Mặc dù mới 8h tối ngày cuối tuần, thời gian cao điểm ăn uống, vui chơi của người dân nhưng nhiều quán nhậu trên “phố nhậu” đường Phạm Văn Đồng lại vắng khách, đìu hiu lạ thường.
- Tuyên dương thầy giáo dũng cảm cứu sống 3 người trong lũ dữ
- Giá vàng ngày 20/11: Duy trì mức cao đối với vàng nhẫn, vàng trang sức
Theo thông tin từ báo Giáo dục thủ đô, từ khi siết chặt đo nồng độ cồn, nhiều người dân bỏ thói quen nhậu sau giờ làm, thậm chí cuối tuần cũng chẳng muốn “lai rai” khiến hàng loạt quán nhậu ế ẩm, đìu hiu. Cụ thể, nhiều quán nhậu trên “phố nhậu” đường Phạm Văn Đồng lại vắng khách, đìu hiu lạ thường. Bàn ghế trống xếp la liệt mà chỉ lác đác vài bàn có người ngồi.
Các chủ quán nhậu cho biết, việc kinh doanh ăn uống có bia rượu ngày càng khó khăn do bị ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế cùng với việc cơ quan chức năng siết chặt kiểm tra nồng độ cồn nên khách hàng đã dần bỏ ăn nhậu sau giờ làm. Quán nhậu này, trước đây thường có khách ngồi chật kín từ trên tầng 1 xuống tầng trệt, nhưng ngày Chủ nhật (19/11) chỉ có vài bàn dưới tầng trệt.
Các quán nhậu ở TPHCM rất đa dạng ẩm thực với nhiều món ăn hấp dẫn từ hải sản, đến thịt rừng,… để phục vụ khách nhưng hiện tại khách không dám đi nhậu nữa vì sợ bị đo nồng độ cồn.
Đường Phạm Văn Đồng trải dài từ Gò Vấp đến TP. Thủ Đức, tuyến đường đẹp, đông phương tiện nên quán nhậu được mở ra rất nhiều. Tuy nhiên từ Gò Vấp đến Thủ Đức, quán nhậu đều rơi vào tình trạng chung là ế ẩm. Khách giảm từ 50 – 70%. Tuy nhiên, nhiều người dân cũng rất ủng hộ việc kiểm soát chặt nồng độ cồn để đảm bảo tính mạng con người khi tham gia giao thông.
Quán nhậu ế ẩm, nhân viên ngồi “ngáp ngắn ngáp dài” chờ khách. Có thể thấy, người dân dần bỏ thói quen ăn nhậu sau giờ làm hay cuối tuần cũng một phần vì ý thức và trách nhiệm khi tham gia giao thông. Nhiều nhà hàng tung khuyến mãi để kích cầu, câu kéo khách nhưng không mấy hiệu quả bởi tâm lý sợ đo nồng độ cồn.
Một số nhà hàng, quán nhậu cũng đã nhận giữ xe miễn phí cho khách để khách đón xe ôm hay taxi về sau cuộc nhậu nhưng vẫn chưa hiệu quả.
Các nhà hàng lớn cũng trang trí Noel lộng lẫy để thu hút khách. Dù đang trải qua khó khăn nhưng nhiều chủ quán vẫn cố gắng cầm cự với hy vọng dịp cuối năm khách sẽ quen dần việc không lái xe sau cuộc nhậu.
Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, là quản lý của ba quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng với doanh thu lên đến 200 - 300 triệu đồng mỗi đêm nhưng thời gian gần đây anh Nguyễn Xuân Tiến đang đau đầu vì lượng khách giảm sút. Theo đó, lượng tiêu thụ rượu bia, vốn đem lại lợi nhuận cao cho quán, giảm sút thê thảm.
Lấy doanh thu của một quán đang quản lý, anh Tiến cho biết trước đây mỗi đêm tiền bia rượu gần 15 - 30 triệu đồng nhưng nay chỉ còn dưới 10 triệu đồng.
Thực tế tại các tuyến đường ở TP.HCM nổi tiếng về ăn uống như Phạm Văn Đồng, Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh), có thể dễ dàng nhận thấy tình cảnh khó khăn của ngành kinh doanh ăn uống. Những con đường này trước đây chói lòa ánh điện, âm nhạc sôi động và khách vào ra nườm nượp thì nay kinh doanh ế ẩm, vắng khách, nhiều nhà hàng phải đóng cửa, trả mặt bằng. Vào đến trung tâm thành phố, nhiều nhà hàng, quán ăn cũng than khó vì khách ít, doanh thu giảm không đủ bù chi phí.