Công an tỉnh Thanh Hóa cảnh báo về tình trạng ma túy xâm nhập gần trường học, có trong thực phẩm chức năng, nước trái cây nhằm vào học sinh, sinh viên.
- Phá 'chuồng cọp', người dân giải cứu 3 người kẹt trong nhà cháy ở TP.HCM
- Nguyên nhân căn hộ chung cư ở tầng 25 bốc cháy khiến hàng trăm người tháo chạy
Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, vào ngày 4/7, tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho hay, qua điều tra, lực lượng chức năng phát hiện thời gian qua, trên địa bàn xuất hiện loại ma túy thường được đựng trong các gói trà giảm cân, đông trùng hạ thảo, gói bột nước trái cây có in dòng chữ dễ nhầm lẫn với các loại nước giải khát. Trong đó, có dạng gói hương dâu, hương nho, hương xoài...
Kết quả giám định của cơ quan công an, đây là một loại ma túy mới xuất hiện, được pha trộn từ nhiều chất ma túy tổng hợp như: ketamine, diazepam.
Trên bao bì sản phẩm không ghi thông tin của nhà sản xuất, cũng như xuất xứ của sản phẩm, bên trong là chất bột có màu tím, màu hồng, màu vàng, khi uống sẽ gây ảo giác mạnh, loạn thần và có thể đe dọa tính mạng nếu sử dụng quá nhiều.
Công an xác định loại ma túy này được vận chuyển về Việt Nam theo dạng hàng xách tay, được rao bán tại các shop online, tụ điểm vui chơi, giải trí, quán bar, pub.
Bên cạnh đó, các đối tượng còn bán ở gần trường học phổ thông, đại học nhằm lôi kéo, dụ dỗ học sinh, sinh viên sử dụng chất ma túy.
Theo thông tin từ báo Dân Trí, Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo người dân thường xuyên cập nhật, theo dõi thông tin tuyên truyền về tác hại của ma túy, đặc biệt là các loại ma túy mới.
Các bậc phụ huynh chú ý giáo dục, khuyến cáo con em mình trong độ tuổi thanh, thiếu niên không tham gia tàng trữ, sử dụng chất ma túy, không sử dụng thuốc lá điện tử, các thực phẩm chức năng, thuốc kích thích tinh thần không rõ nguồn gốc.
Các cơ sở kinh doanh có điều kiện, các hộ kinh doanh khác tuyệt đối không được tham gia mua bán, tàng trữ, vận chuyển các loại thực phẩm chức năng, thuốc lá điện tử, thuốc kích thích (có thể là ma túy núp bóng) trôi nổi không rõ nguồn gốc, để bày bán dễ gây nhầm lẫn cho người dân, học sinh khi mua, sử dụng.