Trước nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc kêu gọi chữ ký của cộng đồng để có mức án cao nhất cho hung thủ, mẹ bé Nhật Linh và luật sư Nhật Bản đều lên tiếng.
- Mẹ bé Nhật Linh: 'Con trai tôi cứ hỏi sao chị đi học mãi chưa về'
- Hành trình đi tìm công lý cho bé Nhật Linh: Gần 1 năm sau ngày ra đi của bé, kẻ thủ ác vẫn khăng khăng chối tội
Mẹ bé Nhật Linh: Mong muốn hung thủ phải chịu mức án cao nhất
Trước nhiều ý kiến trên mạng xã hội nói rằng việc xin chữ ký của gia đình bé gái Lê Thị Nhật Linh (10 tuổi, bị sát hại tại Nhật Bản) là nhảm nhí, không có tính xác thực, mới đây chị Nguyễn Thị Nguyên (mẹ bé Nhật Linh) đã lên tiếng giải thích rõ về hành động của gia đình mình.
“Hung thủ hiện đã bị tống giam và khởi tố với các cáo buộc giết người, dâm ô, bắt cóc, vứt bỏ thi thể. Đã có những chứng cứ rõ ràng nhưng hắn ta vẫn sử dụng quyền im lặng. Hắn cũng chưa đưa ra được bất kỳ chứng cứ ngoại phạm nào.
Gia đình chúng tôi muốn vụ án mau được đưa ra xét xử và hung thủ phải chịu mức án cao nhất. Luật của Nhật vẫn có án tử hình nếu hung thủ giết người với các tình tiết tăng nặng như giết người, hiếp dâm, gây phẫn nộ mạnh trong xã hội và cảm xúc của người nhà nạn nhân.... nên gia đình mới xin chữ ký.
Gia đình làm việc này với sự tư vấn của các luật sư ở Nhật. Gia đình cũng đã thông qua Viện Kiểm sát về việc xin chữ ký này, đồng thời xin cả giấy hỗ trợ của cảnh sát khi đi xin chữ ký”, chị Nguyên bày tỏ.
Chị Nguyên cũng cho biết, hàng ngày dù trời lạnh 0 độ C nhưng anh Hào – chồng chị vẫn đứng tại các nhà ga để xin chữ ký. Còn chị và cháu Tú (em trai Nhật Linh – PV) còn nhỏ, do trời quá lạnh nên 2 mẹ con đành phải ở nhà.
“Hai bàn tay anh sưng cước đỏ, mũi chảy máu vì lạnh nhưng anh vẫn đi. Dù vất vả thế nào gia đình phải làm mọi cách vì con gái đáng thương. Việc làm trên của gia đình tôi người Nhật cũng ủng hộ, có người còn tới giúp. Tuy nhiên, việc làm này chưa gây chú ý nhiều vì ở Nhật ai cũng vội vàng bận rộn”, chị Nguyên nghẹn ngào.
Luật sư Nhật Bản: Việc xin chữ ký của gia đình không vi phạm pháp luật
Trước thông tin trên, Luật sư Hirota Fushihara đã đăng tải trạng thái trên mạng xã hội trình bày tổng quát, dựa theo thông tin chính thức đã được công bố, cũng như theo pháp luật Nhật Bản về vụ việc gia đình bé Nhật Linh xin chữ ký để mọi người hiểu rõ vấn đề, tránh những nhận định và ý kiến không chính xác và không thiện chí.
Bởi theo thông tin chính thức, bị cáo của vụ án này đã được truy tố vào ngày 26/3/2017 với các tội danh bao gồm tội giết người. Theo pháp luật tố tụng hình sự của Nhật Bản, khi nào Viện kiểm sát (VKS) truy tố bị cáo thì tòa án phải đưa ra xét xử. Sau khi có truy tố, tòa án sẽ tổ chức một số thủ tục chuẩn bị và chuẩn bị xong mới mở phiên tòa công khai.
Cụ thể, Luật sư Hirota Fushihara khẳng định rằng việc xin chữ ký của gia đình bé Nhật Linh nhằm mục đích tòa án hiểu và đưa ra mức án cao nhất trong hệ thống pháp luật của Nhật Bản khi xét xử bị cáo.
Theo Luật sư Hirota Fushihara, lẽ thông thường của Nhật Bản, những vụ án nào mà bị cáo im lặng sẽ phải tốn thời gian để đảm bảo tính thận trọng của việc chứng minh. Vì thế, chúng ta cần hiểu rằng tòa án vẫn đang chuẩn bị và thực hiện những thủ tục cần thiết theo pháp luật.
Pháp luật hình sự của Nhật Bản không có qui định về những điều kiện, hoàn cảnh, hay tiêu chí về mặt pháp lý như thế nào thì tòa án có thể, cần phải tuyên án tử hình.
Tuy nhiên, trong bản án trước đây của tòa án tối cao về một vụ viêc giết người, đã được tuyên vào ngày 8/7/1983, tòa án tối cao đã nêu về những yếu tố làm cơ sở để tòa án có thể tuyên tử hình. Và hiện nay những yếu tố mà đã được nêu trong bản án đó được coi là án lệ.
Theo pháp luật Nhật Bản, việc chứng minh có tội hay không chỉ được xác định theo chứng cứ định tội danh. Trong phần này, những chữ ký của người dân không được xem xét. Nhưng khi tòa án xem xét mức hình phạt, tòa án sẽ xem xét nhiều yếu tố một cách tổng hợp.
Luật sư Hirota Fushihara cũng khẳng định tại Nhật Bản có nhiều gia đình nạn nhân của tội giết người cũng đã tổ chức kêu gọi người dân ký tên ủng hộ mong muốn của gia đình nạn nhân. Xã hội Nhật Bản coi đây là một việc làm chính đáng và không vi phạm pháp luật.