Ở cái tuổi xế chiều, hàng ngày ông bà Tư vẫn cần mẫn dạy chữ cho trẻ em nghèo. Nhìn những đứa trẻ từ không biết đọc, biết viết rồi thành biết chữ, biết học điều hay, lẽ phải…, cặp vợ chồng già thêm phần hạnh phúc.
- Thầy giáo của hai anh em ruột cùng đạt Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế: "Khoảnh khắc tự hào nhất là thấy lá cờ tri thức Việt Nam tung bay!"
- 37 tuổi thành sinh viên Sư phạm, 40 tuổi cầm hồ sơ đi xin việc, 15 năm sau thầy giáo "nhận trái ngọt" với nghề giữ trẻ
Gần 30 năm gieo con chữ "tình thương"
Nhắc đến lớp học tình thương của ông bà Tư, người dân ở ấp Tân Lập (phường Đông Hòa, TP. Dĩ An, Bình Dương) ai cũng biết đến cặp vợ chồng già lọm khọm, mỗi ngày đều đặn bước lên bục giảng gieo con chữ tình thương cho trẻ em nghèo.
Ông bà Tư là cái tên thân thương được những đứa trẻ và người dân nơi đây yêu mến đặt cho. Ông Tư tên thật là Huỳnh Văn Phê (83 tuổi), còn bà Tư là Huỳnh Thị Lành, năm nay cũng đã ngót nghét 85. Lớp học tình thương là tâm huyết suốt gần 30 năm của ông bà Tư vơi mong muốn giúp những đứa trẻ thiếu điều kiện đến trường có cơ hội làm quen với con chữ.
"Thấy mấy đứa nhỏ không được đến trường, suốt ngày ở nhà chơi đùa nên ông bà Tư "nổi máu anh hùng" mở lớp dạy. Ban đầu tận 130 đứa, mà phòng học xập xệ lắm chứ không được như bây giờ", bà Tư hồ hởi kể lại việc mở lớp vào năm 1994.
Đến năm 2001, nhờ sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, lớp học được xây mới lại một cách khang trang hơn. Ông Tư phụ trách dạy các em nhỏ, bà Tư dạy những em lớn hơn, thoắt một cái gần 30 năm, lớp học vẫn duy trì trong tình yêu thương của ông bà Tư dành cho lũ trẻ.
"Khi dạy được tụi nó biết chữ, bà Tư vui lắm con. Thấy mấy đứa trẻ ngoan hơn, biết lượm được của rơi trả lại cho người mất, kính trọng người lớn…, ông bà hạnh phúc lắm", bà Tư cười vui vẻ.
Vì những đứa trẻ ở lớp học tình thương có độ tuổi khác nhau, đa số chúng đều bước ra đời sớm để bươm chải phụ giúp gia đình nên việc dạy bảo, uốn nắn tụi nhỏ không hề đơn giản. Dù rất thương tụi nhỏ nhưng khi lên bục giảng, ông bà Tư vô cùng nghiêm khắc để răn dạy chúng trở thành người tốt.
"Nhiều đứa trẻ đáng thương lắm con…"
"Mấy đứa này có đứa có cha mà không có mẹ, có đứa thì cha mẹ bỏ nhau, sống nương nhờ nội ngoại. Tụi nó có tiền đâu mà đi học trường chính quy nên vô đây để ông bà dạy chữ. Nhiều đứa trẻ đáng thương lắm con…", bà Tư nghẹn giọng, nhìn những đứa trẻ đang cặm cụi viết bài, đánh vần rồi trầm ngâm.
Gần 30 năm mở lớp dạy học, bà Tư thấu hiểu hết những bất hạnh mà tụi nhỏ đã và đang trải qua. Không giống như những đứa trẻ đồng trang lứa khi được gia đình chăm bẵm, yêu thương, được đến trường học chữ, những đứa trẻ của lớp học ông bà Tư hầu hết phải phụ giúp gia đình mưu sinh.
Tuổi thơ bất hạnh, thiếu thốn đi tình yêu thương, chăm sóc của những người thân, ông bà Tư hiểu hết bên ngoài sự gai góc, nghịch ngợm của tụi nhỏ là một tâm hồn yếu mềm cần những vòng tay yêu thương. Lớp học không chỉ là nơi dạy chữ mà còn là mái nhà để tụi nhỏ cảm thấy vẫn được yêu thương, ít nhất là tình yêu mà ông bà Tư dành cho chúng.
Cặm cụi đánh vần từng chữ, Phạm Văn Trường (12 tuổi) đưa đôi mắt long lanh nhìn bà Tư. Từ ngày vào lớp học, Trường đã trở nên dạn dĩ hơn, mỗi ngày đến lớp, con lại biết thêm được nhiều bạn bè, chữ nghĩa.
"Lúc đầu con đi học thì con không cảm thấy thích, nhưng mà học xong con lại thấy rất vui. Ông bà Tư thương tụi con nữa, ông bà dạy cho tụi con thành người tốt, dạy cho con những thứ hay ho", Trường hồn nhiên nói.
Trong khi đó, dù mới 7 tuổi nhưng Phạm Huỳnh Thảo Ngân sau khi đến lớp ông bà Tư đã biết khi thấy ai làm rớt đồ thì phải lượm trả, không được ăn cắp, phải thật thà. "Con muốn sau này con làm giáo viên, giống ông bà Tư vậy", Thảo Ngân cười nói.
Để có thể quản lý và duy trì lớp học tình thương, ngoài việc đứng lớp của ông bà Tư, rất nhiều sinh viên ở trường ĐH Khoa học Tự nhiên đến để phụ giúp ông bà dạy chữ.
Tham gia lớp học được một thời gian, Nguyễn Hoàng Minh Tâm (sinh viên năm 1) chia sẻ: "Em thấy ông bà lớn tuổi, dù sức khỏe không tốt nhưng vẫn mở lớp dạy cho các bé em rất nể. Bản thân em cũng đam mê về dạy học nên em cũng muốn thử góp sức cho ông bà để giảng dạy cho các em".
Có lẽ với ông bà Tư, trong hành trình gần 30 năm qua, việc nhìn những đứa trẻ từ không biết đọc, biết viết rồi thành biết chữ, trở thành người tốt là điều mà ông bà cảm thấy hạnh phúc nhất.
"Bà Tư chỉ mong tụi nhỏ biết chữ, thành người tốt, ngoan ngoãn, biết nghe lời người lớn là được rồi, bà chỉ biết mong vậy thôi", bà Tư cười hiền hậu.