Gia đình ông Nguyễn Văn Minh (61 tuổi, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) đã trải 5 đời mưu sinh trên biển, ngày đêm mong mỏi ngày được vào đất liền.
- Diễn biến MỚI trong việc bồi thường cho phi công tử vong do rơi trực thăng Bell-505
- Mẹ của nữ sinh lớp 10 trường chuyên ĐH Vinh tự tử: 'Đau lòng quá, tôi mất con thật rồi!
Cả đời gắn với con sóng, bao nhiêu vị mặn của biển ông Nguyễn Văn Minh đều đã trải qua nhưng chưa bao giờ ông hết mong mỏi về một ngày được lên đất liền thay đổi cuộc sống.
Trong căn nhà bè nổi rộng khoảng 80m2 nằm sâu trong vụng cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn, ông Minh kể lại cuộc sống của gia đình: “Bố mẹ sinh tôi ra ở đảo và biển cho nên cuộc sống của tôi gần như gắn bó với sông nước.
16 tuổi là tôi đã đi làm nghề biển và bắt đầu theo cha tham gia hợp tác xã nghề cá Bản Sen. Tới năm 22 tuổi tôi lập gia đình rồi cùng vợ mua thuyền buồm để làm nghề chài lưới. Cuộc sống cứ thế qua đi và lần lượt 5 đứa con sinh ra cũng gắn liền với thuyền và biển”.
Cuộc sống mưu sinh của vợ chồng ông Minh cùng với các con gần như gắn bó với biển. Tất cả những chuyến đi biển đều phụ thuộc vào con nước.
Ông Minh cho biết: “Khoảng năm 1982, giao thương mua bán với Trung Quốc phát triển lúc đó mới có máy móc. Hai vợ chồng tích cóp đổi thuyền buồm sang thuyền máy, từ đó những chuyến đi biển vươn khơi cũng đỡ vất vả và dài ngày hơn. Các con cũng có thêm con cá, con tôm, bát cơm. Bao nhiêu tích cóp tôi dồn hết vào việc đóng những con thuyền lớn và ngư cụ cho các con làm nghề biển”.
Sinh ra lớn lên trên biển nên các con ông Minh không có điều kiện học hành. Đến tuổi trưởng thành họ gắn liền với công việc sông nước, cứ thế tiếp tục gắn bó với nghề thuyền chài mà cha ông bao đời để lại.
“Đời ông, đời cha, đời tôi rồi đến đời con đời cháu đều sống bằng nghề sông nước, lấy thuyền là nhà, biển là nơi mưu sinh. Từ năm 2002, vợ chồng tôi tích cóp bắt đầu đóng căn nhà bè nổi cố định một chỗ. Từ lúc có bè cũng đỡ vất vả, có chỗ để về sau những chuyến đi biển dài ngày.
Cuộc sống nay đã khác mười mấy năm về trước khi cứ lênh đênh trên biển, không có chỗ ở cố định cứ thích là nhổ neo nổ máy chạy đi khắp nơi”, ông Minh tâm sự.
Ông Minh tâm sự, gắn bó với nghề biển từ nhỏ nên ông và gia đình đã trải qua không ít sóng gió, giông tố đe dọa tính mạng.
“Không thể nhớ hết được những cơn bão lớn làm bay nhà bè. Đến nay gia đình tôi đã 4 lần thay mới nhà bè nổi còn những lần sửa chữa sau bão thì không nhớ hết. Hầu như năm nào cũng phải gia cố thuyền bè để tránh ảnh hưởng bởi bão gió mà mỗi lần như thế chi phí không hề nhỏ”, ông Minh nhớ lại.
Theo lời kể của ông Minh, hiện tại các con ông đều đã lập gia đình và nối nghiệp sông nước. Nhưng may mắn hơn, các cháu ông đã được hàng ngày đến trường để học con chữ như bao đứa trẻ khác.
“Cũng động viên các con cố gắng cho các cháu ăn học bởi đời mình đã không biết mặt chữ. Hai vợ chồng cũng có tuổi rồi những chuyến đi biển dài ngày vươn khơi không thể đi được nên ở gần bờ để ngày ngày đưa đón các cháu vào đất liền học hành.
Vì cách sông cách đò nên việc học hành các cháu rất vất vả nhưng gia đình đang cố gắng khắc phục. Mỗi lần các cháu ốm đau là những lần vất vả nhất vì ở dưới biển không như đất liền có thể vào bệnh viện ngay mà phải di chuyển bằng thuyền. Nhìn người ta có nhà có cửa đầy đủ mình cũng chạnh lòng thương con thương cháu”, ông Minh buồn rầu.
Cũng như bao gia đình khác sinh sống ở xòm chài nhỏ ven cảng Cái Rồng, Vân Đồn, gia đình ông Minh cũng chỉ mong sức khỏe, trời yên biển lặng ngày ngày mưu sinh kiếm sống.
Xa hơn nữa ông Minh cũng như nhiều gia đình mong mỏi được chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ tái định cư trên đất liền để có nơi an cư cho cháu con học hành, thay đổi cuộc sống.