Trong suốt 5 năm hoạt động, quán cơm Nụ Cười vẫn luôn cố gắng đem đến những suất ăn giá rẻ cho những ai thật sự cần chúng. Là người lao động nghèo, người lớn tuổi neo đơn, hay học sinh, sinh viên. Ở nơi này, tất cả mọi người đều được chào đón.
2.000 đồng có mua được tự trọng?
Vừa qua phát ngôn của anh Vũ Tuấn Anh - người sáng lập dự án phát triển nghề nghiệp cộng đồng cho sinh viên - về vấn đề sinh viên ăn cơm từ thiện đã tạo những ý kiến tranh cãi trái chiều trong xã hội. Ngay khi bài viết về phát ngôn gây tranh cãi này được đăng tải, đã nhận được gần 100 bình luận, có rất nhiều người đồng tình bên cạnh đó cũng có không ít người phản đối.
"Đúng là ăn 1 bữa cơm từ thiện 2000 đồng thì không có cớ gì để trách mấy bạn sinh viên sức dài vai rộng, vì có thể hôm đó họ chưa xoay sở được tiền. Nhưng vấn đề là ăn 1 ngày 2 ngày còn thông cảm, còn ăn dầm dề cả tháng thì đúng là mấy bạn đó có vấn đề về lòng tự trọng và suy nghĩ. Việc làm thêm không thiếu các bạn ạ, vì tôi đã từng trải qua 4 năm đại học đi làm thêm. Có ăn học, có sức khỏe và tri thức thì có việc làm, việc thì không thiếu, chỉ sợ mấy bạn lười thôi" - độc giả Mai Chi đồng tình với ý kiến của anh Vũ Tuấn Anh.
Tuy nhiên cũng có rất nhiều ý kiến không đồng tình với suy nghĩ của anh Tuấn Anh. Một độc giả chia sẻ: "Vậy là nhiều bạn vẫn chưa gặp cảnh sinh viên vừa học, vừa làm, chạy đủ nghề, kín giờ mà nửa đêm chỉ có ăn gói mì chan cơm nguội (nếu còn gạo). Đừng nhìn bên ngoài mà phán xét, hãy để các bạn sinh viên nghèo không phải cúi đầu khi bước vào quán, số còn lại thì hãy để xã hội tự đào thải, không cần gay gắt như vậy".
Có từ 100 - 200 sinh viên đến ăn cơm từ thiện mỗi ngày
Cần nói thêm rằng, có nhiều độc giả nhầm lẫn anh Vũ Tuấn Anh là chủ nhiệm của quán cơm Nụ Cười 1 (quận 1, TP.HCM) - quán cơm 2000 đồng trong tấm ảnh mà anh đã đăng lên mạng xã hội. Tuy nhiên trên thực tế, chủ nhiệm của quán Nụ Cười 1 cũng như người sáng lập dự án trợ giúp thức ăn giá rẻ của quỹ Từ thiện tình thương TP.HCM là ông Nam Đồng (bút danh của nhà báo Nguyễn Minh Lộc - nguyên tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM).
Hiện tại ông Nam Đồng đang đi công tác xa, nên chúng tôi đã có cuộc trao đổi qua điện thoại để hỏi về vấn đề sinh viên đến quán Nụ Cười ăn cơm từ thiện.
Ông cho biết: "Chúng tôi không đồng tình với ý kiến của anh Tuấn Anh. Đối tượng của quán Nụ Cười là người lao động có thu nhập thấp, người cao tuổi neo đơn, học sinh, sinh viên. Các em sinh viên ở tỉnh vào thành phố học tập vẫn còn phụ thuộc nhiều vào cha mẹ. Các em có rất nhiều khoản để chi tiêu như: tiền nhà trọ, tiền học phí, sách vở, đi lại...Vì thế chúng tôi hỗ trợ suất ăn mong rằng giúp các em tiết kiệm được một ít cho chi phí của mình".
Có nhiều người cho rằng sinh viên kéo đến ồ ạt sẽ khiến phần ăn của người lao động nghèo bị thiếu hụt. Về vấn đề này, ông Nam Đồng nói: "Chúng tôi có nguyên tắc là không hỏi han, thắc mắc về nhân thân hay lý lịch của khách đến quán. Tất cả mọi người đến quán Nụ Cười đều được chào đón nhiệt tình. Trung bình mỗi buổi trưa quán chuẩn bị 450 suất cơm. Tuy nhiên nếu khách đến muộn không còn cơm thì chúng tôi sẽ phục vụ mỳ thịt cho khách. Không bao giờ có chuyện thiếu suất ăn cho mọi người".
Cô Hoàng Tâm (đầu bếp của quán Nụ Cười 1) tâm sự: "Mỗi ngày quán đón từ 100 - 200 bạn sinh viên đến ăn. Đa số ở đây là các bạn sinh viên ở trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng, vì trường gần quán. Các bạn sinh viên đi xe bus đến ăn rồi về lại trường học. Ở quán không phân biệt sinh viên nghèo hay khá giả, miễn đến đây thì đều được phục vụ".
