Có đối tượng còn lập một đoàn người giả danh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để đi khám bệnh, tư vấn sức khỏe, quảng cáo dược phẩm, tổ chức các tour du lịch kết hợp khám chữa bệnh tại các địa phương.
- Mạo danh Điện lực lừa đảo hình thức mới: “Nạp tiền để được hoàn trả 6 tháng tiền điện”
- Bộ Công an cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới, các phụ huynh đặc biệt chú ý
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa phát đi thông báo về việc tiếp diễn nạn mạo danh các y, bác sĩ, nhân viên y tế của đơn vị này để trục lợi, lừa đảo người bệnh.
Theo đó, thời gian gần đây, các đối tượng tiếp tục thiết lập các trang mạo danh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để lôi kéo người dân nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, trục lợi. Thủ đoạn mạo danh để lừa đảo ngày càng trắng trợn, ngang nhiên và rất khó “diệt tận gốc”. Do đó nếu không đề cao cảnh giác, người dân rất dễ ‘sa lưới’ của các đối tượng lừa đảo.
Lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội (nhất là Facebook), xuất hiện hàng loạt trang Fanpage mạo danh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để tiếp cận người dân nhằm chào bán sản phẩm thuốc, dịch vụ y tế kém chất lượng làm tổn hại sức khỏe của người dân, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Bệnh viện.
Các thủ đoạn lừa đảo "nâng cấp" liên tục. Từ lập tên trang mạo danh lập lờ dễ gây hiểu nhầm như “Bệnh viện 108”, “Bệnh viện Quân y 108, “Bệnh viện Quân đội 108”… đến thực hiện sao chép, đăng tải trái phép các bài đăng, logo, slogan trên Fanpage chính thức của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Thậm chí, các đối tượng còn cắt ghép hình ảnh, video về Bệnh viện trên các kênh thông tin đại chúng và lồng tiếng quảng cáo sản phẩm hòng lôi kéo người theo dõi.
“Điều trị dứt điểm tiểu đường không tái phát chỉ với 1 liệu trình”, “thuốc điều trị bạc tóc, thuốc trị nám, sản phẩm làm đẹp được kiểm nghiệm bởi Viện 108”, “bác sĩ hơn 15 năm kinh nghiệm trong ngành thẩm mỹ trực tiếp thực hiện”, đây là những lời chào mời đầy hứa hẹn với ưu đãi lớn của các đối tượng lừa đảo.
Không chỉ mạo danh Bệnh viện và các khoa của Bệnh viện, các trang giả mạo còn mạo danh bác sỹ của Bệnh viện để tăng độ tin cậy với người dân. Nội dung giả mạo thường là khẳng định mời được thầy thuốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đến cơ sở của họ để khám cho người bệnh.
Ngoài ra, các đối tượng cũng trực tiếp liên lạc giới thiệu mình là bác sĩ, điều dưỡng của khoa mà bệnh nhân vừa ra viện để chào mời sử dụng dịch vụ chăm sóc bệnh nhân tại nhà như: Chăm sóc vật lý trị liệu, thay băng, chăm sóc bà bầu, chăm sóc mẹ và bé sau sinh, xét nghiệm, tiêm thuốc, truyền dịch...
Nhiều trường hợp mạo danh bác sỹ Bệnh viện để tuyên truyền quan điểm chữa bệnh sai lệch: Có bệnh chỉ cần áp dụng “liệu pháp chữa lành tự nhiên” trong một cuốn sách nào đó, không cần các phương pháp y học hiện đại.
Bên cạnh sự ‘bùng nổ’ các trang mạng xã hội mạo danh (trên Facebook, TikTok, Zalo…), nhiều đối tượng còn có hành vi chèo kéo, mời chào khách hàng là người bệnh, người nhà người bệnh dẫn đi khám tại phòng khám thuộc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Cá biệt có đối tượng còn lập một đoàn người giả danh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để đi khám bệnh, tư vấn sức khỏe, quảng cáo dược phẩm, tổ chức các tour du lịch kết hợp khám chữa bệnh tại các địa bàn ở Hải Dương, Hải Phòng, Lào Cai.
Theo phía Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nhằm ngăn chặn các hành vi mạo danh, lừa đảo, đơn vị này đã thường xuyên rà soát, báo cáo với cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng. Tuy nhiên, để đối tượng xấu không có cơ hội lợi dụng, người dân cần đề cao cảnh giác hơn nữa và chọn lọc thông tin chính xác.
Người dân cần lưu ý, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 không cung cấp, liên kết kinh doanh, kiểm nghiệm bất kỳ sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng nào qua hình thức trực tuyến (online). Bệnh viện chỉ bán thuốc khi có đơn của bác sĩ tại các nhà thuốc trong khuôn viên Bệnh viện. Đặc biệt, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chưa triển khai khám, điều trị tại nhà.