Liên quan đến đường dây gần 600 sản phẩm sữa giả, nhiều đại lý sữa bột vội ngưng bán hàng, chờ hướng giải quyết.
- Bức xúc trước lời khai của bị can trong vụ sản xuất sữa giả: Hàm lượng dinh dưỡng không được kiểm tra, tự bỏ đi nhiều nguyên liệu
- Hé lộ hệ sinh thái lên đến 9 công ty của đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả, sản phẩm “phủ” toàn quốc dành cho mọi lứa tuổi
Như trước đó báo Pháp Luật TP.HCM, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 8 người về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm...
Bước đầu điều tra xác định, từ tháng 8-2021 đến nay, các bị can trên đã thành lập Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất, kinh doanh 573 nhãn hiệu sữa bột các loại và đã bán ra thị trường với doanh thu gần 500 tỉ đồng.

Những nhãn hiệu sữa này được quảng cáo, công bố có chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, sữa của 2 công ty trên sản xuất không có những chất này và chất lượng đạt dưới 70% mức công bố.
Theo thông tin trên báo Lao Động, nhận được thông tin về vụ án sữa giả, ông Hữu Tú, chủ chuỗi cửa hàng "Anhtuvuabimsua" vội vàng hạ toàn bộ hàng có nhãn hiệu Công ty Cổ phần dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần dược dinh dưỡng Hacofood Group sản xuất xuống kệ. Đồng thời, ngưng bán sản phẩm ra thị trường.
Trao đổi với Lao Động, ông Hữu Tú cho biết: "Khi doanh nghiệp này đến tiếp thị sữa, họ có đầy đủ giấy tờ pháp lý chứng minh nguồn gốc xuất xứ, nên chúng tôi hoàn toàn tin tưởng, không ai nghĩ đó lại là sữa giả. Toàn bộ sữa giả này, chúng tôi sẽ liên hệ với phía công ty để trả lại nhà sản xuất", ông Tú nói và cho biết, hiện phía công ty đã kiểm đếm sản phẩm, nhưng chưa xác nhận khi nào sẽ trả lại tiền cho đơn vị bán hàng.

Theo ông Tú, việc làm sai trái của nhà sản xuất Rance Pharma đã làm ảnh hưởng đến uy tín của những đơn vị bán hàng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng. Doanh nghiệp và người tiêu dùng là bị hại của Rance Pharma.
"Khách hàng mua sữa rất hoang mang, lo lắng khi đã dùng phải sản phẩm sữa giả như vậy. Chúng tôi cũng lắng nghe những chia sẻ của khách hàng để phản hồi đến đơn vị sản xuất. Mẹ tôi, năm nay 80 tuổi cũng chính là nạn nhân khi sử dụng sản phẩm của Rance Pharma", ông Tú nói.
Theo ông Tú, đơn vị đang làm việc với luật sư để bảo vệ quyền lợi và trưng cầu ý kiến của khách hàng, để nhà sản xuất và cung ứng phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.
"Hiện tại, chúng tôi đã hạ hàng, niêm phong và cấm bán những sản phẩm của Rance Pharma. Trong khả năng của mình, tôi sẽ ngăn chặn kịp thời những sản phẩm giả đến tay người tiêu dùng”, ông Tú nói.
Cũng theo thông tin trên báo Lao Động, sau khi đường dây sản xuất, buôn bán và tiêu thụ sữa bột giả được Bộ Công an triệt phá, nhiều đại lý sữa bột vội ngưng bán hàng, chờ hướng giải quyết, nhưng trên nền tảng thương mại điện tử vẫn bày bán "chễm chệ".

Qua khảo sát một số nhãn hàng sữa đã được xác định là sữa giả, PV Báo Lao Động vẫn nhận thấy sự xuất hiện của các loại sữa giả này trên chợ thương mại điện tử Shopee. Trên nền tảng thương mại điện tử này, một gian hàng mang tên "Sữa CilonMum chính hãng" vẫn đang bày bán các sản phẩm do Rance Pharma sản xuất.
Trên website Hệ thống Nhà thuốc Việt (Viet Pharmacy), ngày 14.4, sản phẩm Cilonmum Canxi Colostrum 24h ngừa loãng xương lon 900g được rao bán với giá 489.000 đồng, kèm mô tả thành phần gồm canxi, vitamin K2 (MK7), tổ yến, bột macca và đông trùng hạ thảo. Đây cũng chính là những thành phần đã được cơ quan điều tra xác định là không có trong sản phẩm thực tế.
Tuy nhiên, đến trưa 15.4, toàn bộ sản phẩm sữa giả được quảng cáo trên website trước đó đã được gỡ bỏ, không thể truy cập được.