Thanh long - một trong những mặt hàng hàng trái cây xuất khẩu chủ lực và thường nằm trong nhóm sản phẩm xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam trong nhiều năm.
- Thủ tướng yêu cầu tập trung xử lý vi phạm nồng độ cồn, chạy quá tốc độ dịp Tết
- Đón không khí lạnh tăng cường, miền Bắc mưa rét đến bao giờ?
Những ngày qua, khi mascot thanh long đỏ xuất hiện rộ lên trong TVC quảng cáo món mì tôm thanh long đỏ, cư dân mạng khắp nơi xôn xao trước độ viral khủng khiếp của loài trái cây này, khắp nơi đều "rần rần" tò mò về món mì tôm được làm từ quả thanh long đỏ - vốn là loại nông sản nổi tiếng của Việt Nam. Thế nhưng ít ai biết rằng, loài trái cây "ít nổi bật" giữa thị trường hoa quả nội địa và nhập khẩu như hiện nay lại có một vị thế vô cùng quan trọng đối với kim ngạch xuất khẩu rau, hoa quả của Việt Nam.
Nơi nào trồng thanh long nhiều nhất?
Hiện nay, cây thanh long được trồng nhiều nhất ở các tỉnh như: Bình Thuận chiếm 50,73% diện tích cả nước, tiếp đến là Tiền Giang 16,42%, Long An là 15,15%.
Tại Bình Thuận được biết đến là vùng trồng chuyên canh cây thanh long lớn nhất cả nước, sản lượng hàng năm trên 600.000 tấn, thu hút trên 30.000 lao động tham gia sản xuất. Cây thanh long được xác định là cây lợi thế và đặc sản của tỉnh Bình Thuận, sản xuất thanh long đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn của tỉnh cũng như góp phần lớn trong việc đưa Việt Nam thành quốc gia dẫn đầu thế giới về diện tích và sản lượng thanh long; đứng thứ hai thế giới về kim ngạch xuất khẩu.
Thanh long là một thành viên của gia đình xương rồng, có nguồn gốc từ các nước Trung - Nam Mỹ. Tên của loại quả này là thanh long - có nghĩa là "rồng xanh". Sở dĩ chúng có tên như vậy là bởi nhiều người liên tưởng đến hình ảnh những chiếc "vảy" màu xanh bao bọc phía bên ngoài quả, trông giống vảy của loài rồng.
Thanh long Bình Thuận chủ yếu được tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Thị trường nội địa chỉ tiêu thụ khoảng 15% sản lượng, còn lại khoảng 85% được xuất khẩu. Trong xuất khẩu, khoảng 2 - 3% là chính ngạch, còn lại được mua bán theo hình thức biên mậu qua thị trường Trung Quốc hoặc liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để trực tiếp xuất khẩu.
Bên cạnh là loại trái cây xuất khẩu chủ đạo của Bình Thuận, trong vài năm trở lại đây, "vương quốc" thanh long đẹp như tranh bất ngờ lọt vào mắt xanh của những tín đồ đam mê du lịch và nhiếp ảnh.
Từ những ruộng thanh long bạt ngàn sản sinh là loại "siêu trái cây" làm thế giới mê mẩn ấy để rồi trở thành một trong những địa điểm nhất định phải đến ở Bình Thuận.
"Vương quốc" thanh long đẹp như tranh ở Bình Thuận
Trái cây tỷ đô
Không giống như các mặt hàng nổi tiếng khác của Việt Nam như cà phê hay gạo, thanh long không được người tiêu dùng trên thế giới (ngoài cộng đồng châu Á) biết đến nhiều. Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, nhu cầu về thanh long đang tăng trên toàn thế giới, đặc biệt là tại các thị trường mới bên ngoài châu Á.
Tuy nhiên, trong khoảng 3 năm trở lại đây, giá thanh long xuống thấp, thị trường tiêu thụ bấp bênh, dẫn đến việc người dân đang quay lưng với loại cây từng giúp họ vươn lên làm giàu. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, đến cuối tháng 12-2022, diện tích thanh long toàn tỉnh chỉ còn khoảng 27.900ha, giảm gần 5.000ha so với cuối năm 2021.
Cùng với đó, những yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, mẫu mã thanh long quả tươi xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt đã dẫn đến kim ngạch xuất khẩu thanh long của Bình Thuận nói riêng cũng như tổng sản lượng trên cả nước sụt giảm trong thời gian qua.
Từ năm 2021, xuất khẩu thanh long bắt đầu lao dốc, sụt giảm từ 1,042 tỉ USD (năm 2021) đã giảm xuống 642 triệu USD (năm 2022).
Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) và Bộ Công thương, đến tháng 11/2023, xuất khẩu thanh long chỉ còn 523 triệu USD. Trong khi đó, mục tiêu xuất khẩu thanh long năm 2023 là hơn 1 tỷ USD.
Trước khi mất đi vị trí quán quân xuất khẩu trái cây, thanh long từng 10 năm liền đứng đầu về xuất khẩu mặt hàng này. Từ 57,15 triệu USD năm 2010 lên hơn 100 triệu USD năm 2011 và từ năm 2017 đến 2020, mỗi năm vượt mốc một tỷ USD. Riêng năm 2018, giá trị xuất khẩu cao nhất đạt 1,27 tỷ USD và liên tục duy trì vị thế "trái cây tỉ đô" đến năm 2021.
Như vậy, sau nhiều năm liên tục là sản phẩm chủ lực của ngành rau quả có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD, từ năm 2022, xuất khẩu thanh long bắt đầu "tuột dốc", không còn giữ được vị thế "trái cây tỉ đô" của Việt Nam.
Đặc biệt trong năm 2023 - được xem là năm "hoàng kim" của sầu riêng khi trái cây này lần đầu tiên vượt thanh long thành loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam khi tăng trưởng gấp 10 lần trong 5 tháng đầu năm.
Từ đây đặt ra bài toán về hướng đi mới của thanh long - loài trái cây tỷ đô làm mưa, làm gió một thời.