Trước đó, xét xử sơ thẩm ngày 4/3, TAND huyện Đức Hòa đã tuyên buộc bà Cúc và những người liên quan tại Tịnh thất Bồng Lai trao trả bé TGB cho bà Dung nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.
- Mưa lớn, nhiều cây xanh gãy đổ, đè vào người đi đường bị thương ở Đắk Lắk
- Vạch trần lời khai gian dối của mẹ kế bạo hành con trai 10 tuổi ở Cà Mau
Theo thông tin từ báo Pháp luật TP.HCM, sáng 26/7, TAND tỉnh Long An đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án dân sự “tranh chấp yêu cầu chấm dứt nuôi con nuôi” giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Mỹ Dung và bị đơn là bà Cao Thị Cúc (một trong những bị án của vụ án lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến Tịnh thất Bồng Lai).
Tại phiên tòa, nguyên đơn có mặt; bị đơn vắng mặt; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn có đơn đề nghị hoãn phiên tòa; những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt không lý do. Do đó, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa; sẽ mở lại vào ngày 22/8.
Trước đó, theo thông tin từ báo Người Đưa Tin, bà Dung sinh bé T.G.B và đăng ký khai sinh tại thị trấn Long Hải, Bà Rịa Vũng Tàu. Đến năm 2019, vì gia đình gặp nhiều biến cố, khó khăn trong việc nuôi con, bà Dung đã nảy ra ý định cho con đi làm con nuôi.
Tình cờ xem được chương trình tìm kiếm tài năng hài kịch, thấy các "chú tiểu" được giới thiệu là trẻ mồ côi đang sống tại Tịnh thất Bồng Lai, bà Dung nghĩ nếu gửi con tại đây, bé T.G.B sẽ được chăm sóc tốt. Bà chủ động tìm đến gặp bà Cúc để cho con. Bà Dung cho biết, bà quyết định đòi lại bé T.G.B vì lầm tưởng Tịnh thất Bồng Lai là một ngôi chùa chuyên nhận nuôi trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn để làm từ thiện. Sau khi biết Tịnh thất Bồng Lai không phải cơ sở thờ tự tôn giáo theo quy định của pháp luật, bà cảm thấy thất vọng.
Bà Dung cũng bày tỏ lo ngại chuyện Tịnh thất Bồng Lai thường xuyên đưa hình ảnh của bé B. lên mạng xã hội, có thể làm ảnh hưởng đến tâm lý của bé về sau. Mặt khác, bà Cúc đang thi hành án phạt tù nên sẽ không có điều kiện nuôi dạy bé B.
Ngoài ra, bà Dung cũng tố bà Cúc đã làm sai với thỏa thuận khi giao nhận bé B. làm con nuôi. Khi giao con, bà Cúc nói có thể đến thăm bé thoải mái. Thế nhưng khi làm xong thủ tục, bà Dung chỉ thăm con được vài lần, sau đó thì không được vào thăm nữa.
Cơ quan chức năng như công an, tòa án đến làm việc thì cơ sở này không mở cửa, không hợp tác. Còn bà Dung và mẹ của bà đến thăm bé T.G.B. (trong thời gian bà Cúc đi tù) cũng không được những người đang sống tại đây cho phép.
Tất cả những điều này thôi thúc bà Dung theo đuổi hành trình đầy nước mắt, tuyệt vọng để đòi lại con ruột.
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An khẳng định Tịnh thất Bồng Lai (sau đổi tên thành Thiền am bên bờ vũ trụ) không phải là cơ sở Phật giáo. Những người tự xưng là "các thầy", "các cô", "chú tiểu" tại đây đều không phải tu sĩ.
Trước vụ ồn ào đòi con của bà Dung, phía Tịnh thất Bồng Lai còn nhận nuôi một em bé khác từ một người mẹ không có khả năng kinh tế. Trong văn bản cho con nêu lý do của người mẹ vì "hoàn cảnh gia đình quá khó khăn" nên "cho đứt bé vĩnh viễn cho ông Lê Tùng Vân" và muốn đòi về phải nộp 10 tỷ đồng.