Sau 30 phút ăn châu chấu rang, nam thanh niên xuất hiện tình trạng khó thở, tức ngực nên được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế.
- Yên Bái: Nam thanh niên 18 tuổi hoại tử, thủng thành ruột vì... nuốt tăm tre dài 6cm
- Lời kể ám ảnh của những người may mắn thoát chết sau chuyến xe 'tử thần' gặp nạn trên cao tốc ở Khánh Hòa: 'Tôi thấy tài xế hoàn toàn tỉnh táo nhưng...'
Dẫn thông tin từ VietNamNet, Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn, Phú Thọ cho biết, các bác sĩ vừa tiếp nhận trường hợp sốc phản vệ do ăn châu chấu. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng trên da toàn thân xuất hiện nhiều ban dị ứng màu đỏ, kích thước 3-5 mm, ngứa, tím môi và đầu chi, khó thở nhanh nông, đau tức ngực, thể trạng mệt mỏi, huyết áp 70/40 mmHg.
Người bệnh được chẩn đoán sốc phản vệ do ăn châu chấu. Các bác sĩ đã ngay lập tức tiến hành cấp cứu cho người bệnh và xử trí theo phác đồ xử trí phản vệ. Sau cấp cứu, người bệnh tỉnh táo, mạch, huyết áp ổn định, dự kiến có thể ra viện trong vài ngày tới.
Bác sĩ Mai Giang Nam, Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức và Chống độc, Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn, cho biết sốc phản vệ có thể gặp mọi lứa tuổi và không chỉ do dùng thuốc, có thể do ăn thức ăn lạ (tôm, cua, ghẹ, côn trùng...), côn trùng đốt, tiếp xúc chất lạ... Bệnh nhân bị sốc phản vệ nếu không được cấp cứu kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Triệu chứng thường gặp là mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, khó thở, tức ngực, mạch nhanh, huyết áp tụt, vật vã kích thích, có thể có tiếng thở rít, rối loạn ý thức, hôn mê.
Cũng liên quan đến chuyện ăn côn trùng bị ngộ độc, trước đó tại Lạng Sơn cũng từng xảy ra 1 trường hợp tương tự. Cụ thể, theo thông tin từ báo Công an Nhân dân, vào lúc 0h ngày 26/5, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận 3 trường hợp (1 người trú tại huyện Văn Lãng, Lạng Sơn và 2 bệnh nhân trú tại huyện Ân Thi, Hưng Yên) vào cấp cứu trong tình trạng kích thích vật vã, đau nhiều vùng hạ vị và hai bên thắt lưng, nôn ra máu, phồng rộp niêm mạc vùng lưỡi, nước tiểu đỏ, ít.
Theo người nhà bệnh nhân, trước đó 6 tiếng đồng hồ, 3 người đã ăn 4 – 5 con côn trùng không rõ chủng loại. Sau ăn, người bệnh xuất hiện các dấu hiệu trên và được người nhà đưa đi cấp cứu.
Sau khi thực hiện các xét nghiệm, cùng với nhận dạng côn trùng người nhà bệnh nhân mang đến, các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân ngộ độc do ăn sâu ban miêu, dẫn đến suy đa tạng. Ngay lập tức, bệnh nhân được xử trí theo phác đồ ngộ độc của Bộ Y tế. Hiện tại, 3 bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, trong đó có 2 bệnh nhân tiên lượng rất nặng, phải lọc máu cấp cứu.