Cô cho biết nhiều bạn sinh viên đến ăn xong rồi ủng hộ thêm cho quán, không đáng kể là bao đôi khi chỉ vài ba chục ngàn nhưng đó là tấm lòng của các em nên các cô chú rất trân trọng.
Sinh viên ăn cơm từ thiện, rồi trở lại làm từ thiện
Tôi gặp Chinh - cậu sinh viên năm 4 ngành Công nghệ thông tin, trường Đại học Sư Phạm TP.HCM trong lúc đang đứng xếp hàng cùng mọi người để vào quán cơm Nụ Cười. Cậu kể: "Quê em ở Vũng Tàu, bố em làm công nhân, còn mẹ em thì làm lao công, thu nhập của bố mẹ không nhiều nên việc chi tiêu cũng phải tiết kiệm".
Ngoài giờ học Chinh đi dạy thêm, mỗi tháng kiếm được 1-2 triệu để chi tiêu. Mỗi ngày cậu đều đến ăn trưa ở quán, việc này giúp Chinh tiết kiệm được kha khá tiền.
Cách đây hơn nửa năm, Trí (sinh viên trường Cao đẳng Cao Thắng) được bạn bè trong lớp giới thiệu quán cơm 2000 đồng, thế là cậu cùng bạn bè đến quán ăn để tiết kiệm chi phí. Cậu bảo: "Cơm vừa rẻ mà lại chất lượng, đối với sinh viên tụi em thì thật sự là rất đáng trân trọng". Ngoài giờ học, Trí đi làm thu ngân để kiếm thêm thu nhập chi trả học phí và dụng cụ học tập.
Nhiều bạn sinh viên sau khi đến ăn ở quán Nụ Cười đã quay trở lại làm tình nguyện viên giúp đỡ các cô chú. Trí cũng là một trường hợp như vậy. Ngoài giờ đến trường, Trí tranh thủ phụ các cô chú trong quán Nụ Cười sơ chế nguyên vật liệu nấu ăn, dọn dẹp, rửa chén...
Thuỷ Tiên - cô sinh viên năm 3 trường Đại học Luật TP.HCM cũng là một gương mặt quen thuộc của quán Nụ Cười 1. Sáng, Tiên chạy qua quán phụ, tới tầm 1h thì tranh thủ ăn cơm rồi chạy ra Thủ Đức để học. Dù khá vất vả nhưng cô nàng luôn cố gắng dành thời gian cho quán.
"2000 đồng hay một suất cơm liệu có đủ lớn lao để đánh giá về một con người, một nhân cách? Tôi tin rằng điều mà những người sáng lập nên dự án quán cơm từ thiện hướng đến là giá trị tâm hồn mà con người ta nhận được sau mỗi suất ăn. Đối với những người trẻ, sau khi họ bước ra từ quán ăn ấm áp này thì sự san sẻ và tình người sẽ theo họ đi hết hành trình của cuộc đời, để rồi biết đâu sau này chính họ sẽ là những người tiếp tục công việc ý nghĩa này" - một tình nguyện viên của Nụ Cười 1 chia sẻ.
"Ăn cơm từ thiện để giảm bớt gánh nặng cho bố mẹ ở quê nhà"
Thời sinh viên tôi vẫn thường xuyên ăn cơm ở những quán cơm từ thiện. Vì khi đó gia đình tôi không có điều kiện nên tôi phải tiết kiệm tiền để dùng vào nhiều việc khác. Sinh viên từ những vùng sâu vùng xa đến thành phố, nghèo rất nhiều. Vì thế việc ăn cơm ở những quán từ thiện cũng là một cách tiết kiệm tiền làm những việc có ích hơn. Ăn cơm ở những quán từ thiện cũng là một phần giảm bớt gánh nặng, nỗi lo cho bố mẹ ở quê nhà.
Quán cơm từ thiện 1000 đồng của tôi có nhiều, rất nhiều học sinh, sinh viên thường xuyên đến ăn. Những người nói sinh viên không được ăn cơm ở những quán từ thiện là cách suy nghĩ tiêu cực. Quán cơm của tôi không phải mở ra chỉ giới hạn cho người lao động nghèo ăn. Mà bất kể ai khó khăn đều có thể đến đây. Vì người nghèo thì rất nhiều, không thể giúp hết được nên những quán cơm từ thiện cũng chỉ giúp đỡ phần nào. Mà đã gọi là giúp đỡ thì không giới hạn là người lao động hay sinh viên, miễn là họ khó khăn, muốn tiết kiệm chi phí thì đều có thể đến.
Anh Nguyễn Hữu Ph., Chủ quán cơm từ thiện 1000 đồng ở Đà Nẵng