Chỉ với câu nói đùa, ông Kính đã tán đổ cô gái bán rau ở chợ và sau đó cưới luôn người phụ nữ này về làm vợ.
- Nghệ An: Bỏ mặc nạn nhân bị cán nát tay ngất xỉu giữa đường, tài xế phóng xe bỏ trốn
- Đà Nẵng: Xe máy gãy đôi sau va chạm với xe tải, nam thanh niên nguy kịch
“Lúc đầu tôi cũng chỉ đùa thôi”
Ông Nguyễn Văn Kính (ở xã Thượng Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội) dù đã 87 tuổi nhưng thân hình vẫn quắc thước, giọng nói vẫn hào sảng như những người đàn ông mới ngoài 40 tuổi.
Ông Kính chia sẻ, chuyện ông lấy vợ kém gần 40 tuổi là bình thường chứ không có gì đặc biệt bởi hai vợ chồng yêu thương thật lòng, không hề lợi dụng gì nhau.
“Dù tôi lấy vợ khi tuổi đã cao, nhưng tôi vẫn làm đủ mọi thủ tục bình thường, vẫn ăn hỏi, rước dâu và tổ chức đám cưới như mọi người. Hơn thế nữa là chúng tôi yêu thương nhau thật lòng”, ông Kính nói.
Kể về chuyện lấy được vợ kém 40 tuổi, ông Kính cho biết: “Ngày đó, tôi ra chợ thị trấn mua rau giống, còn cô ấy (vợ ông Kính hiện tại) thì bán rau ở góc chợ.
Lúc đầu, tôi hỏi cô ấy đã có chồng chưa? Cô ấy trả lời chưa có. Thấy vậy, tôi mới nói đùa là: Thế có cần tôi giới thiệu không? Cô ấy cười và đồng ý.
Tưởng chỉ là câu nói đùa lúc đó, không ngờ vài ngày sau tôi ra chợ, thấy tôi cô ấy lại hỏi tôi: Thế chưa có ai để giới thiệu à? Tôi cười và nói: Hay là lấy luôn tôi này, cần gì phải giới thiệu ai?.
Sau khi nói vậy, cô ấy cười và hỏi lại: Thế bác chưa có vợ à. Khi đó tôi mới ngồi xuống nói chuyện và nói cho cô ấy biết vợ mình đã mất nhiều năm nay.
Sau đó, tôi thường xuyên ra nói chuyện với cô ấy, những câu chuyện thường là về cuộc sống hàng ngày. Sau khoảng 1 tháng liên tục "tấn công", chúng tôi cảm thấy hợp nhau, rồi cô ấy đồng ý lấy tôi làm chồng. Lúc đó tôi đã 80 tuổi rồi, còn cô ấy chưa từng lấy chồng và mới 40 tuổi”.
Chính vì chưa từng lấy chồng, nên ông Kính đã suy nghĩ rất nhiều khi cả hai quyết định sẽ về ở với nhau.
“Tôi đã có một đời vợ rồi, còn cô ấy chưa mặc áo cưới lần nào. Nghĩ vậy, tôi bàn với các con tôi sẽ tổ chức ăn hỏi, rước dâu và tổ chức đám cưới đàng hoàng, chứ không thể cứ thế mà về ở với nhau được”, ông Kính kể.
Thuận vợ, thuận chồng tát biển đông cũng cạn
Do chênh lệch về tuổi tác, nên thời gian đầu về chung sống với nhau vợ chồng ông Kính đôi lúc cũng khó xử trong việc xưng hô và cả trong cuộc sống, thậm chí còn ngại ngùng khi đi ra đường vì sự “lệch pha”.
“Bây giờ xưng hô "anh – em" quen rồi. Chứ lúc đầu gọi nhau như vậy ngượng ngùng lắm. Kể cả các con tôi cũng vậy, lúc đầu cũng rất khó xử trong việc xưng hô”, ông Kính nói.
Khi đề cập đến chuyện con cái, chúng tôi đặt hỏi về việc hai vợ chồng có ý định sinh con hay không? Ông Kính cười hiền và nói: “Tuổi này còn con cái gì nữa, với lại con cả tôi năm nay đã hơn 60 rồi. Chính vì thế, gần 10 năm về sống với nhau, chúng tôi chưa hề có ý định có con”.
Ngồi bên cạnh chồng, khi nghe chồng kể lại “hành trình” yêu đương, cưới hỏi… bà Đoàn Thị Thuận (vợ ông Kính) cho biết: “Bây giờ cuộc sống vợ chồng tôi đã vào khuôn rồi, nên làm gì cũng thuận chứ thời gian đầu cũng nhiều vấn đề lắm”.
Theo chia sẻ của bà Thuận, do lấy chồng tuổi đã cao, nên nhiều người nghĩ bà có mục đích “hôi của”. Thời gian đầu bà chịu không ít điều tiếng nhưng với sự tin tưởng của gia đình nhà chồng, sự yêu thương của chồng, bà Thuận đã vượt qua tất cả và còn cho rằng: “Có phúc mới lấy được chồng già”.
Nói về cuộc sống hiện tại, bà Thuận thẳng thắn chia sẻ: “Chồng tôi bằng này tuổi hằng ngày vẫn chạy xe máy 17 cây số chở rau cho tôi ra chợ bán để lấy tiền sinh hoạt hàng ngày.
Dù giờ sức khỏe của cả hai vợ chồng đã giảm sút, nhưng cứ thuận vợ, thuận chồng thì làm việc gì cũng xuôi”, bà Thuận nói.
Ông Kính tiếp lời: “Nhiều lúc cũng muốn bảo vợ nghỉ đi chợ, nhưng đó là công việc gắn bó với vợ bao năm nay. Giờ mà nghỉ chắc vợ tôi cũng buồn và hơn thế nữa là chẳng có tiền sinh hoạt. Bởi vậy, khi thấy vợ đạp xe đi chợ, tôi thương vợ vất vả nên dùng chiếc xe máy cũ đi chở rau cho vợ đi bán”.