Người đàn ông sau khi nhặt được tài sản khoảng 200 triệu phải đợi đến 2 tháng sau công an phát đi thông báo truy tìm thì mới mang tài sản đến giao nộp.
- Xe ô tô thể thao lao xuống biển, hai mẹ con tử vong
- Ám ảnh lời kể nhân chứng trong vụ nghịch tử sát hại cha ruột: 'Dù được mẹ can ngăn nhưng con vẫn dùng dao cứa cổ cha'
Theo thông tin từ báo Vietnamnet, Ngày 25/5, Công an TP.Thủ Đức cho biết đã tiếp nhận và xử lý các thủ tục hành chính liên quan tới vụ việc người đàn ông trả lại 200 triệu bị đánh rơi.
Tối 1/4, bà N đi uống cà phê với một số người bạn tại bàn B12 quán cà phê Koiland, ở số 13 đường Khổng Tử, khu phố 4, phường Bình Thọ. Hơn 1 giờ sau, bà N ra về nhưng để quên ví trên ghế ngồi. Lúc sau, bà N quay lại tìm nhưng không thấy ví.
Trích xuất camera tại quán cho thấy, bé gái khoảng 10 tuổi ngồi bàn B11 bên cạnh là người đã nhặt chiếc ví trên. Bé gái này đi cùng người đàn ông và một bé gái khác.
Khi trình báo với công an, bà N cho biết, trong ví chứa tài sản gồm: 1 CMND tên Vương Thị Hồng N, 2 chỉ vàng 9999 PNJ, khoảng 7.000 Euro, 100 Đô la Úc, 500 USD và 2,8 triệu đồng, ước tính tổng giá trị khoảng 200 triệu đồng. Thụ lý xác minh, công an đã phát đi thông báo truy tìm những người liên quan đến vụ mất ví có tài sản lớn.
Đến chiều 25/5, cha của bé gái đã mang toàn bộ ví có chứa tài sản đến Công an TP. Thủ Đức để giao nộp.
Đáng nói, khi con gái nhặt được ví có số tài sản lớn thì ông này đã không bàn giao lại cho quán cà phê hay công an địa phương mà đem về nhà. Gần 2 tháng sau khi nhặt được của rơi, khi công an phát đi thông báo truy tìm cùng với đoạn clip trích xuất từ camera an ninh của quán cà phê thì ông này mới mang tài sản đến giao nộp.
Theo thông tin từ báo Tiền Phong, phân tích hành vi trên dưới góc độ pháp lý theo khoản 1 Điều 230 BLDS 2015 quy định, khi nhặt được tài sản của người khác đánh rơi thì người nhặt nếu biết địa chỉ của người đó phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho họ.
Trường hợp không biết địa chỉ của người đánh rơi, hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND hoặc Công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết nhận lại.
Sau 1 năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì theo Điều 230 BLDS 2015, quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:
Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (nhỏ hơn hoặc bằng 14.9 triệu đồng thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó.
Nếu tài sản có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng: Giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (14.9 triệu đồng) và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước…
Trường hợp các chủ thể trên có yêu cầu trả lại tài sản, nhưng người nhặt được cố tình chiếm giữ, không trả lại tài sản nhặt được thì có thể bị phạt hành chính hoặc xử lý hình sự - luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.
Về xử lý hành chính, Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định, người nào chiếm giữ trái phép tài sản của người khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng.
Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người chiếm giữ trái phép tài sản của người khác có thể bị xử lý hình sự theo Điều 176 BLHS 2015.
Theo đó, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 -dưới 200 triệu đồng, hoặc dưới 10 triệu đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật… thì bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên, hoặc bảo vật Quốc gia thì bị phạt tù từ 1 - 5 năm.