Kể từ khi tin về hai tàu câu mực của ngư dân bị chìm, tiếng khóc nấc bàng hoàng của những người thân, vợ con ngư phủ ở làng chài Đông An (xã Tam Giang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) giờ đây còn lại im bặt.
- Danh tính 12 ngư dân mất tích trong vụ tàu cá bị chìm ở vùng biển quần đảo Trường Sa
- Diễn biến MỚI trong vụ 28 học sinh ngộ độc sau khi ăn bánh bông lan trứng muối
Theo thông tin từ báo Tiền Phong, vào ngày 18/10, bước sang ngày thứ hai những người vợ, con và người thân của ngư dân hai tàu bị chìm “vật lộn” với cơn sóng dữ trong lòng. Thời gian nặng nề trôi đi, hy vọng càng mong manh. Những lời thăm hỏi về tình hình chỉ nhận được những cái lắc đầu. Những khuôn mặt thất thần, đăm đăm về phía biển, nguyện cầu.
Ngôi nhà thuyền trưởng Lương Văn Viên tàu câu mực số hiệu QNa-90129 TS ở thôn Đông An, xã Tam Giang, huyện Núi Thành đông người ra vào. Đó là những bà con hàng xóm thăm hỏi, động viên. Nhưng chưa có tin vui nào báo về, ai nấy cũng chỉ biết lặng lẽ ngồi chờ.
Bà Phan Thị Thuận (46 tuổi, vợ ông Viên) không còn sức, mọi người phải dìu vào giường nằm. Người em trai ông Viên là Lương Văn Công cũng xin nghỉ việc, ở nhà ngóng tin.
Anh Công cho biết, nhà có 7 anh chị em trong đó 3 người con trai thì chỉ mình anh không theo nghề đi biển. Con tàu QNa 90129 TS của anh trai mình gặp nạn nằm ngoài biển, 40 ngư dân được tàu của người anh cả Lương Văn Cam vớt lên, nhưng 12 người khác trên tàu vẫn mất tích. Cuộc tìm kiếm đang còn tiếp tục. Suốt đêm qua chẳng ai chợp mắt được, khắc khoải mong tin từ tàu cứu nạn.
Cạnh đó là ngôi nhà của ông Phạm Văn Đào (44 tuổi) - ngư dân tàu câu mực QNa 90927 TS bị chìm sáng ngày 17/10. Bà Trần Thị Nguyệt vợ ngư dân Đào ngồi bó gối trước nhà, mắt đỏ hoe, thở mệt nhọc. Người con trai Phan Văn Phước, 23 tuổi, ngồi cạnh nắm tay mẹ. Sáng qua khi nghe tin tàu cha gặp nạn Phước liền bắt xe từ Bình Dương về.
“Ba có điện về nói mình còn sống nhưng hiện một chú đi cùng vẫn mất tích. Mọi người đang cố gắng tìm, chỉ mong còn phép màu thôi", Phước chia sẻ.
Nghề câu mực vốn là nghề truyền thống của ngư dân làng biển Tam Giang. Đây là chuyến biển thứ 4 trong năm cũng là chuyến biển cuối năm nhưng rồi tai ương ập đến, có đến 2 tàu của ngư dân địa phương cùng gặp nạn. Rất nhiều ngư dân trên 2 tàu gặp nạn là người thôn Đông An, xã Tam Giang. Đây đều là những ngư dân dày dạn kinh nghiệm nhưng nghề biển thì ai cũng biết rủi ro khó lường.
Thuyền trưởng Viên cũng sở hữu không ít những bằng chứng nhận, giấy khen sản xuất kinh doanh giỏi. Đầu tháng 3 vừa qua, tập thể tàu ông Lương Văn Viên QNa 90129 TS nhận Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong khai thác hải sản đạt sản lượng cao, góp phần phát triển KT-XH địa phương.
Theo thông tin từ VTC News, vào ngày 18/10, Đại tá Trần Tiến Hiền - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam cho biết, đến thời điểm 9h cùng ngày, các lực lượng tham gia cứu hộ vẫn chưa tìm thấy 13 ngư dân mất tích trong 2 vụ chìm tàu ở Trường Sa.
Đại tá Hiền cho biết, khu vực hai tàu gặp nạn đang có gió cấp 3-4, trời nắng, thuận tiện cho công tác tìm kiếm. Hiện nay, 7 tàu cá của ngư dân và 4 tàu của Bộ Quốc phòng vẫn đang tích cực tham gia cứu hộ.
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Ủy ban Quốc gia Ứng phó thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo tàu Cảnh sát biển tiếp nhận 78 ngư dân thoát nạn trong 2 vụ chìm tàu cùng hai thi thể để bảo quản, chăm sóc y tế, đưa vào bờ khi kết thúc tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
Đề cập đến công tác cứu hộ, Thượng tá Trương Bá Long, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Vùng Cảnh sát biển 2, thông tin thêm, tàu Cảnh sát biển 8002 đã tiếp cận tàu chở ngư dân bị nạn, hỗ trợ y tế và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tàu hải quân, kiểm ngư cùng 7 tàu cá ngư dân tiếp tục tìm kiếm 13 ngư dân mất tích.