Nhiều cha mẹ chia sẻ vô tội vạ hình ảnh riêng tư của con trên mạng xã hội dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm!
- 40 tuổi nghỉ việc để nhận lương 13 triệu đồng/tháng từ bố mẹ
- Danh tính các nạn nhân trong vụ xe tải tông nhiều xe máy khi đang dừng đèn đỏ ở Bình Dương
Theo thông tin từ Báo Tin Tức thông tấn xã Việt Nam, tại Bắc Giang mới đây đã tiếp nhận trường hợp cháu P, 14 tuổi (Bắc Giang) đầu năm 2023 nhận được điện thoại từ đối tượng lạ giới thiệu từ một đơn vị vui chơi có thưởng. Ban đầu là đoán trò chơi và dần dần tích điểm với phần thưởng ban đầu là thỏi son. Sau này, khi đối tượng hướng dẫn chuyển tiền và dọa đăng thông tin nhạy cảm, em P nghi ngờ và gọi điện đến Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (Tổng đài 111) tư vấn. Từ chia sẻ của em P với Tổng đài 111 cho thấy, việc lộ lọt thông tin từ tên lớp, tên trường và cả bạn bè có thể từ việc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Thông qua thống kê các vụ lừa đảo qua đường dây 111, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết thêm hung thủ thường sẽ tìm hiểu rất kĩ về nạn nhân qua việc thu thập dữ liệu thông tin trước đó. Khi gọi điện hoặc chat với nạn nhân, đối tượng rất hiểu tâm lý nạn nhân để trò chuyện và mục tiêu hướng tới lừa đảo.
Về việc tình trạng đối tượng lừa đảo gọi điện cho phụ huynh thông báo con bị cấp cứu trong bệnh viện cần chuyển tiền để bác sĩ mổ gấp vừa nổi lên vừa qua, theo Cơ quan chức năng nói thêm những vụ việc trên là lợi dụng trẻ em để lừa đảo nhưng vấn đề được đặt ra là đối tượng lừa đảo lấy thông tin của trẻ em ở đâu để gọi điện cho bố mẹ? Đó là một phần từ việc chia sẻ vô tư những bằng khen, bảng điểm, hay những hình ảnh của bố mẹ lên mạng xã hội.
Càng gần tới dịp cuối năm học, cuối học kì các bậc phụ huynh lại càng hăng hái khoe thành tích, bảng điểm của con trên mạng xã hội cho mọi người cùng biết. Điều đáng nói, cha mẹ lại không có ý thức về việc bảo mật thông tin của con mà đăng tải vô tội vạ mọi thứ từ tên tuổi cho tới ngày sinh, nơi cư trú và nơi học tập đều hiện rất rõ, có lẽ chỉ cần lướt Facebook một hồi những kẻ xấu đã có thể nắm được thông tin cơ bản.
Ngoài ra, hiện nay có rất nhiều trang web thu thập thông tin nhưng chưa có các cam kết với bên thứ ba dẫn đến việc lộ lọt bởi chính người quản lý dữ liệu hoặc bởi bên thứ ba. Với tình trạng lừa đảo trực tuyến gia tăng thì có nhiều trang web lừa đảo được lập ra nếu người dùng là bố mẹ trong quá trình sử dụng có thể đã nhập thông tin cá nhân vào.
Về tác động của những thông tin độc hại trên môi trường mạng đối với trẻ em, ông Đỗ Dương Hiển, đại diện Childfund Việt Nam đã chia sẻ với VTV News trong một phỏng vấn rằng có khoảng 20% trẻ em cảm thấy sợ hãi và bị ám ảnh khi tiếp xúc với những thông tin không phù hợp (mang tính bạo lực, nhạy cảm) trên mạng xã hội và nỗi ám ảnh này sẽ đi theo bé đến khi trưởng thành.
Theo thông tin từ VTV News, hiện có đến 46 triệu hình ảnh, video khác thường có liên quan đến chủ đề bóc lột, lạm dụng tình dục trẻ em trong kho lưu trữ của Europol (Cục Cảnh sát châu Âu). Ngân hàng Barclays đã cảnh báo rằng, vào những năm 2030s, sẽ có khoảng 7,4 triệu vụ trộm danh tính có thể xảy ra mỗi năm. Đó là hệ quả để lại sau khi thế hệ cha mẹ hiện nay "vô tình" công khai mọi thông tin của con cái lên mạng xã hội.
Tuy nhiên, còn có một khía cạnh khác ai cũng nên chú ý. Đó là khi cha mẹ đăng tải những bức ảnh hay clip ghi lại những hình ảnh không đẹp, những câu chuyện về lỗi lầm của các con như khóc ăn vạ, cãi bố mẹ, con có hành vi sai trái. Vậy là những hình ảnh không hay, không đẹp của trẻ bỗng nhiên được công khai cho hàng trăm hàng ngàn người soi mói, bàn tán. Kết quả là: trẻ có thể phải hứng chịu những tổn thương về tinh thần khi bị chỉ trích, chê bai, phán xét. Trẻ phải đối mặt với chính những hình ảnh không đẹp của mình một mai khi chúng đã lớn lên.
Cha mẹ cẩn thận săn sóc từng bước cho con ở thế giới thực nhưng lại thường quên đi cần bảo mật cho con trên mạng xã hội. Một dòng trạng thái, một tấm hình bạn chia sẻ trên mạng vẫn sẽ còn đó dù là sau vài năm hay vài chục năm nên cha mẹ cần chọn lọc và suy nghĩ kĩ trước khi chia sẻ bất kỳ thông tin nào cúa con lên mạng xã hội.