Theo dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão Noru sẽ đổ bộ đất liền nước ta.
- NÓNG: Bão Noru đi vào biển Đông và tăng cấp trở lại, nhiều tỉnh miền Trung "báo động đỏ"
- Từ 10/11/2022, 3 nhóm cán bộ, công chức, viên chức được tăng lương thêm 80%
Siêu bão Noru đã đổ bộ vào Philippines, tấn công hòn đảo chính Luzon đông dân cư với gió cực mạnh và mưa xối xả khiến hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa, tờ The Guardian (Anh) thông tin.
Theo tin tức dự báo thời tiết mới nhất, sau khi đổ bộ Philippines vào ngày 25/9/2022, siêu bão Karding (tên quốc tế là siêu bão Noru) được giới quan chức thời tiết nước này nhận định là "mối đe dọa cực độ".
Cơ quan Quản lý Dịch vụ Khí quyển, Địa vật lý và Thiên văn Philippines (PAGASA) cho biết cơn bão Noru đã đạt đến "loại siêu bão sau một thời gian bùng nổ mạnh lên". Siêu bão có sức gió cực đại ít nhất 240 km/giờ. Sau vài giờ đồng hồ, Noru tăng cấp trở thành siêu bão Cấp 5 - cấp mạnh nhất trên thang đo bão phương Tây với sức gió đạt đến 257 km/giờ, tờ Washington Post (Mỹ) thông tin.
Điều này khiến PAGASA nâng Tín hiệu cảnh báo số 5 lần đầu tiên kể từ sau cơn bão Goni (Rolly) đổ bộ nước này vào năm 2020.
Hình ảnh vệ tinh của siêu bão Noru ngày 25/9/2022. Ảnh: NASA
Bước nhảy vọt (tăng cấp sức mạnh) này là một trong những tốc độ tăng cường nhanh nhất trong 24 giờ được ghi nhận đối với bất kỳ xoáy thuận nhiệt đới nào. Các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu do con người gây ra (biến đổi khí hậu nhân tạo) đang làm tăng khả năng tăng cấp sức mạnh của bão nhanh đến như vậy.
Do ảnh hưởng của siêu bão, nhiều hoạt động như giao thông, trường học, hàng không... bị hoãn do sức gió, mưa xối xả, triều cường... từ bão Noru gây ra.
Theo báo cáo của Bloomberg, hàng năm, khoảng 20 cơn bão nhiệt đới đi qua Philippines, gây ra thiệt hại về người và của cho nông nghiệp, nhà cửa và cơ sở hạ tầng.
Siêu bão Noru xảy ra 9 tháng sau khi một siêu bão khác tàn phá nhiều vùng đất nước này, khiến hơn 400 người thiệt mạng và khiến hàng trăm nghìn người mất nhà cửa.
BÃO NORU CÓ KHẢ NĂNG MẠNH LÊN KHÔNG?
Tính đến 8 giờ sáng ngày 26/9, theo quan sát của Đài quan sát Trái Đất NASA, bão Noru đã đi qua Philippines và đang tiến vào Biển Đông.
Siêu bão “Noru” lúc 08:40 UTC vào ngày 25 tháng 9 năm 2022. Ảnh: JMA / Himawari-8, RAMMB / CIRA, The Watchers
Sau khi đổ bộ đất liền Philippines, bão Noru đã suy yếu một phần. Tuy nhiên, theo chuyên gia khí tượng của Washington Post (Mỹ) nhận định: Sau khi vượt qua đảo Luzon, bão Noru được dự báo sẽ nổi lên ở Biển Đông và lấy lại sức mạnh vào đầu tuần này trước khi đổ bộ lần thứ hai vào miền Trung Việt Nam.
Nguyên nhân là do, vùng nước ấm tại Biển Đông khiến bão Noru tăng thêm sức mạnh, với sức gió dự kiến đạt 185 km/giờ vào lúc 09 sáng ngày 27/9 khi Noru tiếp cận miền Trung nước ta.
Khi vào Biển Đông, bão Noru trở thành cơn bão số 4 của năm 2022 tại nước ta. Theo bản tin dự báo thời tiết cập nhật lúc 7:25 ngày 26/9/2022 của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, bão số 4 di chuyển rất nhanh theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20-25 km/giờ.
Cũng theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão số 4 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và có xu hướng mạnh thêm. Đến 4 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 110,2 độ Kinh Đông, cách đất liền Đà Nẵng-Bình Định khoảng 170km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166km/giờ), giật cấp 17.
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia phát đi cảnh báo Cấp độ rủi ro thiên tai Cấp 4 tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; cảnh báo Cấp độ rủi ro thiên tai Cấp 3 tại Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai.