lợn, mèo, chó…) thông thường dập nát, bẩn, nguy cơ nhiễm trùng cao, bệnh nhân sẽ được tư vấn để tiêm phòng dại.
Trước đó, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận và cấp cứu cho một bé gái 4 tuổi bị chó Pitbull mắc bệnh dại tấn công với hàng chục vết thương ở mặt.
Theo lời kể của người nhà, bé ở huyện Mê Linh (Hà Nội), đang đi xe đạp chơi với bạn ở ngõ thì bị con chó Pitbul nhà hàng xóm tấn công. Cả hai bé đều bị chó xô ngã xe và lao vào cắn rồi lôi đi.
Cháu bé nhập viện trong tình trạng bị chó cắn ở mặt và chân. Đặc biệt là vùng mặt với nhiều vết cắn. Ngay sau đó bệnh nhân đã đã được làm vệ sinh, cắt lọc và khâu tạo hình thẩm mỹ với hàng chục mũi khâu ở vùng mặt.
Sau phẫu thuật em bé đã được chuyển xuống Phòng tiêm chủng Vắc xin của Bệnh viện để tiêm phòng dại và tiêm phòng uốn ván. Con chó sau đó bị người dân đánh chết và được xét nghiệm, kết quả khẳng định mắc bệnh dại.
Các bác sĩ khuyến cáo, các gia đình nuôi chó mèo cũng cần có ý thức trách nhiệm trông giữ vật nuôi, tránh thả rông. Khi bị chó mèo cắn chảy máu cần sơ cứu ban đầu bằng cách sát trùng, rửa sạch vết thương, dùng băng gạc sạch băng bó cầm máu và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được xử lý và điều trị kịp thời.
Đồng thời, bệnh nhân tuyệt đối không tự ý dùng thuốc nam, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại dẫn đến những biến chứng khó lường. Người bị chó cắn nên đến cơ sở y tế để được sơ cứu, vệ sinh, sát khuẩn lại và tư vấn tiêm phòng dại. Đặc biệt là tiêm phòng dại càng sớm càng tốt.