Theo đề xuất của Bộ VH-TT-DL vào ngày 19/5, người thực hiện hành vi bạo lực gia đình có thể bị cấm tiếp xúc trong phạm vi 50m với người bị bạo lực gia đình.
- Vụ cô giáo bị chồng sát hại ở Sóc Trăng: Con út có mặt nhưng không biết cha giết mẹ
- Tự ý thêm '1.000 đồng' làm tròn tiền hàng, nam shipper bị xử phạt như thế nào?
Theo thông tin từ báo Thanh Niên, Bộ Tư pháp vừa công bố tài liệu thẩm định dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 (có hiệu lực từ 1.7 tới). Nghị định này do Bộ VH-TT-DL chủ trì soạn thảo. Một trong những nội dung đáng chú ý được cơ quan soạn thảo đề xuất quy định chi tiết, là biện pháp cấm tiếp xúc đối với người thực hiện hành vi bạo lực gia đình.
Dựa vào dự thảo, người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật có quyền đề nghị chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình quyết định cấm tiếp xúc khi thấy hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình. Ngoài ra, cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng có quyền đề nghị việc này, nhưng với điều kiện phải được sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật.
Chủ tịch UBND cấp xã là người ra quyết định cấm tiếp xúc. Thời gian cấm tiếp xúc không quá 3 ngày cho mỗi lần kể từ thời điểm người có hành vi bạo lực gia đình nhận quyết định, không cấm tiếp xúc quá 2 lần liên tiếp.
Trường hợp đã bị cấm tiếp xúc 2 lần liên tiếp mà vẫn thực hiện hành vi bạo lực gia đình, chủ tịch UBND cấp xã đề nghị cơ quan điều tra xem xét xử lý về tội cố ý gây thương tích, theo quy định tại điều 134 bộ luật Hình sự.
Trong thời gian cấm tiếp xúc, người bị cấm tiếp xúc không được đến gần người bị bạo lực gia đình trong phạm vi 50 m, nếu không có tường ngăn hoặc vách ngăn đảm bảo an toàn. Đề xuất này có phần mới so với Nghị định 08/2009 đang có hiệu lực, khi quy định khoảng cách bị nghiêm cấm chỉ là 30 m. Ngoài ra, người bị cấm tiếp xúc còn không được sử dụng điện thoại, fax, thư điện tử hoặc sử dụng phương tiện, công cụ khác để thực hiện hành vi bạo lực gia đình.
Trường hợp gia đình có việc cưới, việc tang, có người bị tai nạn, bệnh nặng hoặc tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, người bị cấm tiếp xúc có thể tiếp xúc gần với người bị bạo lực, nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người giám sát.
Theo thông tin từ báo Dân Trí, lý giải điều này, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (cơ quan soạn thảo) cho biết, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định "cấm tiếp xúc là biện pháp cấm người có hành vi bạo lực gia đình đến gần người bị bạo lực gia đình hoặc sử dụng phương tiện, công cụ để thực hiện hành vi bạo lực gia đình". Tuy nhiên, luật không quy định khoảng cách bao nhiêu là gần. Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của chủ tịch UBND cấp xã.
Để xác định việc vi phạm cấm tiếp xúc thì nhất thiết phải có quy định về khoảng cách (đến gần) và quy định khác (không đến gần).
Từ đó, cơ quan soạn thảo cho rằng "đến gần" có thể hiểu là khoảng cách mà người có hành vi bạo lực gia đình có thể trực tiếp tác động vào thân thể của người bị bạo lực gia đình. Thực tiễn cho thấy, một người bình thường có thể ném xa từ 30-45m, trường hợp đặc biệt có thể trên 50m. Người trưởng thành chạy cự ly 100m mất khoảng 17-25 giây, còn với vận động viên là khoảng 10-15 giây.
Vì thế, quy định khoảng cách không có vật cản với người bình thường ở mức 50m có thể được coi là an toàn. Trong điều kiện có vách ngăn kiên cố thì việc quy định khoảng cách này là không cần thiết.
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch khẳng định, nội dung như dự thảo đề xuất nhằm bảo đảm an toàn cho người bị bạo lực gia đình, vừa là cơ sở để xác định vi phạm cấm tiếp xúc.