Vào ngày 15/9, con trai chủ tiệm bánh mì Phượng cho biết thông tin mới về vụ việc ngộ độc thực phẩm sau khi sử dụng bánh mì Phượng (số 2B, đường Phan Châu Trinh, TP Hội An).
- Sau vụ cháy khiến 56 người chết, chủ chung cư mini ở Hà Nội quyết liệt cấm xe điện
- Thêm một chung cư mini khác của Nghiêm Quang Minh vi phạm quy định PCCC ở Hà Nội
Theo thông tin từ báo Dân trí, con trai bà Trương Thị Phượng, chủ tiệm bánh mì Phượng ở Hội An, cho hay người nhà đang chia nhau đi thăm các bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại tiệm này, đang điều trị tại các cơ sở y tế.
Con trai bà Phượng cho biết, sự việc xảy ra là sự cố đáng tiếc, không ai mong muốn, gia đình đang rất buồn và lo lắng. Con trai chủ tiệm bánh mì Phượng cho biết từ khi xảy ra sự việc, mẹ anh rất mệt mỏi, đang được người nhà chăm sóc sức khỏe. Trước mắt, gia đình liên hệ xin trả viện phí cho bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại tiệm.
Bên cạnh đó, bác sĩ Trần Công Ân - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức, thị xã Điện Bàn - cho biết hôm qua (14/9), người nhà tiệm bánh mì Phượng có đến thăm các bệnh nhân ngộ độc sau khi ăn bánh mì, đang được theo dõi điều trị tại đây.
Theo thông tin từ báo Công an nhân dân, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, tính đến chiều 14/9, lực lượng chức năng ghi nhận đã có đến 141 người nhập viện do ngộ độc thực phẩm sau khi sử dụng bánh mì Phượng (số 2B, đường Phan Châu Trinh, TP Hội An), trong đó có 33 người nước ngoài gồm Australia, Anh, Nhật, Chi Lê và Đức...
Cụ thể, 141 người nghi ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì Phượng đang điều trị tại tỉnh Quảng Nam gồm: Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Sài Gòn Hội An (36 ca); Trung tâm Y tế TP Hội An (10 ca); Bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức (23 ca); Phòng khám đa khoa Khang Cường, TP Hội An (28 ca); tại Bệnh viện Đa Khoa Khu vực Quảng Nam (5 ca); tại Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên (3 ca); 36 ca còn lại đang điều trị tại 3 bệnh viện ở TP Đà Nẵng, gồm: BVĐK khoa Gia Đình, Bệnh viện Tâm Trí Đà Nẵng, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng.
Ngoài ra, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam còn ghi nhận một số trường hợp người dân điện thoại, báo ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Phượng.
Ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cũng thông tin, hiện nay, đa số các bệnh nhân ngộ độc đang điều trị tại các cơ sở y tế, bệnh viện trên địa bàn và tại TP Đà Nẵng có sức khỏe cơ bản ổn định, một số trường hợp đã được xuất viện.
Hiện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế tỉnh Quảng Nam) đang phối hợp các đơn vị liên quan tại Hội An điều tra nguyên nhân, lấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang để kiểm nghiệm. Dự kiến khoảng 7 đến 10 ngày sẽ có kết quả.
Xung quanh vụ ngộ độc tập thể này, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam đã lập đoàn kiểm tra cơ sở bánh mì Phượng. Kết quả ban đầu, khu vực sơ chế của cơ sở này chưa đảm bảo vệ sinh, chưa phân biệt giữa khu vực bảo quản nguyên liệu, thực phẩm, khu vực sơ chế, chế biến và khu vực khác.
Cơ sở này đã không lưu bánh mì, sốt trứng gà tươi trong số lượng món ăn trong 1 ngày. Không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải đảm bảo vệ sinh (thùng rác tại khu vực sơ chế, chế biến không có nắp đậy).
Các dụng cụ sơ chế, chế biến chưa đảm bảo vệ sinh (máy xay thịt). Thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc bao gồm bánh mì (pa tê, thịt xá xíu gồm thịt và nước, xíu mại, rau răm, rau húng, hành, xà lách, sốt trứng gà tươi (trứng gà + dầu ăn), dưa leo, đu đủ chua, chả heo).